Chiến tranh hay thời bình, các chị, các mẹ đều là những “anh hùng” theo cách riêng mình. Có người một đời gắn với danh phong “Dũng sĩ” từ thuở thiếu thời, có người lặng lẽ làm dân vận góp công, góp sức, cũng có người nỗ lực trọn phận trách nhiệm bản thân…
15 lần được phong "Dũng sĩ", đó là điều đáng nhớ trong suốt cuộc đời nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Văn Thị Xoa (SN 1950, khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên).
Tháng 1.1964, Văn Thị Xoa chính thức trở thành du kích mật của xã Xuyên Mỹ (nay là thị trấn Nam Phước), khi chị mới 14 tuổi. Hàng ngày, Xoa vừa đi học vừa lân la đến những nơi địch tụ họp để theo dõi hoạt động của chúng. Vốn thông minh, cô học trò nhỏ kết thân với con cháu của hội đồng xã và binh lính ngụy. Lợi dụng mối quan hệ với đám bạn này, Xoa vào ra đồn bốt địch để nắm tình hình, rải truyền đơn, vẽ lại sơ đồ hệ thống các điểm canh gác và đánh cắp tài liệu, vũ khí của địch. Với sự mưu trí, gan dạ, chỉ trong vòng một năm, Xoa đã hơn 30 lần rải truyền đơn, treo biểu ngữ trót lọt, đánh cắp hàng chục quả lựu đạn, 1 khẩu súng ngắn và nhiều tài liệu. Ngày 5.2.1965, trên đường đi rải truyền đơn thì Xoa bị địch bắt. Suốt 3 ngày bị giam giữ, bỏ đói, đánh đập nhưng Xoa không một lời khai báo. Lợi dụng sơ hở của địch, Xoa trốn thoát ra vùng giải phóng và hoạt động công khai.
Giữa năm 1965, Xoa được tổ chức chọn vào tổ "Vành đai diệt Mỹ" với địa bàn ra tận huyện Hòa Vang. Trong năm ấy, Xoa được khen tặng danh hiệu "Thiện xạ diệt Mỹ". Đầu năm 1966, Văn Thị Xoa được bổ nhiệm làm Xã đội phó và sau đó được cử làm chính trị viên xã đội Xuyên Mỹ. Dù là nữ nhưng Xoa đã chỉ huy du kích địa phương đánh nhiều trận táo bạo, khiến địch luôn ở trong trạng thái bất an. Với trận đánh ngay gốc đa làng Xuyên Đông 2, Xoa được nêu gương "Nữ du kích dũng cảm, mưu trí".
Hầu hết các trận đánh, Văn Thị Xoa là người đi đầu, vào tận sào huyệt địch tiêu diệt đến cùng. Có nhiều trận đánh, ban đầu ta ở phía bị động nhưng nhờ mưu trí, dũng cảm, nữ dũng sĩ đã chuyển tình hình sang thế chủ động tiến công và thu được chiến công lẫy lừng. Trận đánh đêm 27.12.1966 là một ví dụ. Hôm đó, 1 tiểu đội thuộc Trung đoàn 51 của địch từ Nam Phước kéo ra hướng chùa Hà Linh. 19 giờ, Xoa cùng tổ du kích mật phục tại chùa Hà Linh để tiêu diệt tiểu đội này, đồng thời hỗ trợ cho đoàn công tác của huyện đang phát động quần chúng kháng chiến ở làng Mỹ Khê Tân. Đến 20 giờ, địch không đi lùng sục như thường lệ, ở hướng Mỹ Khê Tân lại có tiếng súng nổ. Nhận định đồng đội bị địch phục kích, Xoa và tổ du kích nhanh chóng tổ chức lại đội hình, áp sát và đánh bọc sườn từ phía sau lưng địch. Vậy là, từ thế bị động ta chuyển sang thế chủ động tiến công làm đại đội lính biệt kích thiệt hại nặng, bảo vệ an toàn cho đoàn công tác của huyện. Với thành tích này, các đồng chí trong tổ du kích đều được tặng danh hiệu "Dũng sĩ", riêng Xoa được bình chọn chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba.
Cũng trong trận đánh này, Xoa bị trúng đạn của địch khiến vỡ xương vùng mặt. Vết thương đã khiến khuôn mặt của cô gái đang tuổi xuân thì nham nhở, dúm dó. Nhìn khuôn mặt Xoa lúc đó, nhiều người đã bật khóc vì thương nữ du kích. Kể về việc này, Xoa nói: "Năm ấy tôi mới 17 tuổi, đang thì con gái. Vết thương lại ở trên mặt, dĩ nhiên tôi cũng buồn, vì tôi cũng muốn mình xinh đẹp. Nhưng trước khi tham gia cách mạng, tôi cũng xác định rồi, tính mạng mình còn không tiếc, tiếc chi nhan sắc...".
Sau những chiến công vang dội, tháng 10.1968, Văn Thị Xoa được cấp trên bổ nhiệm Đội trưởng đội trinh sát vũ trang huyện. Trong 6 năm, từ 1964 đến 1970, Xoa tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy gần 80 trận, tiêu diệt trên 100 tên địch, thu 8 súng các loại, đưa phong trào đấu tranh du kích địa phương ngày càng lớn mạnh.
Ngày 16.12.2014, Văn Thị Xoa chính thức được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng, từ rất lâu, chị đã là nữ anh hùng trong lòng người dân đất Quảng...
PHƯƠNG NAM