Mùa khô, nông dân vẫn có nước tưới để canh tác.
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên
cùng một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thời gian
qua, xã Duy Châu, tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi hóa đất màu, mở rộng diện
tích các loại cây trồng cạn, xây dựng các mô hình xen canh, luân canh mang lại
hiệu quả cao…
Những ngày này, lang thang trên cánh đồng
Lệ Bắc, đâu đâu chúng tôi cũng nhìn thấy màu xanh mơn mởn của đủ các loại cây
trồng cạn. Ông Hồ Ngọc Phước-Người dân địa phương cho biết, gia đình có 20 sào
đất chuyên trồng đậu phụng, ớt ven nhánh sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa bàn. Nhờ
phù sa bồi đắp hằng năm nên đất đai khá màu mỡ. Ông Phước hồ hởi: “ Bốn năm trở lại đây, tôi tập trung trồng ớt
với chừng đó diện tích. Thời tiết tương đối thuận lợi, giá cả phải chăng, sau
khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, tôi lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy,
đời sống kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Theo ông Hồ Văn Huệ-Trưởng ban dân chính thôn Lệ Bắc thì địa phương hiện có
60ha đất chuyên canh các loại cây trồng cạn, trong đó có ít nhất 20ha cây ớt.
Nhờ vào đó mà đời sống người dân trong thôn ngày càng nâng cao, nhà cửa xây dựng
kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4%.
Huyện Duy Xuyên đã có một số cánh đồng lớn chuyên canh cho giá trị kinh tế cao.
Rời Lệ Bắc, chúng tôi ngược về cánh đồng
Thọ Xuyên rộng hơn 12ha cũng chuyên trồng cây màu. Khẩn trương kéo đường ống nhựa
bơm tưới cho 4 sào đậu, ông Tạ Kế Khoa, thôn Thọ Xuyên cho hay, hơn 10 năm trước
khi chưa có công trình thủy lợi hóa đất màu, làm gì cũng khó khăn, bà con nông
dân cứ trông trời, trông đất, không dám đầu tư vào sản xuất. Nay, được Nhà nước
quan tâm, ai cũng đóng giếng bơm tưới cho cây trồng, rồi áp dụng quy trình kỹ
thuật mới vào sản xuất, nhất là khâu chọn hạt giống chất lượng cao nên sản lượng
năm sau luôn cao hơn năm trước. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phước Hải- Cán bộ
khuyến nông xã Duy Châu cho biết, địa phương thường xuyên phối hợp với ngành
nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình chuyên canh, luân canh, xen canh cây trồng
mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, toàn xã có 200ha đất màu, tăng 30ha so
với thời điểm trước năm 2010, tập trung nhiều nhất ở thôn Lệ Bắc, Thanh Châu, Lệ
An, Lệ Nam..., bình quân mỗi ha cho thu nhập hơn 110 triệu đồng/ năm. Còn theo
ông Nguyễn Tám- Phó chủ tịch UBND xã Duy Châu thì nhằm tạo điều kiện thuận lợi
cho người nông dân yên tâm bám đất, những năm qua, địa phương kéo 5,5km đường
dây điện, đảm bảo thủy lợi hóa cho 100% diện tích đất màu.
Có thể nói, việc xã Duy Châu xây dựng
các mô hình xen canh, luân canh cây trồng cạn đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt
cho người nông dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phi
Thành