Những ai đã được học bài thơ "Ông Đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên chắc hẳn từng mang tâm trạng tiếc nuối khi phải giã từ một quá vãng đẹp. Cái khoảnh khắc "Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay" ấy dường như đã lột tả được hết nỗi buồn của sự chuyển giao thời gian. Thế nhưng, không chỉ có Ông Đồ đối diện với thời khắc cuối cùng của mình mà đâu đó có những nghệ nhân dân gian cũng đang cố bám trụ với nghề trong cơn biến chuyển thị hiếu xã hội. Và có lẽ họ là những truyền nhân cuối cùng...
Đội hát sắc bùa làng Lệ Trạch đã từng sinh hoạt sôi nổi một thời. Trong ảnh ông Trương Tích (đứng giữa) cùng các con trai cũng là những truyền nhân cuối cùng của nghệ thuật hát sắc bùa.
"Có phước có phần/ Từ ngõ chí sân/ Không còn chỗ nói/ Đêm khuya êm ái/ Bùa sắc vào nhà/ Xin trải chiếu ra/ Bùa ta vào sắc"- Những câu hát mộc mạc ấy tưởng chừng như quen thuộc nhưng nay đã vắng bóng và thậm chí ở những "cái nôi" của nghệ thuật hát sắc bùa người ta cũng chẳng mấy quan tâm. Cuộc sống nay đã đổi thay với nhiều hình thức giải trí khiến thú vui được quây quần, nghe những câu hát mộc mạc về tình nghĩa xóm giềng trở thành quá vãng. Hát sắc bùa không chỉ là một loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian mang tính lễ nghi nông nghiệp mà còn là một tín ngưỡng chủ yếu diễn ra vào dịp Tết. Sắc bùa đã từng là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân xứ Quảng đặc biệt là sự hồi sinh mạnh mẽ sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Thế nhưng giờ đây để tìm được đúng người biết hát sắc bùa quả rất khó bởi những nghệ nhân ngày xưa đã già yếu hoặc qua đời.
Tìm về làng Lệ Trạch (nay là thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) chúng tôi được giới thiệu đến gia đình ông Trương Tám (50 tuổi), con trai ông Trương Tích, một nghệ nhân hát sắc bùa nổi tiếng xứ Quảng. Hiện nay ông Tám cùng em là ông Trương Chín và một người anh rể trong gia đình có thể được xem là những người nối nghiệp cuối cùng nghệ thuật hát sắc bùa của ông Trương Tích và cả làng Lệ Trạch. Theo lời ông Tám thuật lại: "Nghề hát sắc bùa của gia đình tôi có thể xem là gia truyền bởi từ đời cụ cố đã rất say mê. Còn cha tôi lúc nhỏ thường theo ông nội đi hát vào Tết Nguyên đán. Lúc ấy còn nhỏ nên ông chỉ chủ yếu xách lồng đèn theo sau. Lúc trưởng thành, cha tôi chính thức nối nghiệp rồi truyền lại cho anh em chúng tôi". Vào những năm cuối thế kỷ XX, đội hát sắc bùa làng Lệ Trạch do ông Trương Tích làm cái đã từng sinh hoạt sôi động một thời gian nhưng sau này ông Tích qua đời thì các ông Trương Tám, Trương Chín cũng chỉ đi diễn khi có lời mời. Ông Tám ngậm ngùi: "Bây chừ anh em chúng tôi cũng chỉ diễn ở xã vào dịp Tết thôi chứ còn người dân hầu như chẳng ai còn thiết tha thông tục này".
Nằm cách làng Lệ Trạch chừng 6km là làng Thanh Châu, đây cũng là một trong những nơi cuối cùng còn dư âm của nghệ thuật hát sắc bùa. Thanh Châu nay chỉ còn 1 người duy nhất biết hát sắc bùa là ông Ngô Phước nhưng cũng đã tuổi cao sức yếu. Ông Phước biết hát sắc bùa khi mới 15 tuổi và 70 năm qua, có lẽ với ông, sắc bùa còn là câu chuyện của cả một đời người gắn liền với những bạn bè đã quá cố. Sau năm 1975, đời sống kinh tế người dân còn lắm khó khăn nhưng đội sắc bùa Thanh Châu hoạt động rôm rả. Những kỷ niệm ấy nay đã trở thành dĩ vãng. Tiếp sau những người như ông Trương Tám, Trương Chín liệu còn ai gìn giữ và phát huy?
Anh Nguyễn Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu suy tư: "Xã cũng rất tâm huyết và mong muốn phát triển dài lâu loại hình nghệ thuật này. Nhưng có lẽ nhu cầu của thời đại đã thay đổi và những người còn đam mê biết hát sắc bùa nay đã già yếu không thể tiếp tục, thế hệ trẻ thì lại không mấy mặn mà...". Vẫn biết thực tế "mỗi năm mỗi vắng" nhưng vẫn tiếc thay khi thấy bóng dáng của những nét đẹp văn hóa dân gian dần phai nhạt trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.
Đồng Dao