A+ A A-

Âm vang cố quận: Con người khai phá

    Khi viết chương này, tôi đặt tấm lòng mình vào trong niềm tự hào chung của người Quảng Nam - một niềm tự hào có cơ sở và đáng tin cậy. Lịch sử nói chung và lịch sử văn học nói riêng từng chứng minh rằng người Quảng Nam là những người khai phá, dám mở ra con đường mới để đi. Lỗ Tấn nói: “Xưa kia không có đường; người ta đi lại nhiều mà thành đường”. Vậy thì phải có một người mạnh dạn đi trước để nhiều người tiếp theo đó cùng đi mà tạo ra một con đường mới.

   

    Ở đây, ta không nói đến chuyện con đường ấy hình thành như thế nào mà chỉ nói đến người đi đầu tiên. Hành động tiên phong khai phá của họ có thể thất bại, có thể thành công nhưng ít nhất họ vẫn là con người có dũng khí, có niềm tin để làm con người khai phá. Yêu cái mới và tạo ra con đường mới luôn luôn đáng được người đời sau ngưỡng mộ, kính trọng.

   …Vào những năm 1960, ở miền Nam chưa ai nghe nói đến “phong cách Bút Tre” trong thơ phía Bắc. Văn nghệ sĩ phía Bắc vẫn tương truyền nhiều giai thoại thơ ngộ nghĩnh của một nhà thơ có bút danh Bút Tre. Thế nhưng ở miền Nam, chưa ai biết đến nhà thơ này và cũng chưa có tài liệu, bài viết nào bàn về phong cách Bút Tre của nhà thơ này. Sau này, người ta mới biết ra đại để  phong cách Bút Tre là cách gieo vần ngộ nghĩnh, cách đánh dấu sai trên một số âm tiết để tạo vần, tạo nhạc điệu cho thơ. Thế nhưng, ở những năm 1960, Bùi Giáng ở miền Nam đã làm thơ theo “phong cách Bút Tre” ấy rồi.

    Cái “bút tre” của ông là viết sai (trại âm) một từ để bảo đảm hòa thanh cho câu thơ. Trong thơ ông, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay) được gọi là Mỹ Thọ. Ông viết: “Miệt mài Mỹ Thọ, Cần Thơ/ Cồn sương Rạch Giá đợi giờ nguyên tiêu”. Và: “Tôi gởi lại bây giờ xin vội vã/ Xin vội vàng tôi gởi lại hai nơi/ Về lục tỉnh một lần chưa chắc đã/ Tiếng chào Thu Xuân Mỹ Thọ xa rồi”.

   Nội một chuyện ông Việt - hóa cái tên cô đào Marilyn Monroe - nhân vật chính trong cuốn phim The River of No Return - La Rivière sans retour (Trên sông vĩnh biệt) của Mỹ ra thành em Lyn-Rô đã là một phong cách bút tre lạ lùng rồi: “Em người em lạ, em xa/ Em là nương tử tên là Lyn-Rô”.

   Ông từng viết như vậy và xem cô đào này là vợ mình. Với một kỹ năng tưởng tượng phong phú, em Lyn-Rô của Bùi Giáng là một cô gái Quảng Nam, đã từng về ở với ông trên bến nước vùng trung du sông Thu, nói rặt ngữ thanh Quảng Nam. Đó phải chăng là vang bóng của người vợ trẻ thân yêu ngày xưa? Bài thơ tặng em Lyn-Rô có những câu nồng thắm như thơ tặng vợ: “Vườn cây lá một lần về đây ở/ Một vài ngày xao xác hẹn bên nhau/ Trùng quan lạnh mấy lần ai đã sợ/ Em nghe không lời nức nở nguyện cầu/ Câu chuyện kể một lần trong tiếng hát/ Bến đò xưa mây nước rộng xanh trời/ Ngàn sao biếc một lần theo sương bạc/ Xuống bên rừng tùng thúy điệp chen phơi/…/ Sầu thiên cổ chợt về trên nước dạo/ Gió biên đình chợt ẩy gục đầu hoa/ Ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo/ Em ra đi - đời bưng mặt khóc òa”.

   Chuyện Việt - hóa tên một người nước ngoài để đọc cho dễ cũng là một cách bút tre. Có lẽ vì vậy mà năm 1993 làm bài thơ tưởng nhớ Huỳnh Bá Thành vừa qua đời, Bùi Giáng viết ngay trước mắt tôi: “Đến thăm anh Nguyễn Bá Thành/ Tôi là Bùi Giáng rành rành bấy nay/ Bấy lâu mới có một ngày/ Nhìn nhau thôi để thở dài nhớ nhau”.

