“Hỏi tên, rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa”.
Tôi nghĩ phải về thăm quê nhà Bùi Giáng để có cơ sở thực tế hơn cho những điều mình viết trước khi chuyển nội dung quyển sách này qua nhà xuất bản. Và tôi đã tìm về.
Buổi chiều mùa hạ cuối tháng 7 năm 2012, bầu trời Quảng Nam xanh ngát. Tôi bước trên con đường tráng bê tông rộng ba mét rưỡi - con đường liên xã nối từ xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên vào tận làng Thanh Châu, nơi có ngôi nhà thờ của tộc Bùi. Dọc hai bên đường là màu xanh của cỏ. Dòng nước mát lành được bơm từ đập Vĩnh Trinh lên, chảy róc rách trong rạch thủy lợi đi về khắp các ruộng đồng.
…Quê hương Bùi Giáng là đây. Quần thể núi Chúa đổ về tạo thành một vòng cung núi đồi nhấp nhô kéo dài từ đập Vĩnh Trinh lên đến khu đền tháp Mỹ Sơn. Hướng đông là sông Thu - con sông Mẹ xứ sở của người Quảng Nam, chảy từ nguồn Ngok Linh về. Từ trên cao đổ xuống, dòng sông ấy vừa gặp đồng bằng, đang dịu dàng chảy qua những làng quê, bãi mía nương dâu, đồng lúa. Hai vị thế núi và sông ấy hình thành ở đây một vùng bình nguyên phù sa màu mỡ, quý giá; xanh tươi màu lúa vụ hè thu. Đó là đồng lúa Thanh Châu.
Phía sau ruộng lúa là những nếp nhà ngói yên bình, nơi cư ngụ của thân nhân Bùi tộc... Tôi bước vào nhà thờ tự tộc Bùi. Cổng nhà thờ đang được xây mới; ba anh thợ bận bịu trộn hồ, mang gạch, tô trụ. Trước sân là vạt bắp xanh rờn màu lá, đang trổ cờ. Nhà được xây theo kiến trúc ba gian, hai chái; ở chính giữa là gian thờ tự các bậc tiền bối của Bùi gia. Một người phụ nữ đã có tuổi ra đón chúng tôi.
Ông Nguyễn Quang Dũng (bây giờ là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) giới thiệu: “Đây là anh Vũ Đức Sao Biển”. Người phụ nữ ồ lên, mừng rỡ nắm lấy tay tôi: “Ông là tác giả của Thu, hát cho người và Chiều mơ. Tôi biết ông viết những bài hát đó trên vùng đất Duy Xuyên này những năm ông mới hai mươi tuổi”. “Dạ, thưa chị bây giờ tôi đã ngoài sáu mươi rồi”. “Không sao, tôi cũng vậy. Ngày xưa, ông học Trần Quý Cáp, tôi học bên Diên Hồng, Hội An. Tôi chừ cũng già rồi, là con cháu tộc Bùi, đang lo hương khói trong nhà thờ này”.
Tôi quan sát gian thờ, đặc biệt quan tâm đến những di chỉ của Bùi Giáng. Một nhà thư pháp viết hai câu lục bát của Bùi Giáng mà tôi yêu thích nhất: “Ta đi, gởi lại đôi dòng/ Lá rơi có dội vào trong sương mù”. Bức thư pháp được treo trang trọng trong gian thờ. Nghĩ cũng rất đúng đạo lý, Bùi Giáng là một danh sĩ xuất thân từ Bùi tộc. Treo bức thư pháp để các thân tộc Bùi gia nhớ ông cũng là một cách tưởng nhớ tài hoa phát tiết của ông.
Bùi Giáng qua đời mười bốn năm. Ông đã sống qua gần trọn thế kỷ 20 - cái thế kỷ đầy những đau thương và vinh quang nhất của dân tộc, cái thế kỷ mà mỗi người trong chúng ta và người dân quê ông mỗi khi nghĩ lại đều có thể rùng mình, sợ hãi. “Làng tôi xưa có nhiều cỏ mọc. Cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn thiêu nướng khổng lồ”. Trong tác phẩm Ngày tháng ngao du - Bùi Giáng đã từng viết như vậy.
