A+ A A-

"Hậu tổ" của ngành dệt Quảng Nam

          Năm 1974, khi ra mắt Hội Khuyến học Đà Nẵng, các nhân sĩ trí thức đã vinh danh Võ Dẫn, một nhà kỹ thuật “chân đất”. Viện trưởng Đại học Cộng đồng Quảng Đà lúc đó cũng hứa “khi có cơ hội sẽ xin kính  tặng ông văn bằng cao nhất của viện”.

         Khung cửi cải tiến từ khung cửi “Cửu Diễn” vẫn đang được sử dụng ở Duy Xuyên. Ảnh: T.H

Khung cửi cải tiến từ khung cửi “Cửu Diễn” vẫn đang được sử dụng ở Duy Xuyên. Ảnh: T.H       

          Cải tiến quan trọng của ngành dệt Quảng Nam

          Duy Xuyên là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ thế kỷ 16, Dương Văn An đã viết: “Xã Mạc Châu trồng nhiều hoa hồng. Xã Lang Châu sản nhiều lụa trắng…”.     

          Thời nhà Nguyễn, đường bát và tơ lụa là hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Quảng Nam, làm nên một Hội An mở cửa, trong đó Duy Xuyên, Điện Bàn góp phần rất lớn.

          Sau một thời gian phát triển mạnh, nghề dệt ở Quảng Nam bắt đầu suy yếu, cho mãi đến đầu thế kỷ 20, khi tuyến đường xe lửa Bắc – Nam hoàn thành, nghề dệt mới được khôi phục. Lúc này vùng Duy Xuyên, Điện Bàn đã hình thành hệ thống các làng dệt như Bảo An, Xuân Đài, Phú Bông, Bàn Lãnh, Đông Bàn, Thi Lai, Hà Mật, Đông Yên, Mã Châu, Lang Châu nhưng phải đợi đến thập niên 1930 nghề dệt mới thực sự khởi sắc nhờ sự tiếp lửa của một nhân vật đặc biệt: Võ Dẫn.

          Cho đến đầu những năm 30 thế kỷ 20, những người thợ dệt Quảng Nam vẫn còn sử dụng khung cửi dệt bằng tay truyền thống, chỉ có một lá go, thoi làm bằng sừng trâu. Sau mỗi lần phóng thoi, người thợ dệt lại phải dùng tay đập go vào, cứ thế dệt được quá tầm tay thì dừng lại để cuốn vải, khổ vải lại hẹp 0,4 mét, và chỉ dệt được các loại vải trơn. Người thợ phải tốn nhiều sức lực, năng suất rất thấp, người giỏi nhất cũng chỉ dệt được 3,5 đến 4 mét vải mỗi ngày, sản phẩm đơn điệu với chất lượng thấp mà giá thành cao.

          Một lần vào Sài Gòn, Võ Dẫn đã được nhìn thấy máy dệt Hẹ của người Hoa và nhất là máy dệt Jacquard hiện đại của người Pháp. Với trí thông minh tuyệt vời, óc sáng tạo và nhất là tình cảm dành cho làng nghề ở quê nhà, ông đã cố gắng ghi nhớ cấu tạo và nguyên tắc vận hành của các loại máy này (vì không cho vẽ lại). Khi về lại quê nhà Duy Xuyên, ông quyết chí cải tiến các máy dệt cũ thành máy dệt hiện đại. Được sự cộng tác của những thợ mộc, với vật liệu tìm được ở quê, sau nhiều lần thất bại, Võ Dẫn cũng đã tạo ra được những chiếc máy dệt mới có cấu tạo và nguyên tắc vận hành giống với máy Jacquard của Pháp.

          So với máy cũ (chuyển động thẳng, khổ hẹp với 1 lá go), chiếc máy mới cải tiến của Võ Dẫn chuyển động quay thông qua các bộ phận bàn đạp, bánh đà và các bánh răng cưa truyền chuyển động đến các chi tiết máy với 30 lá go, đường kính trục gùi đạt 0,9 mét, trên giàn cao với 30 - 40 đòn kéo hoa. Chiếc máy dệt mới được cải tiến sử dụng ít sức lực vì đạp bằng chân, có năng suất cao gấp 3 -  4 lần, lại cho ra sản phẩm với chất lượng cao, khổ vải lên đến 0,9 - 1 mét, với nhiều kiểu hoa văn đa dạng, bông nhỏ, bông to, bông liền, bông rời…; giá thành nhờ thế hạ xuống giúp cho sức cạnh tranh mạnh hơn. Sau thành công ban đầu, Võ Dẫn tiếp tục cải tiến, máy ngày càng hoàn thiện, nhất là sau khi ông quan sát chiếc máy dệt của Nhật. Từ đó máy được sản xuất đại trà, hàng chục ngàn chiếc, không những cung cấp cho nhu cầu địa phương mà xuất bán vào Sài Gòn, Hà Nội và cả Lào, Miên.

