A+ A A-

Âm vang cố quận: Ẩn ngữ

    “Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”.

    Phía trên là chiếc áo kaki, phía dưới là chiếc quần tây bạc màu. Vai đeo cái túi, đầu đội cái mũ nỉ, chân mang đôi giày bata màu đất nghiêm chỉnh. Khuôn mặt mới đáng nói. Râu lưa thưa mấy sợi làm duyên, không nhiều nhưng khá ngộ nghĩnh và ưa nhìn. Mắt mang đôi mắt kiếng cận thị, gọng bên phải còn nhưng gọng bên trái gãy mất, phải cột một sợi dây thun tròng qua phía sau ót. Sau mắt kiếng là một đôi mắt thật tròn, tinh quái và thông minh; cái nhìn như xoáy vào người đối diện. Ấy là “chân dung” Bùi Giáng vậy.

    Trong triết lý Thiền tông, ẩn ngữ là cái vô thanh, chỉ có thể dĩ tâm truyền tâm, dĩ ý truyền ý. Ẩn ngữ đi qua con đường cảm nhận trực tiếp - một thứ trực giác tinh thần và trí tuệ giữa người này với người kia. Thơ Bùi Giáng có nhiều ẩn ngữ. Ẩn ngữ trong thơ ông là cái bất khả thuyết hoặc thuyết bất đắc - không thể nói và nói không được. Nói ẩn ngữ là cách nói chung, có khi nó chỉ là một từ.

 

    Cái chết của người vợ trẻ đã tác động lớn đến tâm hồn nhà thơ. Ông gọi người vợ thân yêu của mình bằng cái ẩn ngữ thân thiết và nũng nịu “Con mọi nhỏ”. Từ một người cụ thể, con mọi nhỏ hóa ra thành ba người. Tập thơ Mưa nguồn có lời đề “Tặng ba người con gái chiêm bao bên bờ cỏ Phi châu” thật dễ thương.

   Từ đó về sau, Bùi Giáng yêu thương nhiều người phụ nữ khác, say đắm nhiều tấm dung quang nguyệt thẹn hoa nhường khác. Tình hình yêu của ông lai láng; danh sách yêu của ông dài dằng dặc… Hễ ai đẹp là ông say đắm. Ông say mê nhan sắc tưng bừng. Thế nhưng, không có ai được ông yêu bằng “con mọi nhỏ”: “Tháng năm, dòng nước trôi xa/ Người qua, người sẽ đi qua những người/ Tôi qua… không hẹn một lời/ Hẹn hò chi bấy, bước đời về đâu?/ Tặng đời đóa đóa hoa sầu/ Nhớ nhau từ đóa mộng đầu rã đôi…”.

   Than ôi, cái đóa mộng đầu - chữ dùng đầy hình tượng trong thơ Huy Cận “Chờ nhau dưới gốc sim già nhé; Ta hái trao em đóa mộng đầu”. Hắn đẹp cái chi mà đẹp ly kỳ, cổ quái. Hắn tươi tốt, kỳ vĩ, lung linh. Hắn trong trắng, thơ mộng, hồn nhiên một cách lạ lùng và hoành tráng. Hắn chính là tình yêu, là chút rung động ban sơ thánh thiện trong một thoáng trái tim trẻ thơ bỗng bừng lên ngọn lửa tình yêu kỳ diệu. Khi “Đóa mộng đầu rã đôi”, thơ của Bùi Giáng lại hiện lên những ẩn ngữ khác lạ lùng hơn.

   Mất đi đóa mộng đầu, đời đau điếng. Mất đi đóa mộng đầu, tim rát rạt. Mặt đất rất bằng phẳng nhưng người ta vẫn té ngửa, té nghiêng trên đời. Thơ như âm ba ngậm ngùi vỗ lên cuộc sống rong chơi đầu đường xó chợ những đau đớn buồn thảm của phận người: “Lá như cây, lá như nhánh, lá như con chim nguồn heo hút ngó đầu gục xuống hai vai khóc ngang ngửa một đời nhớ nhung kiếm tìm không thấy”…

   Thơ ca Bùi tiên sinh bắt đầu quẩn quanh qua chữ sex… Chữ sex trong thơ Bùi Giáng  hồn nhiên và kiệm dục; nó chính là thơ, là mơ màng, là nghệ thuật. Nói đến chữ sex trong thơ ông là ta nên nghĩ ngay đến những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật chứ không nên nghĩ đến những bức ảnh trần trụi, thô thiển...

   Chữ sex trong thơ Bùi Giáng có khác chữ sex trong thơ bà Hồ Xuân Hương. Nếu bà Hồ Xuân Hương đặc tả cận cảnh theo phong cách một chữ hai nghĩa thì Bùi Giáng xóa phông cho hình ảnh mờ đi thành ra viễn cảnh hư ảo. Thơ ông lãng đãng như bức tranh lụa vẽ hình thiếu nữ lõa thể sau màn sương khói: “Em về, giũ mộng phù sa/ Vén quần phong nhụy cho tà áo bay”.

