Ai có đi xa, đã đến và ở
nhiều nơi, khi trở về quê nhà đất Quảng vào dịp Tết Nguyên đán mới thấy rõ một
màu nắng tại đây không giống bất cứ địa phương nào. Những người không xa quê
thì bận lo công việc vào mấy ngày cận Tết nên ít ai để ý sự xuất hiện ngày đầu
tiên của thứ nắng muôn đời muôn thuở ấy.
Nắng lập xuân.
Những ngày cuối đông bớt mưa bớt lạnh để nhường
bước cho xuân về. Tín hiệu tươi vui, rạng rỡ của đầu xuân là nắng.
Vì chưa vào thời điểm chiếm lĩnh trọn không gian
rộng lớn nên nắng không hừng lên đúng giờ phút bình minh mà chỉ đặt từng bước
chậm rãi trên cái nền giao mùa còn phảng phất ngọn đông phong tuy biết sẽ phải
nhường nhưng vẫn còn tiếc nuối. Rồi những vật cản quy luật thời tiết ấy cũng bị
rút đi giao lại cả đất trời cho nắng. Màu vàng đặc hữu của nắng lập xuân đã
chính thức ngự trị trước sự chờ đợi của vạn vật. Nắng hừng lên vào đầu ngày đẹp
nhất của mùa đẹp nhất trong năm. Mặt trời như biết cười. Đất trời như giăng,
như phủ lụa. Nắng như đôi bàn tay nhân hậu xua nhẹ lớp sương mỏng còn lãng đãng
trên mặt sông, trên mái núi. Nó ánh lên mắt người khi nhìn nó bằng sự giao cảm
thân thiện của đôi bên.
Người ta, nhất là các thi nhân, thường lấy biểu
tượng chim én báo tin xuân. Cũng không sai. Nhưng với riêng xứ đất chưa mưa đà
thấm thì chính nắng lập xuân đã báo tin này với đại gia đình chim én. Ngay từ
trong ngày ấy, từng đàn chim én vội vã rời cù lao bay ngược theo các dòng sông
Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang… để làm cái thiên chức mà chúng tưởng con người
chưa hay biết. Hãy để yên cho loài chim đáng yêu này cứ tưởng như vậy mỗi năm,
mỗi năm…
*
* *
Nhân gian tin rằng khi năm đã bước sang xuân là
có thêm sức sống cho con người, vạn vật. Y học cổ truyền cho rằng một người mắc
bệnh nặng nếu chịu được tới ngày lập xuân sẽ “hồi dương sinh mạch”, người cao
tuổi khỏe ra, thanh niên cường tráng và trẻ nít ăn vóc học hay. Cảnh vật cũng
đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hẳn ra. Các dòng sông đã qua mùa đông, mực
nước vừa phải, trong xanh chứ không tràn đầy, ngầu đục, đôi khi dữ dằn thành
tai họa. Những dãy núi xa, những khu vườn gần trở nên xanh mướt như người mới
tắm đang hong nắng. Các loài chim như mở hội, chào đón bạn tình ngày đầu mùa
truyền lưu nòi giống… Và trên tất cả là con người. Ai ai như cũng dễ tươi cười
với nhau, chan chứa tin yêu, bước chân thêm mạnh để đi thẳng về tiêu chí của
mỗi đời người.
Với cảm hứng có chút khiên cưỡng lãng mạn, tôi
cho rằng do lực tương tác của màu nắng lập xuân nên thực vật và động vật cũng
có ít nhiều quan hệ nhiệm màu. Ở thời điểm khả ái này, ngay tại quê tôi, sự
quan hệ ấy thấy càng rõ. Loài bướm thường có nhiều màu nhưng lúc này số lượng
bướm vàng nhiều hơn bướm các màu khác. Phải chăng bướm vàng đã biết thích nghi
để cộng sinh với các loại hoa cùng màu như hoàng mai, vạn thọ, cúc đại đóa,
bông bí, bông mướp và màu vàng hoa cải… Phải chăng nắng lập xuân đã tạo nên
điều thú vị ấy? Ta cứ nhìn mấy luống cải đang phơi phới hoa vàng của vườn nhà
mình mà xem. Màu hoa này đã quyến rũ ít nhất là một đôi bướm vàng suốt ngày vờn
lượn trên những bông hoa cải tương đồng với màu cánh bướm. Tôi từng được đọc
nhiều câu thơ, bài văn viết về mùa hoa cải ở quê ta, một đề tài không thấy có ở
mọi quốc gia khác. Trong những tác phẩm ấy luôn cho nổi bật những màu hoa và
sắc bướm. Có bướm vàng, mùa hoa cải thêm sinh động và cũng thêm ý nghĩa. Hoa và
bướm cũng gợi thêm tình cảm cho người nhìn hoặc gợi nhớ. Hình ảnh mẹ bước qua
cửa thấp của khung mành mành. Mẹ đứng ngắm kết quả lao động của mình từ những
ngày còn mưa tháng Chạp để đón mùa xuân. Hẳn lòng mẹ đang vui. Đôi bướm vàng
lượn vờn qua tận vai mẹ như đùa với mẹ. Người không đuổi bướm. Bướm chẳng sợ
người.
*
* *
Từ khi quen nhau, tôi thấy em mặc nhiều màu áo,
màu nào cũng đẹp nhưng đẹp nhất là áo dài lụa tơ tằm. Chắc là sản phẩm của quê
lụa Duy Xuyên, xuất xứ từ những khung cửi dệt của Đông Yên hay Mã Châu gì đó.
Em mặc áo ấy mà đi trong nắng lập xuân làm cho cảnh và người thêm đẹp. Vàng của
nắng. Vàng của lụa. Tình yêu phía khách thể chia đều cho cả hai.
Em và tôi đã xa nhau cả về thời gian lẫn không
gian. Ngày của tôi là đêm của em. Nhiều mùa xuân qua rồi, chúng ta không gặp
lại nhau. Theo định luật nhân sinh không thể cưỡng, chúng ta già thêm sau mỗi
mùa xuân còn mùa xuân thì trẻ mãi. Ở một phương trời khác, em còn mặc áo lụa
quê hương ít nhất là khi đón xuân về? Hỏi vậy thôi chứ tôi biết điều này không
còn nữa với em vì nơi em ở dẫu không thiếu thứ gì về vật chất nhưng đâu có màu
vàng của nắng lập xuân năm năm về đúng hạn kỳ.
Tùy bút của TƯỜNG LINH