Cái lạnh
buốt người với mưa dầm gió bấc kéo dài
lê thê, rồi cũng qua đi, mùa xuân đến mang hơi thở nồng nàn, ấm áp về với vạn
vật. Những ngày cận kề năm mới Ất Mùi, trong ánh nắng như pha lê dát lụa trên
những chồi non, lộc biếc vươn mình chào đón chúa Xuân, khiến cho lòng người
cũng rộn ràng trong niềm vui đón xuân sang với niềm mong ước ruộng đồng sẽ đơm
bông, trĩu hạt đem về cuộc sống ấm no cho mọi người.
Du xuân trên
những tuyến giao thông nội đồng lót bê tông thẳng tắp, nhìn những cánh đồng lúa đang thì con gái khẽ
lay động dưới làn gió Xuân, báo tin tốt lành về một vụ mùa bội thu. Khẳng định
thành quả của sự đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân theo
hướng sản xuất hàng hóa.
Có được kết
quả ấy chính là sự nỗ lực “ vượt nắng, thắng mưa” của bà con nông dân, cộng với
sự trợ giúp thiết thực và kịp thời của nhà nước, với sự trợ giá của huyện giúp người nông dân có được
nguồn giống lúa, giống cây trồng chất lượng tốt. Các cơ quan hữu quan cùng kề
vai, sát cánh hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thâm canh chăm sóc cho bà con
nông dân.
Song trên
hết, chính là thành quả bước đầu của sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống
chính trị chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Mà điểm nhấn đầu tiên là
thực hiện “ dồn điển, đổi thửa”, xây dựng hoàn thiện hạ tầng nông thôn, đồng
ruộng. Đến thời điểm nầy, bên cạnh cánh đồng “ dồn điền, đổi thửa” rộng trên 60
ha ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu được xây dựng điểm cách đây tròn 7 năm, đã đem
lại cuộc sống ấm no sung túc cho hàng trăm hộ, còn có trên 20 cánh đồng đất màu
ở các địa phương đã được dồn điền đổi thửa, bạt ngàn màu xanh của ớt, của dưa,
của đậu, của ngô.
Trong những năm qua, toàn huyện đã đẩy
mạnh công tác dồn điền, đổi thửa gắn
với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như kiên cố hóa giao thông nội đồng và kênh
mương; đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học
kỹ thuật để hình thành các cánh đồng lớn, liền vùng, liền thửa, nhằm phát huy
tối đa tiềm lực của đất. Đồng thời kết nối nông dân lại với nhau và tăng cương mối
liên kết với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao theo hướng
hàng hóa, mang tính bền vững. Nét mới dễ nhận thấy nhất trên đồng ruộng
là trong tổng số 3.775 ha đất lúa và gần 1.500 ha đất màu trên địa bàn huyện đã có 1540 Ha được cải tạo mặt bằng,
chỉnh trang đồng ruộng được 724 ha; kiên cố hóa 76 km kênh mương và 25 km đường giao thông nội
đồng, kéo 98 km đường điện để nông dân
đóng giếng phục vụ tưới đất màu. Toàn huyện đã xây dựng được 11 cánh đồng kỹ
thuật với 372 ha, chuyên sản xuất lúa giống và cơ cấu sản xuất lúa lai, lúa
chất lượng cao. Và nhiều cánh đồng chuyên canh sản xuất rau theo hướng an toàn, cây công nghiệp hằng năm và cây thực
phẩm.
Qua thực tiễn sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn đối với cây lúa trên đồng đất Duy
Xuyên cho thấy, đã đạt
được 5 giảm: giảm lượng giống
do ngâm ủ tập trung và sạ bằng công cụ sạ hàng; giảm chi phí làm đất do phương
tiện đảm bảo liên hoàn; giảm
số lần phun thuốc trừ sâu bệnh
do công tác dự báo kịp thời và phòng trừ đồng bộ; giảm chi phí nước tưới nhất
là các trạm bơm điện, tiết kiệm được nguồn nước từ hồ đập, đồng thời vừa giảm
chi phí làm đất và thu hoạch do đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, vừa giải phóng
sức lao động cho người nông dân. Và đạt được 2 tăng, tăng từ 10 - 15% năng suất
lúa; lợi nhuận tăng từ 4 - 8 triệu đồng/ha. Và đối với cây công nghiệp hằng năm,
cây thực phẩm, như: cây ớt, cây dưa hấu, cây lạc, ngô, rau sạch được cơ cấu
luân canh, xen canh cho giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích từ 150
- 250 triệu đồng/ha, không ít hộ vươn lên thoát nghèo và khá giả nhờ thu nhập trên chính mảnh đất quê nhà.
Ông Văn Bá
Năm, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó ban trực xây dựng
nông thôn mới huyện nhận định về tương lai đầy hứa hẹn từ những cánh đồng mẫu
lớn: “Huyện tạo điều kiện cho các địa
phương liên kết với các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất các loại cây trồng có
chất lượng, hiệu quả cao hơn hiện nay, theo phương thức liên kết giữa nhà nông,
nhà kỹ thuật, và doanh nghiệp tạo chuổi giá trị sản phẩm cao, tăng thu nhập cho
người nông dân”
Điều quan trọng và có nhiều ý nghĩa
nhân văn hơn là người nông dân ngày càng gắn bó, đoàn kết, thắm đượm tình làng
nghĩa xóm, làm quen dần với sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, biết tôn
trọng chữ tín trong liên kết với doanh nghiệp và các loại hình hợp tác, hài hòa
lợi ích với bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Trong bộn bề công việc thời điểm cuối
năm cũ, chuẩn bị đón năm mới Ất Mùi, nhìn đồng ruộng vào xuân mới bao sắc màu
tươi tắn, là người dân Duy Xuyên anh hùng chúng ta có quyền hy vọng vào một năm
mới với bao điều hứa hẹn tốt lành ./.
Quang Giác