Phòng GDĐT huyện Duy Xuyên vừa phối hợp với Ban Quản lý di
tích và du lịch Mỹ Sơn tổ chức chương trình “Em là hướng dẫn viên du lịch”, thu
hút sự tham gia của 15 học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn huyện. Đến
với sân chơi này, mỗi học sinh đã trở thành một hướng dẫn viên thực thụ đưa du
khách khám phá các giá trị của khu di sản.
Vượt ra khỏi sân chơi ở cấp trường
học, chương trình mang ý nghĩa to lớn khi xây dựng trong các em học sinh - chủ
nhân của di sản tương lai - niềm tự hào về quê hương đất nước, tạo cơ hội cho
các em tìm hiểu và thể hiện những cảm nhận chân thực về giá trị của khu di sản
trên quê hương mình. Dường như mỗi học sinh đến với sân chơi này đều đã khẳng
định mình là chủ nhân của khu di sản thông qua vai trò một hướng dẫn viên. Các
em có trách nhiệm giới thiệu với du khách về giá trị đặc sắc của Mỹ Sơn, nhưng
không phải từ những gì đã biết trên sách vở mà qua thực tế tiếp xúc với khu di
tích. Với vai trò là hướng dẫn viên, các em giới thiệu với du khách cảm nhận về
giá trị Mỹ Sơn khi lần đầu đặt chân đến, giải đáp các thắc mắc khi du khách hỏi
và xử lý các tình huống gặp phải. Ban tổ chức đã chú ý xây dựng chủ đề, đưa ra
các tình huống liên quan đến ý thức trách nhiệm của các em trong gìn giữ, bảo
tồn khu di sản.
Mười lăm thí sinh đã thuyết minh,
giới thiệu với du khách các chủ đề khác nhau về giá trị Khu di tích Mỹ Sơn, như
quá trình hình thành phát triển, lịch sử trùng tu, vị trí địa lý, kiến trúc
nghệ thuật… Hình ảnh các em tự tin, thể hiện vai trò một hướng dẫn viên, mời du
khách tham quan các vị trí trong khu đền tháp, kể những câu chuyện về giá trị
văn hóa ở địa phương... đã để lại trong lòng du khách những ấn tượng đẹp. Những
ngỡ ngàng thán phục và những tràng vỗ tay tán dương vang lên khi các học sinh
xử lý tình huống gặp phải trong công tác hướng dẫn, hay các câu hỏi bất ngờ
được Ban tổ chức cũng như du khách đưa ra càng làm không khí sân chơi thêm sinh
động.
Với chủ đề “Kiến trúc, điêu khắc
Khu đền tháp Mỹ Sơn”, Nguyễn Huỳnh Quyên (trường THCS Chu Văn An, Nam Phước) đã
giúp du khách cảm nhận rõ hơn giá trị đặc sắc về những mảng kiến trúc gạch được
nghệ nhân Chăm với đôi bàn tay tài hoa và khối óc đã tạc vào đất đá. Những hoa
văn điêu khắc, những chạm khắc tinh xảo ở từng mảng tường, góc tháp cho thấy
kiệt tác kiến trúc Mỹ Sơn đã quá đủ để làm nên một nền nghệ thuật rực rỡ của
văn hóa Chămpa. Hay Phan Thị Xuân Nguyên (trường THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Duy
Phú) với chủ đề “Cách bố trí sắp xếp khu đền tháp Mỹ Sơn” đã dẫn dắt câu chuyện
đầy sức lôi cuốn, thuyết phục người nghe. Vị trí Mỹ Sơn với trục hình thành
thương cảng Đại Chiêm - kinh đô Trà Kiệu - trung tâm tôn giáo Mỹ Sơn được em
liên hệ qua vị trí cánh tay của mình với kinh đô là khuỷu tay, còn bàn tay và
vai là thương cảng và trung tâm tôn giáo. Câu chuyện thuyết minh càng sinh động
hơn khi những lúc du khách chăm chú theo dõi, các em xen kẽ đặt ra những câu hỏi,
tạo cho chuyến tham quan thêm sinh động, đầy cuốn hút.
Ông Lê Văn Minh - cán bộ Ban Quản
lý di tích và du lịch Mỹ Sơn nói: “Qua sân chơi này cho thấy, Di sản văn hóa
thế giới Mỹ Sơn đã có sức lan tỏa rất lớn trong trường phổ thông. Các em học
sinh đã trở thành những chủ nhân thực thụ của khu di sản. Đây sẽ là nguồn lực
quan trọng cho tương lai của Mỹ Sơn”. Cũng theo ông Minh, với ý nghĩa ban đầu
nhằm khơi dậy trong các em học sinh về tình yêu quê hương đất nước, tạo tinh
thần ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị di sản..., sân chơi này
đã mang lại kết quả hơn mong đợi. Điều đó cho thấy, phương pháp giáo dục di sản
cộng đồng thông qua trường học đã thực sự là một cách làm hay, có sức lan tỏa,
“kéo” cộng đồng cùng chung tay bảo vệ các giá trị di sản.
VĂN KHOA