Màu vàng hổ phách. Một chút cay, ngọt,
đằm dịu rồi lâng lâng. Tôi không giấu được trầm trồ: “Quá ngon! Sao chú không
đăng ký bản quyền sản phẩm?”. “Tôi không kinh doanh, đăng ký làm chi cho tốn
tiền”. Câu trả lời của ông Nhất Tuấn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy
Xuyên), chủ của nhãn hiệu “Rượu tằm xứ Quảng” không thuyết phục được tôi.
1. Ông bảo, rượu tằm là do mấy ông già xứ tằm tang này truyền
lại, rồi ông mày mò thử nghiệm, nghiên cứu. Dân gian và sách thuốc đã ghi nhận
công dụng hiệu quả của con tằm, lá dâu trong chữa bệnh suy nhược cơ thể, chữa
lành vết thương, bệnh phụ nữ... Nhưng làm ra rượu cho đúng là rượu tằm, không
dễ. Đất Duy Trinh lắm người trồng dâu nuôi tằm, rộng ra là cả xứ Quảng nhưng
làm rượu tằm thì theo chỗ tôi biết giờ chỉ có ông. “Tằm ăn lá dâu, cho ra kén.
Kén là kén ta mới tốt. Muốn ngâm rượu thì phải là tằm giá chứ không phải
tằm bệnh, tằm thịt. Muốn giữ tằm giá lâu phải làm lạnh. Còn nói thiệt chú, tôi
không nói rõ bí quyết làm rượu”. Tôi gật.
Nếu ngâm tằm như ngâm ba kích, thuốc bắc chắc tôi cũng ngâm được,
không cần hỏi han, và hẳn cả xứ này đã làm rượu tằm, rồi làm chi có
chuyện nhiều người đến ông hỏi rồi ra về tay không vì hết rượu. “Tùy theo mùa
mà chọn tằm ngâm, không phải mùa nào cũng được. Tốt nhất là tằm mùa thu, chứ
mùa xuân, đông, ngâm là ngộ độc liền vì tằm vôi. Cả mí tằm 20 - 30 hộp trứng,
cả tấn kén mới được mấy ký tằm giá. Rượu gạo tôi đặt người ta nấu, ngâm tằm với
mật ong rừng, sau đó đổ rượu vào, hạ thổ” – ông nói. “Có chi đặc biệt với rượu
khác?”. “Phải khác chứ, đây là rượu thuốc, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ, người
bị suy nhược”. “Giá 1 lít bao nhiêu?”. “100 ngàn đồng”. “Cao không?”. “Không
cao. Chỗ Duy An có người mua rượu tôi đem triển lãm ở Đầm Sen, chai nửa lít 50
ngàn, vào đó bán lại 100 ngàn”. “Bán cao quá, khó tiêu thụ” - vợ ông lên tiếng.
Ông Nhất Tuấn cho biết, ở đây có nhiều người làm rượu tằm,
nhưng rồi bỏ vì thất bại. “Trước đây, Công ty Minh Anh cũng làm; họ mua tằm,
làm ào ào, rồi cũng thua. Tôi làm từ năm 2000, phải 10 lần thử nghiệm mới được
như bây giờ. Khó khăn nhất là nguyên liệu. Diện tích trồng đã thu hẹp, tôi phải
đi thu kén ở trong và ngoài tỉnh. Làm nó kỳ công quá nên sản lượng không nhiều.
Thật ra tôi làm để cúng Lệ Bà Chiêm Sơn, lúc ra Giêng hàng năm là chính, rồi
bán cho người quen, bạn bè, biếu cho khách quý. Có người ở Hà Nội khuyên tôi
nên đăng ký bản quyền, nhưng tôi nghĩ tôi làm để lưu giữ hương vị truyền thống,
nên thôi” – ông Tuấn nói.
2. Ông Tuấn không
muốn, nhưng tôi nghĩ chính quyền không thể đứng ngoài. Dâu tằm xứ Quảng, nói
thẳng đã thảm hại nhiều năm qua dù rất nhiều nỗ lực. Tôi nghĩ đến câu chuyện
bản quyền ở xứ mình. Giả dối, ăn cắp tinh ranh, lộng hành và nhanh như chảo
chớp. Hễ thấy thương hiệu nào thành công là rắp tâm làm giả. Tôi vào Quy Nhơn,
đồng nghiệp can tôi đừng uống Bàu Đá ở thành phố, bởi ngay chính làng Bàu Đá
cũng làm giả. Một lò rượu trong nhà thì có hai hũ, hũ nhà uống để ngủ ngon, còn
hũ kia bán người ta uống để… chết. Rượu là ma trận, chỉ khi uống vào mới
biết thật giả. Tăm tiếng rượu tằm của ông Tuấn đã vượt ra phạm vi làng Chiêm
Sơn rồi. Một câu chuyện xa hơn, là chính quyền nên khuyến khích, tạo điều kiện
để ông sản xuất, tạo ra sản phẩm đặc biệt, độc quyền ở vùng này, mở rộng kinh
doanh, quảng bá thương hiệu. Rượu tằm là tiếng nói thầm kín và hiện hữu của câu
chuyện tằm tang. Ông Tuấn muốn lưu giữ hương vị truyền thống và chỉ mình ông
nắm bí quyết làm rượu ngon, giả sử ông không làm nữa, sẽ là ái ngại biết bao nếu
như lúc nào đó, thiên hạ sẽ bật ra tiếng thở than, rằng mất rồi một thời rượu
tằm.
Không một căn nhà lớn nào có thể bỗng dung mọc lên, nếu nó không
bắt đầu từ móng, từ những viên gạch nhỏ. Lâu nay chúng ta có một thói tật
chẳng hay ho: cá nhân sản xuất, chính quyền không lưu tâm, khi họ làm ăn tốt
thì mới nhảy vào, mời đi báo cáo điển hình, rồi ghi đại vào trong đó có công
của địa phương, nhưng khi họ làm ăn lụn bại, địa phương… đi vắng. Bài học
từ những chuyện làm ăn lớn, nhiều khi chỉ là tình cờ, hoặc do ông chủ có đầu óc
thông minh, nhưng cũng có khi do người lãnh đạo địa phương có góc rộng hơn
người, mạnh dạn hướng suy nghĩ vào đó, từ những tiểu tiết nhỏ chứ không chỉ là
chuyện vĩ mô sách vở.
Chuyện rượu ông Tuấn, tôi nghĩ đến các
võ đường dân tộc cửa đóng then cài không ai học, những tinh hoa bí quyền lặng
lẽ rơi vào quên lãng rồi theo các sư phụ về với đất. Lúc đó, những thảng thốt
sẽ trở thành vô nghĩa.
TRUNG VIỆT