Trên
Facebook, thế hệ 9x viết: “Trưởng thành là ngày bạn về nhà lành lặn, không
‘rách rời chắp vá’.
Chiều nay, sau những
chuyến viễn hành suốt năm qua dọc miền Trung nắng mưa bão lũ, trở về Mỹ Sơn như
trở về nhà, không ngồi uống nước, ăn bánh như thể hệ 9x mà vừa đi vừa nghĩ để
tìm ý tứ người xưa để lại mà lâu nay cứ hiểu theo cách người đi trước bày mình
và tư duy theo kiểu trong luỹ tre làng, hiểu như thế thì an toàn nhưng không có
cái để lại cho con, mà người đi trước cũng đâu là hoàn chỉnh nên nói theo ngôn
ngữ của 9x, mình cũng bị “rách rời chắp vá” trong tư duy và thiếu cá tính.
Câu chuyện dòng sông
Văn hoá của người
mình là Văn Hoá Lúa Nước, như vậy bắt đầu sự tư duy lại từ nước-Bể nước ở Mỹ
Sơn-Nước để hành lễ tắm gội Linga, để cầu mong, để ban phát. Nước để thoả mãn
các khát khao. Nước thiêng phải lấy từ dòng sông thiêng, dòng sông mẹ của Quảng
Nam là sông Thu Bồn, nước được rước về từ đó. Sách vở trước đây chỉ ra cho mình
như thế, nhưng có phải tới đó là hết không? Theo cách tư duy của 9x hay nói tới
sự khám phá, chắc 9x cũng nhìn ra như mình, các nơi khác cũng có các dòng sông
và những người làm lúa nước ở các vùng đó cũng kính trọng các dòng sông của họ.
Như vậy sẽ có một ý tứ nào từ nước của người xưa được thể hiện qua câu chuyện
của các dòng sông. Đến đây ta nói với 9x:
Từ sự khác biệt của
các dòng sông ta nhận ra tính cách của người Quảng Nam dọc sông Thu Bồn. Người
Quảng Nam vụng về trong giao tiếp, khó khăn trong diễn đạt bởi một giọng tiếng
Việt thiếu cả các dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, ương ngạnh nhưng chân thành
và vị tha, ban đầu khó tiếp xúc nhưng sống lâu lại dễ sống. Bạn bè là một cái
gương cho ta soi lại mình, họ đưa ta lên thuyền về lại đầu nguồn con sông quê hương.
Sông Thu Bồn hơn một trăm cây số đầu nguồn là ghềnh thác, càng xuống gần với
biển, dòng sông mở rộng dòng và chảy êm đềm hơn. Người Quảng Nam sống chân
thành và bỏ qua các tiểu tiết trong đời sống khi sống với bạn bè.
Bể nước cạn trong khu
đền ở Mỹ Sơn, nay ta thấy nó có một bề sâu thăm thẳm, bể nước nhỏ chứa mênh
mông văn hoá, ta bụm hai tay coi như là có nước sông Thu, ta vuốt lên mặt mình,
thấy tự tin hơn với những điểu ta có, ta yên tâm bước tiếp vào quá khứ ngàn năm
của Mỹ Sơn.
Sự thống nhất của các mặt đối lập
Tượng Shilva múa, bản
thân Shiva là thần múa, Ngài đang múa điệu múa vũ trụ, vũ trụ sinh ra và mất đi
theo những cánh tay đưa lên và hạ xuống của Ngài. Thần Shiva là thần HUỶ DIỆT
và SÁNG TẠO, chiều nay ta nghe có tiếng lách cách của thế giới đồ vật trong câu
nói này, HUỶ DIỆT là phá đi cái cũ, SÁNG TẠO là tạo ra cái mới, nói như thế
không phải là tôn giáo vì bản thân tôn giáo là uyển chuyển và hoà hợp-Shiva nắm
giữ quy trình hình thành và tàn lụi của vũ trụ, một điệu múa của Shiva hay một
giấc ngủ của Bhrama là một chu kì, tay Shiva đưa lên rồi hạ xuống, mắt Bhrama
mở ra rồi nhắm lại. Từ đây ta nhìn thấy được một mệnh đề quá khó: Sự thống nhất
giữa các mặt đối lập trong các nhân vật của thần thoại Ấn Độ.
Bhrama sáng tạo ra vũ
trụ nhưng lại hư đốn yêu chính con gái mình. Shiva tài hoa nhưng nóng tính và
thô lỗ.
Vishnu tưởng là hoàn
chỉnh nhưng lại mắc phải một sai lầm mà chư thần không chấp nhận:”Chiến thắng
biện minh cho hành động”
Quỷ vương ác nhưng
lại có một tình yêu quá chân thành.
Quanh thân Shiva có
cả rắn thần và thuỷ quái. Hai con rắn cùng sống dưới nước, con tốt ở trên vai,
con xấu ở dưới chân. Trong mỗi con người đều tồn tại một con quỷ và người này
khác người khác ở chỗ ta kìm hãm con quỷ của ta bao lâu và kìm hãm như thế nào.