…Cũng vào những năm 1960, chưa thấy ai làm thơ xuôi - một dạng thơ mà câu dài như văn xuôi. Bùi Giáng là nhà thơ đầu tiên làm thể loại ấy. Trong tập thơ Mưa nguồn, Bùi Giáng viết cả chục bài thơ xuôi. Đứng lại là một trong chục bài ấy: “Nghe sông thênh thang đi một ngàn nhịp thở lá cây. Những ngôi nhà ngó nhau dựng ở mọi nơi trên khắp bờ cỏ gió đèo bay qua thổi lật mái tranh. Đời của em pha vào đời con gấu con thỏ con nai con gà rừng con dế nội - em bước vào rừng dáng dấp nguy nga gót chân hồng sen ngón chân hồng ngọc suốt một trăm lần trong vũ điệu từ ly.

   Về đây nghe lại đêm xanh hớt hải sương cù lận đận khoai sắn muối dưa bát mẻ chiếu sờn em đi khắp năm miền lục địa binh đao chừ đây đứng lại”.

   Thi ảnh trong thơ là những thi ảnh rất Quảng Nam nhưng hình thái diễn đạt thì cực kỳ hiện đại. Nó hiện đại đến nỗi những nhà làm thơ xuôi sau này cũng viết như thế nhưng chưa mới được hơn thế. Bùi Giáng khai mở ra hình thái thơ xuôi với những câu dài, không cần dấu phẩy giữa các từ ngữ đáng lẽ ra phải dùng dấu phẩy. Ông dẫn ta đi vào một bờ cõi mới với thứ ngôn ngữ thi ca không dừng lại để… thở.

…Chẳng những đi tìm cái mới, Bùi Giáng thỉnh thoảng lại quay về với cái xưa cũ - hình thái ngôn ngữ của Tống từ, cái mà thiên hạ tưởng như quên bẵng đi rồi. Mà trong một tác phẩm thơ ra đời ở thế kỷ 20 thì hình thái ngôn ngữ Tống từ của thế kỷ 11 ấy trở thành cái mới, độc đáo và thú vị. Bài thơ sau đây sử dụng cách viết của Tống từ; hình thái rất cũ ấy chợt hóa thành cái gì rất mới, rất lạ: “Bờ sau hang núi/ Lá xanh lá đỏ chiều nay/ Chim trời vòi või/ Để rơi cánh mỏng sau ngày/ Mùa sau thu xế/ Hang rừng gió thổi dòng khe/ Em về đây để/ Rạc rời tiếng cũ còn nghe/ Ngày sau chỗ ấy/Mây mù quyến rũ trăng sương/ Em về sẽ thấy/ Mông lung sầu mộng gái buồn/…/ Cồn xưa cỏ mọc/ Lá sông chảy xuống chân trời/ Chảy lên mái tóc/ Một mùa thu gục bên tôi/ Người kia đứng lại/ Nghe trời đẩy xuống hai vai/ Con đường thơ dại/ Còn đây lá cũ một vài”.

…Có lẽ, khi thiên hạ sử một ngàn chiêu để làm thơ thì Bùi Giáng sử đến một ngàn lẻ một chiêu. Chiêu thức của ông rộng lớn, bất tuyệt; ý nghĩ đi tới đâu, chiêu thức phát tới đó. Từ ngữ trong từ điển tiếng Việt có ngữ nghĩa thế này nhưng khi đặt trong văn cảnh cụ thể, Bùi Giáng lại dùng với một ngữ nghĩa khác, sáng tạo hơn. Đó là cách ông sử quái chiêu - chiêu thức lạ, trong tác phẩm.

   “Ngày mở mắt dòng xanh xuân đổ lại/ Mùa trổ bông là chi chít chim kêu/ Vườn vẫn đợi tin hoa về tuổi dại/ Bóng nguyệt trùm là phủ rộng sân rêu/ Ngày mở mắt ngó trời xanh xa thế/ Ở đây là màu đất cỏ xuân con/ Hè nắng hạ với thu đông buồn thế/ Với tình yêu em giữ mất hay còn/…/ Giờ khép mắt nhớ một lần ngẫu nhĩ/ Nhớ rất nhiều ngày loạn ngửa đêm nghiêng/ Cuồng dại nát liễu hờn xuân rủ rỉ/ Giờ ra đi em cảm thấy có quyền” (Khép mắt - Mưa nguồn)

…Nói đến thi ca văn học là nói đến sự sáng tạo. Nói đến sáng tạo là nói đến việc làm ra cái mới. Cái mới ấy là cái người xưa chưa thể làm ra được và người đời sau cũng khó bắt chước được - Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả. Bùi Giáng là một con người sáng tạo như vậy. Trước ông, chưa có nhà thơ tiền bối nào sáng tạo ra những bài thơ như ông. Sau ông, những nhà thơ hiện đại giữa cuộc sống của chúng ta cũng không làm được thơ như ông…

 (Còn nữa)

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19801378
Hôm nay
Hôm qua
5499
10160