A+ A A-

Sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên Tân Mỹ Đông và quá trình thành lập Đảng bộ phủ Duy Xuyên

            Trước sự khủng hoảng về đường lối chính trị ở trong nước trong những năm đầu thế kỷ 20, Tờ báo “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc xuất bản ở Pari đã được thâm nhập vào địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, huyện Duy Xuyên. Tư tưởng cách mạng vô sản được truyền bá. Sau khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập (6/1925) thì phong trào càng phát triển mạnh mẽ hơn.

            

         Năm 1927, Trung Kỳ đã thành lập Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đồng chí Lê Quang Sung, thôn Gia Hòa, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên là thành viên Ban Vận động. Tháng 6 năm 1927, phong trào đấu tranh bãi khóa của học sinh tại Huế diễn ra. Số học sinh Duy Xuyên tham gia bãi khóa gồm: Lê Quang Sung, Nguyễn Thụy, Trần An, Võ Đề, Trương Kỉnh… đã trở về địa phương và mang theo những tài liệu, sách báo tiến bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để tuyên truyền, phát triển nên các nhóm đọc sách báo tiến bộ ở khắp các vùng trong phủ. Thu Bồn có các nhóm của Lê Quang Sung, Bùi Ấm, Bùi Thường. Trà Kiệu có nhóm của giáo Hiệp, giáo Liệu, giáo Tần, Võ Đề, Nguyễn Quang Liệu. Thi Lai - Đông Yên có nhóm của giáo Thiều, Trợ Liễu, Trương Thắng, Nguyễn Nam, Trương Thuần, Trương Kỉnh. Mã Châu - Phụng Tây có nhóm Hồ Duy Từ, Đoàn Kim, giáo Tuất, Trần An, Nguyễn Thụy. La Tháp có nhóm Bùi Khắc Tục, Lê Tiến, Lê Huyền, Đội Hồng.  Nồi Rang, Trà Nhiêu có nhóm Nguyễn Bội Liên.

       Tháng 10 năm 1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam được thành lập và mở rộng tổ chức đến các phủ, huyện. Khi về đến Duy Xuyên, đồng chí Phạm Thâm- Phó Bí thư Tỉnh ủy đã bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Thụyở Tân Mỹ Đông, Hồ Duy Từở Mã Châu, Nguyễn Viết Phuở Trà Kiệu, Trần Yếnở Ngũ Thôn, Phạm Độở Đông Yên là những nòng cốt trong các nhóm đọc sách báo để xây dựng lực lượng, tuyên truyền cách mạng vô sản và chuẩn bị điều kiện để phát triển Đảng.

          Ngày 28 tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được chính thức thành lập. Đồng chí Phạm Thâm - Phó Bí thư về Duy Xuyên, trực tiếp kiểm tra các cơ sở cách mạng và nhận thấy đã hội đủ các điều kiện để phát triển Đảng. Vào đêm 30 tháng 4 năm 1930, Lễ kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Duy Xuyên được tiến hành trên một chiếc thuyền đậu trên sông Bà Rén, cạnh làng Tân Mỹ Đông. Đồng chí Trần Đại Quả - Cán bộ Tổ chức của Tỉnh ủy đã thông qua Quyết định kết nạp cho các đồng chí Lê Tuất, Nguyễn Thụy, Đặng Hoàng, Trần Cúc và Nguyễn Hứa. Công bố Quyết định thành lập chi bộ Đảng mang tên Tân Mỹ Đông. Đồng chí Lê Tuất được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Sau đó, chi bộ đã kết nạp thêm 3 đồng chí: Nguyễn Lượm, Nguyễn Phồn, Nguyễn Kim vào Đảng.

          Chi bộ Tân Mỹ Đông - Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Duy Xuyên ra đời chỉ sau hơn 1 tháng sau khi thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, là minh chứng cho tinh thần yêu nước và cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong phủ. Thành quả này đã đặt nền móng khá vững chắc cho quá trình sự phát triển tổ chức Đảng cũng như sự nghiệp cách mạng ở phủ Duy Xuyên sau này.

          Ngay sau khi ra đời, trong đêm 30 tháng 4 rạng ngày 1 tháng 5, chi bộ đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1 tháng 5) như: treo cờ đỏ búa liềm, treo biểu ngữ, rải truyền đơn dọc Quốc lộ 1 từ Câu Lâu đến Bà Rén; Tỉnh lộ 104 từ Nam Phước đi Bàn Thạch và từ Nam Phước đi Trà Kiệu - Thanh Châu - La Tháp - Thu Bồn, mở đầu cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Duy Xuyên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.

          Được sự cổ vũ của phong trào cách mạng trong nước, trong tỉnh, nhất là sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, các chi bộ Đảng trên địa bàn huyện lần lượt ra đời. Chi bộ Mã Châu gồm có 9 đảng viên: Hồ Duy Từ, Trần Hữu An, Trương Di, Trương Vọng, Trịnh Hưng, Phan Chuyển, Trần Hiến, Trương Nhiết do đồng chí Hồ Duy Từ làm Bí thư. Chi bộ Trà Kiệu có 7 đảng viên: Nguyễn Viết Phu, Nguyễn Thành Hãn, Nguyễn Liệu, Nguyễn Quang Tất, Nguyễn Thông, Lưu Chí, Nguyễn Phước Tuân do đồng chí  Nguyễn Viết Phu làm Bí thư. Chi bộ Ngũ Thôngồm có 4 đảng viên: Trần Yến, Trương Thắng, Phan Đán, Nguyễn Nhi do đồng chí Trương Yến làm Bí thư. Chi bộ Đông Yêncó các đồng chí Phạm Độ, Võ Quang Thiềudo đồng chí Phạm Độ làm Bí thư.

          Như vậy, chỉ sau 3 tháng kể từ khi chi bộ Đảng Tân Mỹ Đông ra đời, đến cuối tháng 7 năm 1930, phủ Duy Xuyên đã có được 5 chi bộ với 29 đảng viên. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng trong phủ, Tỉnh ủy đã thành lập Phủ ủy lâm thời Duy Xuyên gồm 3 đồng chí: Lê Tuất, Hồ Duy Từ, Nguyễn Viết Phu. Đồng chí Lê Tuấtđược chỉ định làm Bí thư Phủ ủy lâm thời.

          Đảng bộ phủ Duy Xuyên ra đời giữa lúc tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa từ năm 1929 đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình nước ta. Chính sách bóc lột của thực dân, phong kiến mà trực tiếp là bọn Công sứ Pháp cùng với sự chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ, Lý hương, cường hào đã đẩy nhân dân ta vào cảnh bần hàn, đói khát, uất ức trăm bề.

          Sự ra đời của phủ ủy Duy Xuyên chỉ sau 3 tháng kể từ khi thành lập chi bộ đầu tiên Tân Mỹ Đông, một lần nữa minh chứng cho tinh thần yêu nước và cách mạng triệt để của nhân dân Duy Xuyên. Đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong phong trào cách mạng, đồng thời đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các tầng lớp nhân dân trước bối cảnh lịch sử lúc bây giờ. Từ đây, Đảng bộ sẽ trực tiếp lãnh đạo nhân dân trong phủ vượt qua mọi khó khăn trở ngại, vững bước tiến lên theo đường lối cách mạng để góp phần cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Nguyễn Văn Sỹ

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19799839
Hôm nay
Hôm qua
3960
10160