Ban Thường vụ Huyện uỷ Duy Xuyên chỉ đạo các
cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của đơn vị gắn với thực
hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, xây dựng
kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn đưa việc thực hiện quy chế dân chủ đi vào nề nếp.
Cùng với đó, huyện thường xuyên thực
hiện công tác kiểm tra, giám sát các nguồn vốn huy động trong dân để luôn đảm
bảo nguồn vốn được đầu tư đúng và hiệu quả. Thông qua đó giúp huyện điều chỉnh,
uốn nắn kịp thời những hạn chế, khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn
mới, phát huy, nhân rộng những mô hình, cách làm mới có hiệu quả. Nhờ đó, các
mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện luôn đi đúng hướng, đạt
kết quả khả quan, nhất là trong việc xã hội hoá các nguồn lực đầu tư. Qua gần 5
năm triển khai chương trình xây dựng xã nông thôn mới, toàn huyện đã huy động
được gần 2.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó nguồn vốn do
nhân dân đóng góp 185 tỷ đồng; vận động được trên 1.600 hộ dân hiến gần
170.000m2 đất, phá dỡ 9.900m2 tường bao, đóng góp 7.600 ngày công lao động để
làm đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở..v.v.. .Đến nay cả 4 xã
điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Duy Xuyên là Duy Trinh; Duy
Phước; Duy Sơn và Duy Hòa đầu đạt 19/19
tiêu chí, đang hoàn chỉnh thủ tục để trình cấp trên kiểm tra công nhận xã nông
thôn mới, 7 xã còn lại đạt bình quân 8,3 tiêu chí/xã, là tiền để đến cuối năm 2020 huyện Duy
Xuyên cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới.
Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở,
đã giúp người dân nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, kiểm tra, giám sát mọi hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc sử dụng nguồn vốn, xây dựng các
công trình, dự án trên địa bàn. Theo kinh nghiệm của các địa phương, mỗi công
trình xây dựng nông thôn mới khi triển khai đều công khai, dân chủ, bàn bạc và
được sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Cán bộ phải biết lắng nghe, tôn trọng ý
kiến của nhân dân, không chủ quan, bảo thủ; phải đặt mình vào vị trí của từng
người dân để hiểu được suy nghĩ của người dân, từ đó có cách vận động, giải
thích hiệu quả để nhân dân hiểu và làm theo. Nhờ đó mà chương trình xây dựng
nông thôn mới luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân. Đã có
1.600 hộ dân tự nguyện hiến đất, chặt cây ăn quả đến kỳ thu hoạch, phá dỡ tường
rào để giải phóng mặt bằng xây dựng nhà văn hoá thôn, mở rộng đường liên xã,
liên thôn, liên xóm, trục chính đường nội đồng. Tiêu biểu như khu dân cư thôn
Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn vận động trên 150 hộ dân tự tháo dỡ tường rào, cổng
ngõ, vật kiến trúc, hiến 3.537m2 đất vườn để mở rộng và làm đường giao thông,
hoặc khu dân cư La Tháp Đông, xã Duy Hoà vận động nhân dân hiến 3.000m2 đất,
đóng góp 1,5 tỷ đồng và trên 3.250 ngày công để làm mới 7,86 km đường giao
thông, kiên cố 7 km kênh mương. Xã Duy Hoà, xã Duy Sơn cũng là một điển hình
trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, bằng
việc vận động nhân dân thành lập tổ gia đình đoàn kết hoạt động ở tất cả các thôn.
Tổ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, phát huy quyền dân chủ ở địa bàn dân
cư. Thông qua tổ liên gia này mọi công việc của thôn, xã đều được thông báo và
bàn bạc công khai đến từng người dân, nên có được sự đồng thuận cao và tạo
thành phong trào thi đua trong cộng đồng chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ
đó, bà con cũng tích cực góp công, góp của xây nhà văn hoá thôn, làm đường giao
thông, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mới, giảm nghèo, đã và đang làm
thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.
Quang Giác