          Nhờ chiếc máy dệt mới tiện lợi, sản xuất được mở rộng ra khắp vùng, ngành dệt của Quảng Nam phát triển hơn bao giờ hết, hàng ngùn ngụt đổ vào Sài Gòn, sang Nam Vang, Hồng Kông. Ga Kỳ Lam, Trà Kiệu trở thành ga hàng hóa nhộn nhịp, “đời sống nhà buôn, nhà sản xuất, thợ thủ công được nâng cao kéo theo khá nhiều ngành nghề khác phát triển, làm rúng động cả Hội An, Đà Nẵng…” (Nguyễn Văn Xuân).

          Nhà kỹ thuật “chân đất”

          Võ Dẫn thường được gọi là Võ Diễn, Cửu Diễn hay Nghè Diễn. Diễn là tên người con gái đầu của ông (ngày trước người ta thường lấy tên người con đầu để gọi cho cha mẹ). Cửu Diễn vì ông được tặng hàm cửu phẩm; còn Nghè Diễn vì ông được triều đình ban tặng chức Hàn lâm viện Kiểm bộ.

          Võ Dẫn sinh năm 1897, tại làng Thi Lai (nay là Vĩnh Trinh, Duy Xuyên) trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cha ông là Tú tài Võ Chánh, chú ông là Cử nhân Võ Lượng đỗ khoa Giáp Ngọ (1894). Lúc nhỏ Võ Dẫn theo học chữ Nho, sau chuyển qua học Quốc ngữ và đỗ bằng Sơ học Yếu lược. Ông đã từng làm lý trưởng làng Thi Lai, nhưng vì tính tình ngay thẳng, thanh liêm, được dân làng quý trọng nhưng không được lòng cấp trên, ông từ chức ở nhà làm nghề dệt.

          Sau khi nghỉ làm lý trưởng ông vào Sài Gòn chơi. Tại đây ông được “mục sở thị” chiếc máy dệt hiện đại của Pháp. Khi về lại quê nhà ông mày mò cải tiến chiếc máy dệt thủ công của quê nhà thành chiếc máy dệt hiện đại, được sản xuất đại trà, xuất bán nhiều nơi. Ông trở nên nổi tiếng và giàu có (mua được cả xe hơi).

          Võ Dẫn cũng đã đưa máy của mình đi dự triển lãm ở nhiều hội chợ và được giải thưởng. Hoàng Trọng Phu từ Hà Đông cho người vào mua máy và đưa thợ vào học nghề để về áp dụng ở đất Bắc. Tổng đốc và Công sứ Quảng Nam cũng lên tận nơi xem máy và khen thưởng ông. Triều đình Huế đã tặng ông chức Hàn Lâm viện Kiểm bộ để ghi nhận công sức của ông.

          Thời kỳ 1945 - 1954, Võ Dẫn tản cư vào Quảng Ngãi, làm Quản đốc xưởng dệt Việt Thắng ở Hành Thịnh, Nghĩa Hành. Bên cạnh máy dệt, ông có nhiều sáng kiến mới, như cải tiến máy tưới do trâu kéo thay vì dùng sức người, năng suất tăng gấp 5 lần.

          Cũng tại đây ông có hai sáng kiến quan trọng: sáng chế khung nhỏ chạy bằng 3 thoi, dệt ruban khổ 1,5cm, cung cấp cho các máy đánh chữ vì lúc đó không có ruban của Pháp và sản xuất nịt (thắt lưng) vải để thay thế nịt da.

          Sau năm 1954, Võ Dẫn về Quảng Nam tiếp tục nghề dệt. Năm 1960, ông chế thành công máy ươm tơ kiểu mới để phục vụ cho ngành ươm - ngành vệ tinh của dệt. Chiếc máy của ông có thể chạy được 100 mối, mỗi ngày ươm được 30kg tơ. Năm 1962, ông xây dựng nhà máy ươm tơ tại xã Duy Trinh. Một phái đoàn kỹ sư Nhật Bản đến tham quan đã hết lời ca ngợi.

          Trận lụt năm 1964 cuốn trôi cả nhà máy nên Võ Dẫn phải vào Sài Gòn làm cố vấn kỹ thuật cho Liên hiệp Hợp tác xã Dệt Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, ông  sống tại Ngã Tư Bảy Hiền, quận Tân Bình và mất ngày 27.10.1975, hưởng thọ 78 tuổi, an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức.

          Những người làm nghề dệt ở Quảng Nam đã tôn vinh Võ Dẫn là “hậu tổ” của ngành, nhiều người còn đề nghị lập tượng ở khu vực Bảy Hiền để ghi nhớ công ơn của ông.

LÊ THÍ

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19805716
Hôm nay
Hôm qua
1089
8748