Chính ở nơi đây, Bùi Giáng đã cưới vợ - một cô gái Quảng Nam mười tám tuổi hồn nhiên, xinh đẹp rồi hai vợ chồng mới được cha mẹ cho một khu vườn thơ mộng trồng thật nhiều cau trên thung lũng Trung Phước sinh sống. Người phụ nữ yểu mệnh ấy qua đời năm hai mươi mốt tuổi vì bạo bệnh, đã không đi được suốt đời với Bùi Giáng. Chính nơi đây, ông đã khóc vĩnh biệt vợ mình.
Ông đau đớn bỏ quê nhà ra đi. Từ đó về sau dù ở nơi nào, Bùi Giáng cũng viết lên những âm vang cố quận trong lòng mình. Tôi hỏi: “Thưa chị, tên thật của chị Bùi Giáng ngày xưa là gì?”. Người phụ nữ vỗ nhẹ vào trán mình: “Mọi người gọi chị là chị Vạn Ninh. Phải rồi, chị Vạn Ninh. Chị chúng tôi đẹp lắm”.
Bà cho chúng tôi xem cuốn gia phả của Bùi tộc. Gia phả được viết bằng máy tính, khá khoa học, thể hiện đầy đủ các phái, các chi. Đọc cuốn gia phả, tôi càng nghĩ đến Bùi Giáng. Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Màu hoa trên ngàn và Ngàn thu rớt hột - bốn tập thơ ấy của ông đã khiến tôi yêu mến thơ ông từ những năm còn học trung học. Đó là quà tặng của người bạn gái ngày xưa, cho tôi. Hôm nay trở về thăm cố quận của ông, tôi mới hiểu tại sao lại có những “Đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi”, tại sao lại “Còn chi nữa ruộng đồng trơ gốc rạ/ Dưới bình nguyên màu lụa trắng ai phơi”.
Người phụ nữ chỉ cho tôi ngôi nhà Bùi Giáng từng ở, những nơi ông từng đi qua. Cái quê nhà ấy thật thanh bình, yên ả, thơ mộng. Cái quê nhà ấy cũng lưu lại trong lòng nhà thơ một nỗi đau khôn hàn. Nỗi đau ấy khiến ông không muốn nghĩ đến, không dám nghĩ đến dù ông rất yêu quê hương thân thiết của mình. Ai hỏi ông, ông chỉ đáp ỡm ờ: “Hỏi tên, rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa…/ Hỏi rằng: Người ở quê đâu?/ Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà…”.
Quê nhà ông có đập Vĩnh Trinh. Đập ấy được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là một công trình tiểu thủy nông chứa nước từ núi Chúa đổ về vào mùa thu, mùa đông và tưới tiêu cho ruộng đồng trong mùa xuân, mùa hạ. Huyện Duy Xuyên đã lập một khu tưởng niệm những người đã hy sinh trên đập Vĩnh Trinh này với ba mươi chín đóa hoa sen cách điệu tượng trưng.
Sau cơn đột quỵ vào năm ngày trước đó, tôi cũng cố leo lên ngọn đồi này thăm khu tưởng niệm, nhìn những hàng thông Caribe xanh màu lá kim, nghe tiếng ve hót nhịp nhàng quanh những đồi núi. Cuối hạ, đập Vĩnh Trinh đang mùa kiệt nước nhưng may mắn thay, dòng nước chưa cạn hẳn. Tiếng máy bơm vẫn chạy re re, cung cấp nguồn nước trong lành cho ruộng đồng các xã Duy Trinh, Duy Châu, Duy Hòa, Duy Phú chung quanh. Con cá rô vẫn quẫy trong dòng nước mát. Con chim chiền chiện vẫn vỗ cánh bay lên, cất tiếng hát rực rỡ trong chiều.
Tôi rời làng Thanh Châu, đi giữa những ruộng lúa xanh mơn mởn. Tôi có cảm giác màu xanh ấy đang làm dậy lên trong tâm hồn mình một cảm xúc thân mật, dễ thương. Rồi bỗng nhiên, tôi nghĩ đến bài thơ Biểu tượng trong Mưa nguồn của Bùi Giáng. Biểu tượng là cái gì rất đỗi tượng trưng nhưng ở Thanh Châu lại rất thật: “Tiếng nói xa vang trên đầu ngọn lúa/ Vì ngôn ngữ ngày xưa em để úa/ Bỗng lên lời bên mép cỏ như sương/ Cũng xanh như dòng lệ khóc phai hường/ Đồng ruộng đó đương chờ em bước tới/ Bàn chân nhỏ gót buồn em hãy vội/ Hãy chần chờ anh sửa soạn theo chân/ Áng mây xa cũng sắp lại về gần…”.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN