A+ A A-

Tháng Tư về Căn cứ Hòn Tàu

            Trong những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Duy Xuyên đã có chuyến hành quân về nguồn hết sức có ý nghĩa - thăm địa chỉ đỏ Căn cứ Hòn Tàu - Căn cứ của Đặc Khu ủy Quảng Đà trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

          Theo các tài liệu, Hòn Tàu là một dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn, diện tích gần 100 km², có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Về tên gọi Hòn Tàu, thì chưa rõ nguồn gốc có từ bao giờ? Theo Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng thì: “Từ xa, trông núi giống như đầu chiếc tàu thủy khổng lồ quay mũi về phía tây, nên dân gian gọi là Hòn Tàu”. Nơi này, đi qua bao nhiêu bom đạn của chiến tranh, vẫn xanh mê mải đến thế, như một niềm tin không bao giờ tắt dành cho quê hương, cho cách mạng… 

         

   Cán bộ công chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Huyện ủy Duy Xuyên về nguồn tại Căn cứ Hòn Tàu         

          Theo đồng chí Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà thì: “Đứng trên núi Mặt Rạng, Hòn Tàu như đứng trên đầu thù, một vị trí thật lý tưởng, thật tuyệt vời cho chỉ đạo chiến tranh cách mạng”. Vì vậy, sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù Đặc Khu ủy Quảng Đà đã lựa chọn Hòn Tàu làm chỗ đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng. Còn bây giờ, đứng trên đỉnh Hòn Tàu là ngút ngàn trong tầm mắt xanh mướt của những núi đồi trùng điệp, nhìn xuống là những cánh đồng mênh mông, những ngả đường ôm lấy làng mạc yên bình. 

          Hiện nay, con đường dẫn lên Khu di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu đã được đầu tư xây dựng bê tông hóa. Lối đi lên căn cứ len lỏi giữa những cánh rừng. Trước mắt chúng tôi, căn cứ Hòn Tàu được tái hiện lại với những khu nhà làm việc của Đặc Khu ủy Quảng Đà, đó là nhà khu nhà làm việc của đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, hội trường, nhà ăn và còn đó với từng góc núi, hang đá. Nơi đây, ngày ấy là nơi ẩn náu của cán bộ Đặc Khu ủy Quảng Đà... chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, xen lần niềm tự hào và vô cùng khâm phục ý chí kiên cường của ông cha, mặc dù trong những ngày mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù, ngay ở khu vực rừng núi hoang vu, không có dân, điều kiện làm việc vô cùng đơn sơ, nhưng cơ quan đầu não của Đặc Khu ủy Quảng Đà vẫn đứng vững và lãnh đạo quân, nhân Quảng Đà đánh bại kẻ thù xâm lược Mỹ và bọn tay sai với những vũ khí hiện đại và tối tân nhất.

          Ngược dòng lịch sử, cách đây hơn 50 năm, vào năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng đi vào giai đoạn ác liệt, đầy khó khăn, gian khổ; Mỹ, ngụy tăng cường đánh phá, hòng dập tắt lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, chí khí quật cường của nhân dân ta, chúng quyết tâm tiêu diệt cách mạng miền Nam. Trong hoàn cảnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tháng 10-1967, Khu ủy khu 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà.

          Sau Mậu Thân 1968, trước sự đánh phá ác liệt của Mỹ, Đặc Khu ủy Quảng Đà lựa chọn Hòn Tàu làm chỗ đứng chân trong suốt 8 năm liền, từ 1968 - 1975, để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Nẵng và các huyện bắc Quảng Nam (nay là: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang). Có thể nói từ 1968 đến 1975, Căn cứ Hòn Tàu là nơi chịu nhiều hy sinh, mất mát. Nhiều lãnh đạo Đặc khu ủy và hàng trăm cán bộ các cơ quan, ban ngành đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Đặc biệt, 10 cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn bị bom B52 đánh sập hang đá là nơi ở và làm việc ở dốc Cây Khế, dưới chân Mặt Rạng vào sáng 22-5-1972. Trước tình hình đó, biến đau thương thành hành động cách mạng, trong muôn vàn gian khổ, Đặc khu ủy Quảng Đà đã vững vàng, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các cuộc tiến công chiến lược, quyết định nhiều chủ trương quan trọng, hợp đồng chặt chẽ với các cánh quân chủ lực giải phóng các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam, tạo thế gọng kiềm để hoàn thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975. 

          Với sự kiện giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975, tại Căn cứ Hòn Tàu - Đặc Khu ủy Quảng Đà đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình và trở thành một trong những địa chỉ đỏ biểu trưng cho truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ XX của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng. 

          Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, ngày 08-6-2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Hòn Tàu là Di tích Lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định 2164/QĐ-BVHTTDL. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà (10.1967 - 10.2017), vào ngày 20-10-2017, tại núi Hòn Tàu, xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. Đây là sự kiện thể hiện lòng kính trọng, tri ân của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền bối đi trước; đồng thời, nhằm tái hiện bức tranh chân thật của lịch sử, góp phần vào giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.

          Cùng với Di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ ở Nước Oa, huyện Bắc Trà My; Di tích Nước Là ở huyện Nam Trà My; Di tích Phước Trà ở huyện Hiệp Đức; Di tích Tỉnh ủy Quảng Nam ở Tiên Sơn, huyện Tiên Phước; Di tích Đặc khu ủy Quảng Đà - Hòn Tàu (Duy Xuyên) và nhiều di tích lịch sử cách mạng khác sẽ là “địa chỉ đỏ” góp phần vào giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà.

Lê Năng Đông

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19806126
Hôm nay
Hôm qua
1499
8748