Thần cũng có điều sai và quỷ cũng có cái để tôn vinh, tổng hợp các điều sai sót
và những cái đáng tôn vinh ấy lại với nhau, nhào nặn nó lại rồi xin nữ thần
Pavati một phép màu xem nó biến thành cái gì? Chắc chắn sẽ thành con người,
trong mỗi chúng ta đều có sẵn các điều tốt và điều không tốt. Shiva của Mỹ Sơn
không ở quá xa mà ở sẵn trong mỗi con người, trong mỗi cái tốt mà ta làm được,
cái xấu mà ta gây ra, sân-si mà ta mang theo, hi vọng và thất vọng mà ta gặp
đều có bóng dáng của Shiva.
Nước từ sông thiêng
tắm gội Shiva-Linga rồi ban phát cho con người, ban phát cho những người nông
dân lúa nước để từ đó họ mơ về con cái, mùa màng, cây trái và gia súc. Không ở
đâu như Mỹ Sơn, vai trò của dòng sông được khẳng định đến cụ thể, dòng sông
sinh ra văn hoá của người trồng lúa, làm hư dòng sông đồng nghĩa với việc làm
hỏng văn hoá truyền thống vậy.
Thung lũng và gạch
Khi nói về vị trí địa
lí của Mỹ Sơn sách vở chỉ nói di tích Mỹ Sơn nằm trong lòng một thung lũng hẹp
có bán kính 2km cách Trà Kiệu bao nhiêu cây số, Đà Nẵng bao nhiêu cây số vân
vân và vân vân. Không ai đặt vấn đề và tự hỏi tại sao đền ở Mỹ Sơn dưới đáy một
thung lũng, còn ra ngoài Mỹ Sơn thì các ngôi đền nằm hầu hết trên đồi cao. Chắc
chắc không phải ngẫu nhiên mà phải có sự khác biệt về quan niệm, về đẳng cấp.
Đền ở Mỹ Sơn là đền của nhà vua và thờ thần vua cho nên tu sĩ trong khu đền này
cũng phải là tu sĩ hàng đầu, đọc lại sử thi Hindu sẽ thấy là vào rừng sâu tu
luyện chỉ có hai giới quí tộc và tu sĩ, xã hội Hindu cổ đại cho thấy hai đẳng
cấp có mối quan hệ mật thiết với nhau là Quý tộc và Tu Sĩ, họ hưởng toàn bộ đặc
quyền của xã hội. Họ phải tồn tại được ở chỗ khắc nghiệt thì mới xứng đáng với
sự trọng vọng ấy. Điều này cho thấy họ phải tu luyện (hay rèn luyện) một cách
rất nỗ lực. Di tích được bao quanh bởi một vòng tròn núi, ngày xưa trước khi
vào Mỹ Sơn làm lễ, những người quý tộc xưa phải bỏ lại bên kia sườn núi các ý
đồ tranh đoạt, dẹp hết sự khác biệt về quyền lợi, bất đồng, họ vào đây chỉ với
một lòng thành, ngẩng mặt lên trời mà giao tiếp với thần linh. Đừng đưa ý thức
phòng thủ vào đây vì không ai nghĩ đến việc xây đền lên để trốn chiến tranh cả,
chưa kể nó để lộ ra sự không có kiến
thức quân sự của người nói.
Chiều nay ta cũng
ngẩng mặt lên trời, không thấy thần linh mà thấy nắng chiều chiếu vào các viên
gạch tươi màu quá khứ, một quá khứ đầy sức sống, một quá khứ trẻ trung in dấu
ngàn năm tuổi, mâu thuẫn diễn ra ngay trên bức tường của di tích, màu gạch của
ngàn năm trước đẹp và trẻ hơn viên gạch thời hiện tại. Thế hệ 9x, tôi có thể
dùng lí luận về sự phong trần để biện hộ cho sự già nua của tôi, có thể dùng sự
tương thích để che giấu sự không thành công trên các viên gạch mới nhưng tôi
không muốn. Tôi không muốn làm lẫn lộn những gì mà thế hệ tôi có, làm được với
những gì thế hệ tôi không có và không làm được, sau đó tôi vo lại thành một cục
tròn để tránh ứng suất rồi trao cho các bạn và gọi đó là niềm tự hào. Tôi muốn
nói với các bạn về cái chúng ta có, tôi trao lại cho các bạn và cái chúng ta
chưa có, các bạn cố gắng học về cho có, chúng tôi cố gắng giữ gìn còn các bạn
cố gắng học, tương lai di tích ở trong sự học của các bạn.
Thế hệ 9x, tuổi thơ
của các bạn đã xa dần hay không còn đồng ruộng và những cánh diều của thế hệ cô
chú bây giờ các bạn chỉ gặp trong sách giáo khoa, các bạn lớn lên trong giấc mơ
không có ông Bụt mà có Doraemon. Tôi không cố bám lấy những gì xưa cũ để kết
luận tuổi thơ của các bạn, chiều nay ở Mỹ Sơn tôi cố bứt phá các ràng buộc của
sự yếu đuối và sự thèm muốn an toàn để nói với các bạn về những cánh cửa mở, ở
đó luôn đón các bạn đi học trở về. Ngày đó các bạn có quyền hiểu tính lúa nước
của cha ông theo kiến thức của các bạn.
Hà Hóa( Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn)