Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thời gian qua hội viên Cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Duy Xuyên luôn nêu cao gương sáng, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và đi tiên phong trong việc hiến đất mở đường, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần làm cho diện mạo quê hương ngày thêm khởi sắc...
Nỗ lực phát triển kinh tế
Mô hình trồng nấm rơm giúp đời sống gia đình CCB Nguyễn Thành (thôn Hòa Nam, xã Duy Trung) khấm khá hẳn lên. Ảnh: HOÀI NHI
CCB Nguyễn Thành (thôn Hòa Nam, xã Duy Trung) cho biết, cách đây 15 năm, ông triển khai thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong vườn nhà. Thời điểm đó, quy mô sản xuất tương đối nhỏ, diện tích chỉ chừng 200m2. Khi kinh nghiệm tích góp được nhiều, ông mở rộng cơ sở lên gấp 2 lần so với trước. Ông Thành nói: “Mỗi năm tôi làm nấm trong 10 tháng, trừ 2 tháng mùa mưa và thu hoạch khoảng 10 đợt. Sau khi trừ chi phí về vật tư, trả tiền thuê nhân công thì thu lãi không dưới 50 triệu đồng. Nhờ đó, tôi xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi 2 đứa con học đại học và hiện các con đã có việc làm ổn định”. Không chỉ trồng nấm, những năm qua nhiều hội viên CCB ở Duy Trung còn xây dựng 30 mô hình kinh tế khác mang lại hiệu quả cao như chăn nuôi heo, nuôi bò vỗ béo, ươm cây lâm nghiệp, trồng keo nguyên liệu… Bình quân hằng năm mỗi mô hình cho lãi ròng 50-100 triệu đồng. Ông Phạm Sa - Chủ tịch Hội CCB xã Duy Trung cho hay: “Toàn xã hiện có 158 hội viên tham gia sinh hoạt ở 6 chi hội. Mặc dù anh em bây giờ tuổi cao sức yếu nhưng đều tích cực tham gia sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm hơn 50 lao động tại địa phương. Đáng chú ý là mô hình trồng rừng kinh tế của các hội viên hàng năm mang lại nguồn thu nhập hơn 2 tỷ đồng”.
Theo ông Trần Văn Anh – Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Duy Xuyên, để nâng cao thu nhập cho các hội viên, huyện hội thường xuyên động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện tăng gia sản xuất. Bản thân từng hội viên không ngừng phấn đấu vươn lên và vận động mọi người tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chủ động nắm vững khoa học kỹ thuật, áp dụng vào trồng trọt và chăn nuôi nhằm tăng giá trị kinh tế. Đặc biệt, huyện hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 78 hộ vay 7,2 tỷ đồng để đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời duy trì và phát triển phong trào góp vốn giúp nhau làm kinh tế. Đến nay có 16/16 cơ sở hội tham gia xây dựng 286 tổ góp vốn với số tiền đóng góp trong năm 2015 lên đến hơn 15 tỷ đồng. Ông Anh nói: “Từ nguồn vốn do hội viên góp, chúng tôi hỗ trợ cây con giống, trao tặng sinh kế, đầu tư sản xuất kinh doanh, lo chi phí cho con cái ăn học… Vì vậy, đời sống nâng cao rõ rệt, tỷ lệ khá giàu tăng lên hơn 55%, không còn hội viên ở nhà tạm hay thuộc diện hộ nghèo”.
Gương mẫu đi tiên phong
Cuối tháng 3, chúng tôi có dịp quay lại xã Duy Hòa và được nghe người dân kể về phong trào hiến đất làm các công trình hạ tầng nông thôn, trong đó CCB Trương Văn Hạnh ở thôn La Tháp Tây là một điển hình. Cách đây không lâu, ông Hạnh tự nguyện hiến 500m2 đất ruộng để xây dựng khu thể thao của địa phương. Ông Hạnh chia sẻ: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là ngày xưa đồng đội của mình sẵn sàng hy sinh tính mạng vì nền độc lập tự do của dân tộc thì bây giờ mình hiến chút đất có đáng gì. Trong khi đó, xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ của cả cộng đồng, mang lại lợi ích cho mọi người nên tôi xung phong làm trước”. Còn tại xã Duy Thu, khi xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn từ cổng chào thôn Phú Đa 1 đến cầu Cồng thuộc thôn Thạnh Xuyên, CCB Trần Đình Tiến tự nguyện hiến 150m2 đất vườn để thi công công trình mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Được biết, qua 5 năm xây dựng NTM, toàn xã Duy Thu có 42 hội viên CCB hiến 3.500m2 đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông nông thôn.
Ông Đỗ Văn Cần – Chủ tịch Hội CCB huyện Duy Xuyên cho biết, thực hiện phong trào xây dựng NTM, huyện hội chủ động tổ chức quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần 100% cán bộ, hội viên. Đồng thời xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp gắn với bộ 19 tiêu chí. Cùng với các ngành và đoàn thể khác, 5 năm qua nhờ sự tham gia đóng góp tích cực của các cấp hội CCB nên toàn huyện đã cứng hóa, thảm nhựa được 180km đường xã, liên xã, liên thôn, ngõ xóm; 28km giao thông nội đồng; bê tông 66km kênh mương cùng các công trình khác như trạm y tế, nhà văn hóa… đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của gia đình hội viên CCB trên địa bàn huyện đạt 25 triệu đồng/năm. Qua kết quả bình xét, hàng năm có 100% tổ chức cơ sở hội đạt trong sạch vững mạnh, hơn 99,8% gia đình hội viên đạt văn hóa...Ông Trần Văn Anh cho rằng, những năm qua diện mạo của không ít làng quê ngày càng thay da đổi thịt, đặc biệt là nhiều tuyến giao thông nông thôn được bê tông hóa, giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội. Những thành quả ấy luôn in đậm dấu ấn của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Riêng năm 2015, hội viên CCB toàn huyện đóng góp hơn 2.500 ngày công lao động, gần 350 triệu đồng và hiến hơn 6.000m2 đất vườn để đổ bê tông hàng loạt tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương, xây dựng cổng chào, nhà sinh hoạt văn hóa thôn... Cạnh đó, các cấp hội thường xuyên tổ chức ra quân tiêu diệt cây mai dương dọc các bờ sông, triền đê nhằm bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo môi trường xanh- sạch- đẹp, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
HOÀI NHI