Đến nay, lúa đông xuân chính vụ đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, làm đòng; diện tích lúa nước trời đang thời kỳ đòng - trổ. Nhìn chung, các trà lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, cục bộ vẫn có một số diện tích bị chuyển vàng - khô đầu lá do thời tiết, thiếu phân và lúa chuyển giai đoạn.
Đặc biệt, hiện tại trên đồng ruộng chuột đang phát sinh và gây hại cục bộ nhiều nơi, tỷ lệ hại bình quân 5 - 10%, nơi cao 20 - 30% như Duy Xuyên. Qua kiểm tra cho thấy, chuột gây hại nặng ở những ruộng ven gò đồi, ruộng bị khô nước. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn lá cũng đang phát sinh diện rộng và gây hại cục bộ trên các giống lúa hay bị nhiễm như BC15, OM4900, 13/2, Xi23... với tỷ lệ bệnh bình quân 3 - 5%, nơi cao 20 - 30%, cục bộ có cháy chòm ở một số địa phương. Với điều kiện thời tiết ngày nắng nhẹ, sáng có sương mù, hơi lạnh về đêm xen kẽ những ngày trời âm u có mưa rải rác kết hợp với việc bón thúc phân không cân đối (thừa đạm) chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh này lây lan gây hại.
Để chăm sóc tốt cây lúa, đồng thời quản lý và ngăn ngừa chuột, bệnh đạo ôn lây lan diện rộng, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Quảng Nam hướng dẫn một số biện pháp sau:
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để chủ động phòng trừ chuột và bệnh đạo ôn lá. Ảnh: VĂN SỰ)
- Cần tiến hành bón phân thúc đòng kịp thời. Những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, khô đầu lá - vàng sinh lý thì cần thay nước 1 - 2 lần, sau đó bón bổ sung thêm phân DAP (1 - 2kg/sào) và phun phân qua lá để lúa mau hồi phục.
- Đối với bệnh đạo ôn: thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là trên các ruộng sử dụng những loại giống hay bị nhiễm bệnh như vừa nêu. Khi phát hiện bệnh trên lá có tỷ lệ từ 10% trở lên, vết bệnh cấp tính (màu xám xanh) thì dùng các loại thuốc đặc hiệu như Fuji-one 40EC, Filia 525 SE, Beam 75 WP, Flash 75 WP, Mapfamy 700WP... để phun trừ. Nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc, chú ý phun đủ lượng nước thuốc theo khuyến cáo để đạt hiệu quả phòng trừ cao; phun chậm ướt đều mặt lá.
- Đối với chuột: để hạn chế chuột gây hại mạnh ở giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng, cần tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đặt bẫy (bẫy lồng, bẫy kẹp, bẫy bán nguyệt...); đánh bả bằng thuốc sinh học, sinh hóa, hóa học. Giai đoạn hiện nay nên ưu tiên sử dụng biện pháp đặt bẫy. Cần tổ chức cho người dân đồng loạt ra quân diệt chuột thì mới mang lại hiệu quả cao.
Đề nghị các địa phương hướng dẫn, khuyến cáo nông dân ra quân diệt chuột, chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn trên lá. Trạm Bảo vệ Thực vật các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra phát hiện, ra thông báo hướng dẫn kịp thời, cụ thể; phối hợp với địa phương để giúp nông dân quản lý tốt chuột và bệnh đạo ôn trên đồng ruộng.
(Nguồn: CHI CỤC BVTV QUẢNG NAM)