Sống tại Mỹ Sơn
Những ngày kiến trúc sự Kazik (Kazimierz Kwiatkowski) trùng tu di tích Mỹ Sơn, ông đã chọn Mỹ Sơn làm nơi sống và làm việc. So với những nơi khác, khí hậu Mỹ Sơn có sự khắc nghiệt. Tuy nhiên, những năm đầu thập niên 1980, người kiến trúc sư tài ba này đã quyết định ở hẳn tại Mỹ Sơn để thực hiện công việc trùng tu di tích. Phía sau nhóm tháp A, ông đã dựng tạm một căn lều bằng tranh. Tâm sự với những người công nhân trùng tu, ông nói rằng đêm đầu tiên ông không ngủ được. Nằm như vậy với trăng với tháp.
Đối với những người mới đến Mỹ Sơn, ngoài muỗi và rắn độc, nguồn nước nơi đây cũng đáng lo ngại, lại là một người ở phương trời châu Âu xa xăm. Tuy nhiên, vì sống và làm việc nơi đây, ông đã không ngần ngại dùng luôn cả nguồn nước từ dòng suối Thẻ, có lẽ để giải bớt chất độc, trong bữa ăn ông dùng rất nhiều nước mắm, và uống nó như uống nước chè, đây cũng là thứ gia vị mà ông rất nghiện tại Việt Nam. Phong trần, lãng mạn, ông cũng là người đánh đàn guitar trong những đêm say sưa hát cùng công nhân.
Trường phái Kazik
Trên thế giới có rất nhiều phương pháp và trường phái trùng tu khác nhau. Với công cuộc trùng tu Mỹ Sơn của kiến trúc sư Kazik được mọi người gọi là trường phái trùng tu mang tên ông. Trong những năm từ 1980 đến 1986, nhóm nghiên cứu Việt Nam - Ba Lan bao gồm các chuyên gia di tích, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, chuyên gia kỹ thuật photogrammetry, chuyên gia khảo cổ học, v.v. đã tiến hành các công việc tại Mỹ Sơn như sau:
Khảo sát khảo cổ học về khu di tích Mỹ Sơn và những can thiệp tu sửa cấp thiết cũng như gia cố kỹ thuật đối với các đền- tháp trong các nhóm di tích tại Mỹ Sơn;
Nghiên cứu về công nghệ xây dựng của kiến trúc Chăm trong các phòng thí nghiệm tại Warsaw và Torun.
Phát quang và ổn định lại mặt bằng nền của các đền, tháp thuộc Nhóm A, B, C và D (công việc thu dọn bao gồm thu dọn hàng nghìn mét khối đất đá, san lấp các hố bom, xử lý cây cỏ che phủ bề mặt hoặc thâm nhập sâu vào các cấu trúc xây gạch);
Dọn dẹp và thu nhặt hàng chục nghìn viên gạch cổ được tìm thấy ở các đống đổ nát, sau đó phân loại gạch để có thể tái sử dụng sau này;
Dọn dẹp và thu thập các chi tiết trang trí bằng đất nung hoặc đá, xác định vị trí nguyên gốc của chúng phục vụ cho công tác tái định vị sau này. Những chi tiết không xác định được vị trí gốc thì được giữ lại và trưng bày tại khu vực di tích.
Gia cố khẩn cấp các tháp và những phế tích kiến trúc có nguy cơ đổ nát khác, sử dụng các giải pháp công nghệ hiện đại; tái dựng phần đế của các kiến trúc đã bị san phẳng (tại nhóm C) từ những gì còn sót lại để duy trì dấu tích hiện diện trong tổng thể kiến trúc các nhóm B, C và D. Công việc tái dựng tận dụng những viên gạch cũ thu nhặt được, sử dụng vữa xi măng nhằm làm bộc lộ rõ phần được trùng tu, tránh nhầm lẫn với các cấu trúc nguyên gốc. Các chi tiết trang trí được tái định vị về vị trí ban đầu khi có thể xác định được. Trong một số trường hợp, khi có cơ sở khoa học tin cậy, các chuyên gia tự cho phép họ phục hồi một cách hạn chế một số phế tích. Tuy nhiên, sự thận trọng quy định trong các nguyên tắc trùng tu quốc tế không cho phép họ cố ý làm giả các chi tiết đã bị mất. Thay vào đó, các chuyên gia đã cân nhắc thể hiện các thành phần phục chế bằng các phương thức mà các thế hệ sau có thể phân biệt được giữa phần trùng tu và phần nguyên gốc.
Quê hương thứ hai
Việt Nam quê hương thứ hai của vị kiến trúc sư tài ba, những đóng góp của ông không chỉ cho Mỹ Sơn mà cả phố cổ Hội An khi những đề xuất của ông đến nay vẫn còn giá trị như nên cấm xe qua Chùa Cầu, thu hút khách du lịch để bảo tồn phố cổ. Khi ông ở Mỹ Sơn thì Lublin - thành cổ quê ông với bao những công trình lớn nhỏ đang được trùng tu, nếu quay về quê hương để tham gia, cuộc sống ông sẽ thuận lợi hơn, nhưng ông đã chọn Việt Nam.
Con trai Kazik đã chọn Mỹ Sơn làm nơi thực tập làm luận án tốt nghiệp đại học, theo con đường của cha làm kiến trúc sư và tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giữ gìn và làm hồi sinh các di tích ở Việt Nam.
Ngày nay, Mỹ Sơn đón biết bao du khách cùng nhà nghiên cứu, nhà khoa học quốc tế với nhiều ý kiến, bao trường phái về trùng tu di tích của thế giới. Về mặt khoa học, xin cứ tranh luận về những gì Kazik cùng Trung tâm Tu bổ di tích quốc gia Ba Lan đã làm. Nhưng có một số điều xin hãy nhớ, số phận các tháp cổ sẽ thế nào giữa Mỹ Sơn hoang vu đầy mìn và rắn độc cùng cái nóng ngột ngạt của thung lũng và những cơn mưa lũ nước tràn khe..., nếu như không có Kazik cùng các chuyên gia Ba Lan, Việt Nam, không có sự nỗ lực và quyết tâm của chúng ta...
Văn Khoa