Bùi Giáng nghịch ngợm một cách quỷ quái cả ngoài đời lẫn trong thi ca. Ông cũng là nhà thơ thuộc hạng chưởng môn nhân thượng thừa của trường phái... thơ nói lái.
Bùi Giáng có nhiều năm tháng ở trong nhà chùa, ăn chay. Ngày đôi mươi mới cưới vợ, ông đã chẳng từng nhắc nhở (hay ép buộc) vợ mình cùng ăn chay là gì? Duy chỉ có món rượu thì với ông hình như không phải là đồ chay.
Sinh thời, Bùi Giáng yêu quý và kính trọng hai nhà chân tu là thượng tọa Thích Minh Châu và sư cô Phùng Khánh. Nhà thơ gọi thượng tọa là “phương trượng”, gọi bà Phùng Khánh là “mẫu thân tuyệt vời ni cô”. Với hai vị này, ông rất nhún nhường, tỏ ra một lòng tôn kính. Với ông, hai vị chân tu này là những con người thể hiện Phật tính nhập thế và nhập thể. Ông học tập Phật tính từ hai vị ấy. Phật tính ông cao cường đến nỗi khi bị phụ nữ đuổi đi ông cũng không giận, không sợ hãi. Cái đức vô sân, vô úy thể hiện một cách lộng lẫy vậy thay:
Bây giờ em đuổi anh đi.
Anh: - Ồ vâng ạ, anh đi từ từ.
Nói chuyện với phụ nữ, bị họ giễu cợt, Bùi Giáng cũng không hề giận. Ông còn hứng chí cười theo họ, tán thưởng lời họ hỏi:
- Ông tên là Gioáng phải không;
Quoảng Noam - Đòa Noẽng chánh tông tộc Buồi?
Nói xong, bèn phá ra cười.
Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo.
Tuy nhiên ông rất tinh nghịch. Có người tán tỉnh ông, khen tựa tập thơ Ngàn thu rớt hột nghe rất thơ mộng, rất đìu hiu, thậm chí biểu lộ tâm thức cô đơn đến tận cùng, rằng có gì xót xa hơn những câu thơ tình lãng mạn như giọt nước ngàn thu rơi từng hạt xuống cuộc đời? Bùi Giáng thản nhiên ngồi cười ruồi, không thèm nói. Đợi cho người ta khen đã lỗ tai, Bùi Giáng mới nói... thiệt: “Cái chi mà ông khen hung rứa? Ngôn ngữ Quảng Nam không có nghìn mà chỉ có ngàn; không có hạt mà chỉ có hột. Hồi nớ tôi đi giữ dê. Cứt dê nó ỉa ra từng hột, từng hột cứng ngắt, rơi rụng đây đó mà hắn cứ ỉa hoài nên tập thơ có tựa là Ngàn thu rớt hột”!
Thơ nói lái
Người Quảng Nam là những người giàu tính hài hước, trào phúng. Cũng như những loại hình hài hước dân gian phổ biến xưa (và nay), cái hài hước dân gian Quảng Nam thường xoay quanh cái sex trong cách nói lái. Không hiểu việc nói lái ấy dẫn người đọc đi đến những “bờ cõi” nào nhưng phải công nhận ông Bùi Giáng đã đắc thủ được một cách thâm hậu kỹ năng giỡn cợt, hài hước bằng lối nói lái của người Quảng Nam.
Trong bốn tập thơ in trước năm 1964, có hai tập mang cái tựa... khá nhạy cảm là Lá hoa cồn và Ngàn thu rớt hột. Có người thắc mắc hỏi “Lá hoa cồn là gì, thưa anh?”. Ông trả lời với cái giọng điềm nhiên, nghiêm nghị nhất “Lá hoa cồn là...” rồi không nói gì nữa. Hóa ra là ông... nói lái về cái chuyện phụ nữ miền quê ngồi đi tiểu trên cỏ!
Trong câu thơ sau đây, Bùi Giáng hóm hỉnh nói lái khá kỹ về chuyện sex:
Gọi người bỏ lách lau thôn,
Kêu người bứt cỏ lìa cồn cổ kim.
Ngày xưa, nông thôn chưa có cầu tiêu riêng cho từng nhà, chưa hề có khái niệm “đi toilet”. Người có nhu cầu bài tiết thường tìm ra những cánh đồng vắng vẻ hay vạt rừng nào đó. Người Quảng Nam gọi chuyện bài tiết ấy là “đi đồng”. Thơ Bùi Giáng cũng đề cập đến những thói quen sinh hoạt dân dã như vậy. Bài thơ Tưới nước kể chuyện ông... tiểu tiện vào một gốc cây bên đường:
Cây này được tưới hôm qua,
Hôm nay tưới nữa qua loa đỡ buồn.
Bàn chân em bước ngoài đường.
Bụi lem luốc lấm, môi hường cứ xinh.
Tươi vui chẳng biết bực mình,
Lại đây anh tưới càng xinh em càng...
Ông lớn lên gần khu vực đền tháp Mỹ Sơn. Hình ảnh các Apsara - biểu tượng của nhan sắc và hai vật tổ Linga, Yoni phồn thực phương Đông vốn đã rất quen thuộc với ông. Trong thơ, ông gọi bộ phận sinh dục nữ Yoni là “cái nhu mì” - cái mềm mại và dễ thương nhất. Thơ ông có nhiều câu ca ngợi “cái nhu mì” ấy.
Đường đi lót đá êm đềm,
Cậy em thủng thẳng dịu mềm em đi.
Mai sau còn một tí gì
Ấy là khu vực nhu mì của em.
. .. Dịu dàng tiếng nói từ ly,
Của em vô tận nhu mì của em.
Hở hang em rất dịu mềm,
Hồng hoang thâm tạ tuyết rèm phôi pha.
Bùi Giáng định nghĩa cái nhu mì ấy là biểu tượng, thậm chí là bản thể của Tuyệt đối. Ông viết hai câu thơ, một câu hỏi, một câu trả lời mang tính khẳng định cứng như cục sắt:
- Tuy nhiên, Tuyệt đối là gì?
- Từ trong tinh thể nhu mì mọc ra...
Cứ theo Bùi Giáng, lịch sử có giỏi bao nhiêu cũng không thể cắt nghĩa được cái... nhu mì ấy của người phụ nữ. Thơ Bùi Giáng có tham vọng kể lể về cái nhu mì cao cả ấy:
Anh sẽ suốt đầu đuôi anh kể lể,
Rằng sử xanh không tả được cái dịu mềm.
Là mềm dịu của riêng em kỳ bí,
Cái vô ngần nhu thuận đó của em.
Bởi quý trọng cái nhu mì nên Bùi Giáng thường không muốn cho phụ nữ đi bộ nhiều và đi mau vì không có lợi:
Em đi bên ấy chân tròn khép,
Hai ống mỏi mòn bẹp mộng mơ.
Vũ Đức Sao Biển