Hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Duy Xuyên(30/4/1930-30/4/2020), đài Truyền thanh- Truyền hình Duy Xuyên sẽ đăng phát hàng loạt bài viết về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và phát triển của Đảng bộ huyện Duy Xuyên.
Đài kỷ niệm nơi thành lập Chi Bộ Đảng Tân Mỹ Đông
Nhân dân Duy Xuyên có truyền thống yêu nước nồng nàn và được phát huy, phát triển qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Thời kỳ phong kiến, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân huyện nhà chống bọn quan lại, địa chủ chiếm đoạt ruộng đất, tăng sưu, đánh thuế nặng; chống tư thương buôn gian bán lận… nổ ra liên tục và kiên quyết. Không chỉ dừng lại trong trong phạm vi địa bàn, nhân dân trong huyện còn hòa mình vào các phong trào đấu tranh chung của dân tộc bằng việc ủng hộ lương thực, vật chất, tham gia vào lực lượng kháng chiến như nghĩa quân Tây Sơn của Nguyễn Nhạc năm 1786.
Khi nhà Nguyễn bước vào thời kỳ tăng cường chế độ chuyên chế, nhân dân Duy Xuyên tiếp tục đứng lên chống lại chế độ bắt phu, bắt lính, bắt dân đi xây lăng tẩm ở Huế. Dưới ngọn cờ Cần Vương, phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam của Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến… đã lập chiến khu Tân Tĩnh ở Trung Lộc (Quế Sơn), Hòn Tàu, Mỹ Sơn, (Duy Xuyên), thu hút các sĩ phu của Duy Xuyên tham gia như: Tham Khải., Lãnh Triều, Võ Giáo, Phạm Hưng Trị, Ngô Thi… Nhân dân trong huyện đã đóng góp tiền bạc, lương thực, phương tiện, nuôi giấu nghĩa quân tại các địa bàn trong huyện để tấn công vào quan Pháp tại các đồn bốt ở Trà Kiệu, Hòn Bằng, Non Trượt…
Bước sang đầu thế kỷ 20, tình hình đất nước càng chìm ngập trong đen tối do sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn và chính sách cai trị của thực dân Pháp. Mọi quyền hành ở Đông Dương đều tập trung trong tay viên toàn quyền. Triều đình Huế chỉ biết cuối đầu làm theo chỉ thị của tên khâm sứ Trung Kỳ. Tuy vậy, phong trào yêu nước vẫn tiếp tục phát triển ở Quảng Nam, Duy Xuyên, nổi lên là phong trào Duy Tân từ năm 1904 - 1908 do ba nhà chí sĩ: Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đề xướng với nội dung: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Các tầng lớp nhân dân hưởng ứng bằng việc cắt tóc ngắn, tập hợp và phát triển các hội nghề nghiệp, sở thích như: hội buôn, nhóm học chữ Quốc ngữ, hội khuyến nông…
Tiếp theo phong trào Duy Tân là phong trào chống sưu cao, thuế nặng gọi là “xin xâu” nổ ra vào năm 1908. Phong trào bắt đầu từ các vùng nông thôn của huyện Đại Lộc, sau đó lan rộng ra các huyện trong cả tỉnh như: Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ, Hòa Vang và mở rộng qui mô trong cả nước. Ngay từ khi phong trào được khởi xướng, nhân dân ở ba tổng: Quảng Hòa, An Lệ, Phú Mỹ của Duy Xuyên dưới sự chỉ đạo của Tư Cung, Ấm Tân đã hăng hái đùm cơm, mang nước xuống phủ đường, rồi kéo về tỉnh đường ở Hội An cùng đồng bào cả tỉnh đòi giảm thuế, giảm xâu. Ngày 7/11/1908, các ông Trần Phước, Tư Cang, Ích Măng và dân ba tổng kéo đến nhà tên Trần Quát - Chánh tổng có nhiều tội ác với nhân dân đang ở làng Gia Cốc để hỏi tội và xử tội.
Bước sang năm 1912, cụ Phan Bội Châu tập hợp những người xuất dương lập ra Việt Nam Quang Phục Hội và xúc tiến cho công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền lập Nhà nước cộng hòa. Ở Quảng Nam, các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân đã xây dựng phong trào và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Thợ dệt ở Duy Xuyên ven sông Thu Bồn đã tham gia tích cực, đưa khung cửi xuống thuyền đậu trên sông dệt vải cho nghĩa quân nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn không được diễn ra như kế hoạch do bị bại lộ.
Tuy những cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong thời điểm này cũng như nhiều phong trào trước đó đều không mang đến sự thành công trọn vẹn do thiếu đường lối chiến lược triệt để. Sau các cuộc nổi dậy mang tính tự phát, các phong trào đều bị kẻ thù đán áp và khủng bố. Những người cầm đầu đều bị xử tử để dập tắt các phogn trào nổi dậy tiếp theo. Mặc dù bị đàn áp, khủng bố song tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân trong huyện vẫn không ngừng phát triển và tiến lên thành một cao trào cách mạng mới. Đây là cơ sở và điều kiện nền tảng để huyện Duy Xuyên tiếp tục phát triển mạnh mẽ các phong trào cách mạng khi Đảng Cộng sản được hình thành và mở rộng công tác tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin khoa học và đường lối cách mạng Việt Nam sau này.
Nguyễn Văn Sỹ- Phó Ban Tuyến giáo huyện ủy