Cả tuổi thơ được lớn lên cùng với sắc vị bánh in truyền thống, chị Huỳnh Thị Yến (thôn Vân Quật, xã Duy Thành, Duy Xuyên) đã tiếp nối nghề của cha để lại và giữ “hương tết” suốt gần 30 năm qua.
Chị Huỳnh Thị Yến giữ nghề làm bánh in truyền thống suốt 30 năm qua. ảnh: N.Trang
Từ hương bánh của cha
Sinh ra ở làng bánh An Lạc, từ nhỏ chị Yến quá quen thuộc với tiếng đảo chảo rang nếp và hương vị bánh thơm ngào ngạt. Mẹ mất sớm, cha chị là ông Huỳnh Thung vừa làm ruộng vừa theo nghề làm bánh in nuôi bốn người con lớn khôn.
Cho đến bây giờ, khi đã ngoài tuổi 70, hình ảnh chiếc bánh in vẫn in sâu trong tâm khảm ông Thung. Ngày xa xưa ấy, ông cấy giống nếp thơm. Sau ngày thu hoạch, ông Thung lấy nếp rang và xay thành bột thật mịn. Còn đường bát ngọt lịm được ông bắt chảo thắng với gừng giã nhuyễn, khâu cuối cùng ông nhào bột, đưa bánh vào khuôn rồi gõ, sấy bánh. Thế là hương tết thơm lừng.
Ông Thung kể: “Gia đình tôi mấy đời làm bánh. Ngày còn nhỏ thì tôi phụ làm, lớn lên mang đi bán. Đến lúc lập gia đình, tôi mới đắp lò bánh cho riêng mình. Chỉ tiếc, vợ tôi mất sớm, một mình nuôi tụi nhỏ, cực lắm!”. Theo ông Thung, cực là bởi cái nghề làm bánh phải thức khuya dậy sớm, tối rang bột, xay xong phải mang ra ngoài trời hứng sương đêm. Sáng ra, đợi phơi thêm một dạo nắng cho ráo bột, mới bắt tay vào các công đoạn làm chiếc bánh thành hình.
Phận gà trống nuôi con vất vả trăm bề, may nhờ có nghề làm bánh in. Cứ cách vài ngày, đặc biệt dịp tết, ông gánh bánh đi bỏ cho những quầy tạp hóa tại Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn. Thi thoảng, ông Thung theo ghe chở gốm qua chợ Hội An bán lẻ hoặc đổi rau, đổi cá mang về cải thiện bữa ăn nuôi các con.
Từ sự tần tảo của cha, chị Huỳnh Thị Yến cùng anh trai và các em học hỏi, phụ việc những mong đỡ bớt phần nhọc nhằn sớm tối. Suốt quãng thời gian tuổi thơ, chị Yến thường canh lửa sấy bánh cho cha, còn anh cả thì gõ bánh từ khuôn ra rổ. Hình ảnh và hương vị chiếc bánh thân thương in sâu vào tâm trí, mở ra con đường lập nghiệp cho chị Yến đến giờ.
Giữ hương cho tết
Lập gia đình, ngày nào chị Yến cũng đạp xe từ nhà chồng ở thôn Vân Quật về nhà mình ở thôn An Lạc, bỏ bánh vào thúng rồi gánh đi chợ bán. Được cha sắm cho ít đồ nghề, chị Yến dành dụm thêm để có nguồn vốn rồi xây dựng hiệu bánh Yến Nhi.
Những ngày đầu lập nghiệp, chị Huỳnh Thị Yến gặp không ít khó khăn như không có lượng khách ổn định hoặc quy trình làm bánh bị lỗi, bánh in sản xuất ra không được mịn và thơm như bánh của cha. Bao nhiêu gian truân, vất vả, tưởng rằng chị sẽ bỏ cuộc, nhưng từ những lời động viên và niềm mong mỏi của cha, mỗi lần thất bại chị Yến tìm cách bắt đầu lại. Chị kể: “Hồi mới ra nghề, không đủ tiền thuê nhân công nên mọi việc đều do một tay tôi làm. Thức khuya dậy sớm vất vả lắm, may có cha và chồng làm điểm tựa, tôi mới tiến bộ và thành công đến ngày hôm nay!”.
Có “tay” làm bánh thơm ngon, ngày qua ngày, hiệu bánh của chị Yến được nhiều khách hàng tìm đến, mỗi ngày cơ sở chị sản xuất hơn 300kg bánh in các loại với giá bán từ 40.000 đồng – 50.000 đồng/kg. Chồng chị là anh Lê Chỉ Tế cũng nghỉ việc thợ mộc, ở nhà phụ vợ làm bánh, giao dịch với khách hàng mua sỉ ở khắp các tỉnh thành, xa nhất là anh Bùi Văn Phong – khách hàng sỉ bánh in ở TP.Đà Lạt.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phong nói: “Hương vị bánh in ở đây rất đặc biệt, không giống các cơ sở khác. Bánh rất giòn chứ không cứng, mùi nếp thơm và vị cũng không quá ngọt. Chính vì thế mà tôi không ngại xa, ngại khó lấy bánh ở đây về cung ứng cho thị trường Đà Lạt”.
Cơ sở sản xuất bánh in của chị Yến có hơn 10 nhân công làm việc các khâu: nhào bột, gõ bánh, đóng gói sản phẩm. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị Yến cho ra thị trường nhiều mẫu mã bánh khác nhau, tuy nhiên hương vị bánh in truyền thống suốt 30 năm qua vẫn không thay đổi. Chị Yến tâm sự: “Dẫu thời gian có dài bao nhiêu chăng nữa, hương vị bánh của cha vẫn không đổi. Bởi với tôi, đó chính là tấm lòng, là tình yêu thương. Bằng mọi cách, tôi sẽ giữ nghề và giữ “hương tết” từ chiếc bánh in…”.
NHƯ TRANG