A+ A A-

Viết sử nửa vời...

Lần đi lên thủy điện Sông Tranh, khi ấy mới vừa khởi công, tôi được nghe ông Dương Thuận, một người lãnh đạo có cỡ trong ngành thủy điện ở miền Trung kể về trận đánh vào quận lỵ Đức Dục (thuộc xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên ngày nay) đúng vào đêm 27.3.1973.
Ông nguyên là cựu binh của Tiểu đoàn đặc công 409 - một đơn vị nổi tiếng trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Trận đánh ấy, do giao liên dẫn đường phản bội, bọn địch trong cứ điểm biết trước đã rút hết quân ra bên ngoài mai phục. Ông Thuận kể: “Khi chúng tôi tiềm nhập qua hết các lớp rào và khai hỏa thì không thấy bọn địch có một phát súng nào chống trả. Có cái gì đó không bình thường rồi, nhưng chưa kịp nhận định thì lập tức từ bốn phía bọn địch giã đạn cối vào như mưa rào, các cỡ súng lớn nhỏ nổ như bắp rang. Tôi không hiểu làm sao mình có thể thoát ra được, bơi qua sông Thu Bồn chạy về phía Đại Lộc. Trận ấy đơn vị 409 chúng tôi tổn thất rất nặng”. Tôi ngạc nhiên hỏi ông Thuận, có trận đánh ấy à, vậy sao đọc nhiều cuốn sử của tỉnh tôi không thấy ghi dòng nào? Bẵng một thời gian sau, chúng tôi nhận được thư của một thân nhân ở ngoài Bắc gửi cho chương trình Hộp thư truyền hình, hỏi tìm mộ liệt sĩ, bức thư kể đúng ngày tháng của sự kiện đánh quận lỵ Đức Dục!

Lần làm phim “Hội An vùng đất anh hùng”, tôi cũng được nghe ông  Đinh Văn Minh, một vị chỉ huy lừng lẫy của Đại đội 2 thị đội Hội An thời chiến tranh chống Mỹ kể về trận đánh trận địa pháo Cẩm Hà. Trận ấy đơn vị ông chỉ tham gia trinh sát chứ không được trực tiếp đánh. Khi đơn vị đặc công chủ lực tiếp cận được mục tiêu, chuẩn bị nổ súng thì bọn địch phát hiện. Ông kể bọn chúng đã chúc nòng pháo xuống nhắm từng chiến sĩ mà nã đạn. Tổn thất trận này rất lớn.  Thế nhưng đọc lịch sử Đảng bộ Hội An tôi cũng không thấy có một dòng nào viết về sự kiện bi tráng ấy.

Cách đây gần 10 năm, Đài Truyền hình Việt Nam có làm một bộ phim tài liệu “Trận đánh không thắng” nói về trận đánh cứ điểm Ka nak thuộc huyện K’Bang tỉnh Gia Lai vào năm 1964. Do phối hợp không tốt, chỉ huy do dự nên trận đánh dằng dai, đặc công 409 đã tổn thất lớn, mất nhiều cán bộ chỉ huy. Để tìm hiểu, đoàn làm phim đã lên tới Tỉnh đội Gia Lai xác minh nhưng họ nhận được câu trả lời hồ sơ lưu tại tỉnh đội không có trận đánh ấy.

Qua vài dẫn chứng nêu, mà trên thực tế còn vô số câu chuyện như vậy, cho thấy những người viết sử các địa phương, các ngành có xu hướng lờ đi những “trận đánh không thắng”. Mà đôi khi họ có muốn viết thì những người có thẩm quyền cũng không cho viết. Cái kiểu tư duy “ta thắng địch thua” đã ăn quá sâu trong cách nghĩ. Sự hy sinh của người lính trong những “trận đánh không thắng” không bao giờ là vô nghĩa. Vậy tại sao sử sách lại cố tình lãng quên họ?! Đó là sự phụ bạc đối với hương hồn những người đã chết vì độc lập tự do của Tổ quốc. Còn dưới góc độ khoa học thì đó là cách viết sử nửa vời.

Viết sử nửa vời còn biểu hiện dưới một dạng khác. Hai năm nay xã tôi triển khai viết lịch sử đảng bộ. Thời gian trôi xa, ở cấp xã nguồn sử liệu thành văn không nhiều nên việc phục dựng bức tranh lịch sử là không dễ dàng. Tuy nhiên điều đáng nói là có những sự kiện, nhân vật đã không được được ghi vào sách. Thời kháng chiến chống Pháp, xã tôi có những nhân vật “cộm cán” đã tham gia ổ gián điệp tầm cỡ chống phá cách mạng. Đó là án nổi tiếng ở vùng tự do liên khu 5. Rồi đến những năm 1954-1959, thời đen tối của cách mạng miền Nam, Khánh Thọ quê tôi lại ghi đậm tội ác của Mỹ - Diệm với những vụ bí mật giết người rất tàn khốc. Hàng trăm đảng viên và người kháng chiến cũ đã bị thủ tiêu lặng lẽ. Nhưng bây giờ viết sử đảng bộ, người ta đã lờ đi những kẻ đao phủ, những kẻ chống cộng đến cùng ấy. Lý do được những người có trách nhiệm đưa ra là không nên nhắc lại tên tuổi những nhân vật ấy, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến đoàn kết trong nội bộ nhân dân! Hòa giải dân tộc là điều tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng thiết nghĩ cũng cần giữ căn cốt sự thật lịch sử. Ngạn ngữ có câu: “Một nửa cái bánh là cái bánh, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”.

Những chuyện vừa kể không phải chỉ riêng ở xã tôi, đọc lịch sử đảng bộ một số nơi, tôi cũng thấy tình trạng tương tự. Vậy lịch sử được viết nửa vời ấy có phải là lịch sử không? Cuốn sử với đầy những tên người viết tắt, những sự kiện không nhân vật làm cho câu chuyện lịch sử trở nên phiếm chỉ, liệu ai dám bảo ấy là những trang sách sử? Và đối với hậu thế, những cuốn lịch sử phiếm chỉ, lịch sử viết nửa vời kiểu này liệu có bảo đảm giá trị khoa học không?

Những năm gần đây nhiều công trình lịch sử cấp quốc gia và một số ngành, đơn vị khác đã tái hiện lịch sử chân thật hơn. Nhiều sự kiện quan trọng đã được giải mật. Chẳng hạn bộ lịch sử Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước  của NXB Quân đội Nhân dân xuất bản gần đây lần đầu tiên đề cập các bí mật quốc gia như sự tham gia của Trung Quốc trong việc đảm bảo giao thông cho Việt Nam thời chiến, không quân Triều Tiên tham chiến ở Việt Nam, tổn thất của ta trong trận đánh phòng tuyến Xuân Lộc tháng 4.1975 khi đối phương lần đầu tiên sử dụng bom CBU (bom đốt cháy ô xi trong không khí)… Đấy là thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ trong cuộc kháng chiến cứu nước. Thái độ tôn trọng này rất đáng hoan nghênh và cũng là điều cần có đối với những người viết sử chân chính.

DUY HIỂN

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19799380
Hôm nay
Hôm qua
3501
10160