   Vừa vén quần mà tà áo lại bay lên nữa thì nghe cũng hơi khêu gợi. Và tác giả dừng lại ở đó. Thế nhưng đó là cảnh bên ngoài, nếu người ta nhìn thấy được thì gọi đó là trực quan sinh động. Cái ẩn ngữ bên trong thơ Bùi Giáng mới là ghê gớm hơn. Ẩn ngữ ấy nóng như núi lửa, mạnh như nội công thái thậm, đìu hiu rất mực. Ông lắng nghe chút hương dịu dàng khi tà áo thoáng bay lên: “Chân trời mộng mị vàng pha/ Mùa phương lan dậy sau tà áo bay”.

   Mùi hương phương lan đó ẩn nấp sau một hình ảnh rất thực mà rất mơ hồ... Ông chỉ cần hít một hơi chân khí là đã nghe “Mùa phương lan dậy”. Còn nó dậy ở chỗ nào thì ông không muốn nói rõ.

   Nói theo ngôn ngữ dân dã Quảng Nam, Bùi Giáng “hoang” một cách triệt để. Trong cái hoang của ông, có cái nghịch ngợm và hài hước của người Quảng Nam khá lạ lùng. Ông quán triệt cái hoang đó sang những người đọc thơ ông. Ẩn ngữ lại đi qua một hình tượng ẻo lả là cỏ. Có thơ làm chứng như vầy: “Bây giờ, em ở nơi đâu/ Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao?”.

   Thật gớm mặt! Có cái gì đẹp hơn cỏ mùa xuân? Có cái gì thơ mộng hơn cỏ mùa xuân? Có cái gì đẹp hơn sự phát triển về thân hình của một thiếu nữ xuân thì? Sự phát triển của một cô gái xuân thì được nhà nho xưa hình tượng là “Xước ước như xữ nữ” - mềm mại như gái trinh. Vậy thì bản chất của cỏ là mềm mại.

   Hết cỏ, Bùi Giáng lại nhắc đến “cái nhu mì” nơi người phụ nữ.  Bản thân người phụ nữ ngoan đã nhu mì, vậy cái gì nơi họ cũng nhu mì tuốt. Nói như thế có nghĩa là cái nhu mì mà Bùi Giáng nhắc đến trong thơ nơi thân thể người thiếu nữ là… nhu mì hơn tất cả những cái nhu mì khác trên thế gian. “Em đi, lặng lẽ em đi/ Anh về nhớ cái nhu mì của em”.

   Trong hai chục năm cuối đời, Bùi thi sĩ của chúng ta oai hùng hơn. Ông bắt đầu sự nghiệp… nói lái trong thơ. Trước, ông Thủ Thiệm - một nhà hài hước Quảng Nam, nói chuyện “miêu bất tọa” - mèo đứng. Bùi Giáng hoang triệt để hơn, dùng một hệ thống ẩn ngữ rất mực chịu chơi, vô cùng khủng khiếp, thái thậm lăng tằng để nói về chuyện nhu mì với nhu bún.  

   Ai hiểu cái chi thì hiểu, hiểu cũng tốt mà không hiểu cũng tốt. Lái cũng được mà không lái cũng được. Bởi lẽ không muốn nói lái thì tự nó lại nói lái và dẫu có muốn nói lái tới đâu mà ngôn ngữ tự nó không chịu lái thì người cũng đành thua. Bởi lẽ hễ lái thì thuyền về tới bến mà không lái thì thuyền cũng có thể về bến.

   Trình độ nói lái của ông đạt đến mức cổ kim hiếm thấy. Ẩn ngữ đi qua những ngõ ngách, những hẻm hóc kỳ khôi và dị hụ: “Cái lời tồn dập thong dong/ Ở trong cái tiếng sầu đong lấp đầy/ Ông trời rất mực thơ ngây/ Bà trời rất mực dằng dai liên tồn/ Trâu đi đứng gót lùi chồn/ Chắc rằng tâm sự linh hồn đìu hiu”.

   Ông giỡn một cách vi vu với ngôn từ. Trời đất ơi, ông sáng tạo ra thứ ngôn ngữ Quảng Nam thật đặc biệt. Ông viết một cách hóm hỉnh, theo kiểu nói lái của dân gian, y như một anh nông dân trong cơn tửu hứng kể chuyện bậy bạ cho bạn bè nghe: “Lọt cồn sử lịch mai sau/ Sẽ xin dâng tặng cái màu ban sơ. Tôi làm bác sĩ xin sờ/ Vào nơi chốn nọ một bờ bên kia”.

…Cứ thế, thi ca Bùi Giáng tràn ngập những ẩn ngữ. Ai đọc ông thế nào, cảm nhận thơ ông ra sao là việc của họ. Riêng ông hồn nhiên, nghĩ ra làm sao thì viết làm vậy. Ông làm thơ như chúng ta uống nước, ăn cơm. Ông chỉ tác chiến thơ. Còn ai biên tập thơ ông thì kệ họ…

(Còn nữa)

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19801448
Hôm nay
Hôm qua
5569
10160