A+ A A-

Căn cứ Mỹ Sơn - "Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình"

Sau khi ký Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, quân đội Mỹ kéo cờ rút quân về nước, lực lượng Giải phóng miền Nam rời núi xuống đồng bằng ăn Tết Ất Mão và thực hiện cuộc ''Hòa giải dân tộc'' thì Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phát biểu trên Đài phát thanh Sài Gòn chửi Chính phủ Mỹ là ''kẻ phản bội, bỏ rơi chính quyền Sài Gòn'', ''Không có Hiệp định Paris, không có hòa bình với Cộng sản'', ''Nếu Việt cộng bắn vào ta một phát súng trường, ta sẽ nã lại chúng hàng loạt đại liên. Việt cộng bắn ta bằng đại liên, ta sẽ trút xuống đầu chúng hàng vạn tấn bom để tiêu diệt chúng''. Và bất ngờ Thiệu mở chiến dịch ''tràn ngập lãnh thổ'' tung quân ''cắm cờ giành đất'' trên phần đất giải phóng đã cắm cờ.
 Bị địch trở mặt, Mặt trận Giải phóng chỉ có lực lượng huyện, địch thì tung toàn lực gồm lính chính quy, bảo an, địa phương quân, công an, mật vụ, bình định nông thôn và vũ khí hạng nặng do Mỹ khi rút về nước để lại. Sau 7 tháng, địch đã cơ bản hoàn thành bước 1 ''tràn ngập lãnh thổ'', lấn chiếm hầu hết vùng giải phóng Quảng Đà, trong đó có 19 xã đồng bằng của H. Duy Xuyên lập ra 50 chốt điểm. Trong tình thế bị lấn chiếm đất và bị truy lùng, lực lượng giải phóng bị tổn thất và không còn chỗ trú ở đồng bằng, có thời gian cơ quan Huyện ủy Duy Xuyên ra ở ngoài cái mô đất nổi lên giữa hồ nước Vĩnh Trinh. Ban ngày ở trên đảo có thể nhìn thấy lính Sài Gòn đi lại trên núi Dương Thông. Mỗi đêm xuống, anh em kéo chiếc thuyền dưới nước lên, bơi vào bờ, dìm chiếc thuyền xuống nước, đi vào làng gặp dân hỏi thăm tình hình địch, kiếm ít gạo, mắm, gần sáng thì lội ra mép nước hồ kéo thuyền lên bơi ra đảo nhỏ.

Dù được mời về tỉnh nghe Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy xuống tận ranh núi Trà Lý - nơi cơ quan Ban Tuyên huấn Quảng Đà đóng tạm thời, trình bày giải thích chủ trương của trên cần phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, song cán bộ tỉnh và huyện đều không thông. Mang tinh thần của Khu ủy về phổ biến cho xã thì cán bộ xã thắc mắc. Trước tình thế bế tắc, tư tưởng không yên, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên Nguyễn Văn Dương lên núi Hòn Tàu tìm gặp Hồ Nghinh phản ảnh tình hình, xin ý kiến chỉ đạo. Bấy giờ Hồ Nghinh là Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy V đang xuống công tác ở Quảng Đà. Nguyễn Văn Dương nói thay lời Huyện ủy: Đánh bao nhiêu năm, hy sinh biết bao nhiêu xương máu dồn địch vào chút quận lỵ và mấy cái đồn ở đầu cầu Bà Rén, Câu Lâu, coi như ta giải phóng gần hết đất của H. Duy Xuyên. Vậy mà chừ anh em Huyện ủy phải ngồi trên cái gò đất nổi giữa hồ Vĩnh Trinh nhìn đồn bốt địch mọc lên khắp nơi. Nếu trên các anh không có hướng chi thì anh em tôi sẽ liều mạng với chúng, quyết giành lại đất, giành lại dân, chứ sống ri chịu không nổi nữa.

Nghe Nguyễn Văn Dương thổ lộ tâm tư tình cảm của mình, cũng là của đồng đội, Hồ Nghinh bảo về triệu tập họp Huyện ủy bàn. Cuộc họp Huyện ủy đột xuất diễn ra ngay trên đảo nhỏ giữa hồ nước Vĩnh Trinh nghe Hồ Nghinh nói chuyện. Hồ Nghinh nhìn một lượt qua từng gương mặt anh em Huyện ủy, cười thân thiện rồi nói một cách từ tốn: Tôi nghe đồng chí Bí thư nói lên tình cảm của anh em rồi. Bức xúc lắm! Quảng Đà, Quảng Nam đều bức xúc. Làm răng không bức xúc. Các đồng chí biết rồi, đấu tranh cách mạng thì phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng. Có chính quyền trong tay rồi cũng phải nắm chắc tay súng. Thấy địch phá Hiệp định, xua quân lấn chiếm, các đồng chí không sợ, không hoang mang dao động mà đòi đánh thì biết tinh thần của các đồng chí đang rất vững vàng. Còn cái chuyện ''lạc đề'' ni thì tạm thời thôi (Ý, phải làm theo lời trên giải thích, chỉ đạo, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris nghe không lọt tai). Rồi đây các đồng chí phải nắm chắc tay súng. Có được những chiến sỹ Cộng sản như thế này thì dứt khoát không chịu khoanh tay nói bằng miệng với bọn lật lọng, ngoan cố, bọn lấn chiếm.
alt 

Nhìn cảnh núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, Hồ Nghinh nói với anh em: Chỗ này giống như ''Lương Sơn Bạc''. Nay các đồng chí hội tụ về cái đảo nhỏ này cũng như những anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử. Nghĩ anh em có khi không hiểu hết ý nghĩa, ông kể cho anh em nghe sự tích về Lương Sơn Bạc: Lương Sơn Bạc là một địa danh nổi tiếng ở Sơn Đông Trung Quốc, là nơi tụ nghĩa của 108 anh hùng hảo hán vùng lên chống lại ách áp bức, bóc lột của triều đình nhà Tống. Những anh hùng trong Thủy Hử đã đi vào lịch sử, qua những câu chuyện kể gắn liền với những danh lam thắng cảnh liên quan đến 108 vị anh hùng. Chuyện đã đi vào cuộc sống không chỉ người dân Trung Quốc mà qua nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Những nghĩa quân nổi tiếng như Tống Giang, Lâm Xung, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ… và những địa danh như hồ Đông Bình, núi Lương Sơn Bạc, núi Tiên Lương Sơn và bến nước, lau lách sóng bạc lao xao.

Căn cứ ''Lương Sơn Bạc'' của Duy Xuyên, ngoài khu vực suối, cây rừng, còn có một vùng chân Hòn Tàu chạy dài từ Hòn Đền - Núi Chúa - Mỹ Sơn đến Trà Lý -Xuyên Trà. Dọc theo ranh núi nhiều cây và đá có nhiều suối và hang. Một thời khó khăn năm 1955, 1956, Huyện ủy Duy Xuyên phải ở trong hang đá để bảo tồn lực lượng. Ngoài hang Ba Mạng còn có hang Ba Ao, Dốc Ông, Sũng Lầy, Hố Gà, còn gọi Khe Con Gà, Hố ông Thọ. Đội vũ trang tuyên truyền sau này là Đội vũ trang của H. Duy Xuyên từng lấy khu vực Khe Thẻ dưới chân Hòn Đền làm căn cứ, gọi là căn cứ Mỹ Sơn.

Một hôm có khách, anh Lưu Lộc vừa ở đồng bằng về xin được con gà mái đem ra làm thịt đãi khách quý. Nước sôi, vừa đem con gà ra, chưa cắt huyết thì gà vùng bay vào rừng. Tiếc đứt ruột, anh em đặt là Khe Con Gà! 

 Qua con đường lên Phú Nham Tây - xóm ông Lê Chưởng Xứ ủy Trung Kỳ từng ở, đi về hướng ranh núi có hố ông Thọ. Đây là vùng núi đồi rừng cây xanh nằm giữa Duy Xuyên và Quế Sơn, là vùng có nhiều hang đá, có khe nước trong, là nơi cán bộ của Duy Xuyên và Quế Sơn luôn gặp nhau, từng sống dựa vào nhau, sáng sớm dậy nấu ăn, ra suối câu cá trằn, bắt cua đá, lội tìm bắp chuối rừng, tối thì ra khe soi ếch. Một hôm  một cán bộ của Văn phòng Huyện ủy Duy Xuyên dậy sớm nấu nước sôi đổ vào bao bi đông thì lỡ tay, nước sôi làm phỏng chân Ngô Tuận (Thọ), người thay Bốn Hương làm Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, anh em đặt là hố ông Thọ.

          Trong núi Nổng Bồ có cái hang Quy Nhơn. Ở Đèo Thắm có hang Đà Lạt. Khi địch đánh phá ác liệt, cơ quan Huyện ủy Duy Xuyên lui vào ranh Trà Lý, có thời gian đóng cơ quan trong một cái hang, gọi là hang ông Lai, lấy tên ông Hoàng Văn Lai từng làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, sau làm Trưởng Ban an ninh Tỉnh ủy Quảng Đà. Không ít lần các cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Quảng Đà như các ông Hồ Nghinh, Trần Thận, Phạm Đức Nam từng rời Hòn Tàu ra tá túc với cán bộ Huyện ủy Duy Xuyên nghe ngóng tình hình và bàn mưu tính kế. Không thể quên sau khi có Hiệp định Paris, Mỹ làm lễ hạ cờ, rút quân, các cơ quan Dân, Chính, Đảng của Đặc khu ủy Quảng Đà hạ sơn, xuống đồng bằng, với tinh thần ''hòa giải dân tộc'', quân giải phóng và quân đội Sài Gòn bắt tay thi hành Hiệp định ngưng bắn thì bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đem tổng lực thực hiện âm mưu ''Tràn ngập lãnh thổ''.

Không thể đương đầu với bom đạn, hầu hết các cơ quan trực thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà ở đồng bằng Duy Xuyên, Điện Bàn, phải bỏ ăn Tết Ất Mão với đồng bào, lui vào tá túc ở vùng núi quanh căn cứ ''Lương Sơn Bạc'', xuống hồ Vĩnh Trinh bắt cá lác và mò ốc ăn Tết. Rồi lại lui vào chân núi Hòn Quắp, Hòn Tàu cho đến tháng 10-1973 thì mở đường Trường Sơn đưa xe pháo và gạo từ miền Bắc vào đến đường Hồ Chí Minh xuống tiếp cận đồng bằng… chuẩn bị cho hai chiến dịch Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức, mở toang ''cánh cửa thép'' bảo vệ vòng ngoài căn cứ hải lục không quân khổng lồ của Mỹ vừa bàn giao cho quân đội Sài Gòn ở Đà Nẵng, mở ra hành lang tiến đến mùa xuân lịch sử tháng 3-1975...

Căn cứ Khe Thẻ nằm trong khu vực bảo tồn Di tích Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới. Căn cứ Lương Sơn Bạc chỉ còn lại trong ký ức. Những chiến sỹ từng ở trong căn cứ Mỹ Sơn, căn cứ Lương Sơn Bạc, ai còn sống sót đã bước vào tuổi trời cho. Nay, về với Mỹ Sơn hãy dừng chân nhìn Khe Thẻ. Về với hồ chứa nước Vĩnh Trinh, hãy đứng lặng nhìn Tượng đài. Nhìn núi đồi Hòn Tàu trập trùng, nhấp nhô hãy nhớ về những đồng chí thân yêu. Nhìn tận đáy sâu lòng hồ, tận thăm thẳm lòng người để hiểu hơn về bản thân mình. Làm sao không nhớ và tỏ lòng biết ơn những người của Hôm qua và Đất đai làng quê, núi đồi từng nhuộm máu đào và người Hôm qua để lại cho các thế hệ Hôm nay mà Mai hậu ''Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình''.

Hồ Duy Lệ

(Cadn.com.vn)

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797603
Hôm nay
Hôm qua
1724
10160