Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 1.9.2011) của Tỉnh ủy khóa XX về phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Duy Xuyên đã đạt được những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân vẫn là bài toán khó.
Thành quả bước đầu
Ông Hồ Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết, mỗi vụ nông dân trên địa bàn gieo sạ 280ha lúa. Đến nay số diện tích này đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, thi công kết cấu hạ tầng thủy lợi tạo thuận lợi đưa máy móc vào sản xuất. Cạnh đó, địa phương cũng chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật tiên tiến, du nhập nhiều loại giống mới về hỗ trợ người dân canh tác đại trà nên 5 năm qua liên tục được mùa. Nếu năm 2010 năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 50 tạ/ha thì nay tăng lên 57 tạ/ha. Duy Tân cũng chú trọng quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh cây ớt, dưa leo Nhật Bản và một số loại rau màu khác với hơn 10ha đất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững vì tiềm ẩn lắm rủi ro. Ảnh: HOÀI NHI
Để nhanh chóng hình thành các mô hình canh tác cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa, những năm gần đây xã Duy Trinh đã kéo 20km đường dây điện, lắp đặt hơn 150 công tơ và hệ thống đường ống dẫn nước nhằm thủy lợi hóa 137ha đất màu. Nhờ đó, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động bố trí luân canh, xen canh, gối vụ các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, mỗi năm 1ha đất mang lại thu nhập 100 - 120 triệu đồng. Không chỉ vậy, Duy Trinh cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án sản xuất nông nghiệp, nhất là ưu tiên hỗ trợ phát triển đàn bò. Tính đến đầu tháng 5.2016, tổng đàn bò của xã khoảng 2.500 con, trong đó giống bò lai chiếm 90%.
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, 5 năm qua Huyện ủy Duy Xuyên thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện một cách có hiệu quả. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, huyện linh hoạt điều chỉnh cơ cấu giống, lịch thời vụ và tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng gắn với đầu tư thi công hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng. Theo thống kê, năm 2015 bình quân 1ha đất canh tác của huyện đạt giá trị 70 triệu đồng, có nơi lên đến 100 - 150 triệu đồng, tăng gấp 5 - 7 lần so với năm 2010. Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, nghề khai thác thủy hải sản cũng có bước đột phá. Nhờ ngư dân mạnh dạn cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn nên sản lượng đánh bắt hàng năm tăng bình quân 7,4%.
Chưa bền vững
Theo ông Trần Văn Đồng – Bí thư Đảng ủy xã Duy Sơn, qua 5 năm thực hiện chương trình phát triển “tam nông” gắn với xây dựng NTM, địa phương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhưng vẫn còn không ít thách thức. Trước hết là trong nông nghiệp, việc liên kết giữa nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà nước – nhà khoa học chưa chặt chẽ. Ví dụ như trong vụ đông xuân 2014 - 2015, Hợp tác xã Duy Sơn 2 liên kết với Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa sản xuất 13ha giống lúa AC5 và Thảo dược VH1. Theo hợp đồng, sau khi hoàn thành việc gieo sạ lúa hè thu 2015, doanh nghiệp sẽ đến thu mua sản phẩm của vụ đông xuân trước. Tuy nhiên, dù nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp yêu cầu thu mua lúa giống cho nông dân nhưng đơn vị này cứ hẹn mãi với lý do chưa sắp xếp được thời gian thu mua, vận chuyển sản phẩm. Cuối cùng, sự thất tín của doanh nghiệp khiến cả lãnh đạo Hợp tác xã Duy Sơn 2 lẫn xã viên đều lao đao. Ông Đồng chia sẻ thêm: “Mặc dù địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 song thành quả này rất mong manh. Đối với Duy Sơn, cái khó hiện nay là tiêu chí thu nhập dễ tụt khỏi tầm tay bởi đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng lĩnh vực này thì lắm rủi ro. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn bất cập, rõ nhất là sau khi kết thúc các khóa đào tạo thì chẳng mấy ai mặn mà theo nghề. Không chỉ vậy, Duy Sơn đất rộng người đông và đa dạng thành phần tín ngưỡng tôn giáo nên chỉ cần có một sự việc nghiêm trọng xảy ra là mất ngay tiêu chí về an ninh trật tự”.
Còn ông Trương Công Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Duy Thành thì cho rằng, dù thời gian qua Nhà nước đã đầu tư khá nhiều cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Dễ nhận thấy nhất là những năm qua tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, trong khi đó giá bán các loại nông sản chủ lực thì lại liên tục biến động theo chiều hướng xấu. Ông Thanh nói: “Hiện nay Duy Thành đã hoàn thành 11 tiêu chí xây dựng NTM và phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ cán đích. Tuy nhiên, chặng đường từ nay đến đó chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn bởi các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn đang thiếu hụt nguồn lực đầu tư, trong khi những tiêu chí khác lại thiếu tính bền vững như văn hóa, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, môi trường”.
Cùng với việc tập trung phát triển sản xuất, huyện Duy Xuyên cũng tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, 5 năm qua địa phương đã bê tông hóa 130km giao thông nông thôn, 29km giao thông nội đồng. Những hồ chứa lớn gồm Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc, Khe Cát và một số trạm bơm điện được nâng cấp đã đáp ứng tốt việc cung ứng nước tưới cho hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu. Ngoài ra, huyện còn tiến hành xây mới, sửa chữa nhiều ngôi chợ như Trà Kiệu, Phú Đa, La Tháp. Cơ sở vật chất trường lớp cũng ngày càng khang trang, đảm bảo các điều kiện đạt chuẩn theo quy định. Ông Mạnh nói: “Từ năm 2011 tới nay Duy Xuyên đã huy động gần 1.200 tỷ đồng để xây dựng NTM. Nhờ vậy, đến cuối năm 2015 huyện có 4 xã đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,3 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm 17,7% so với cách đây 5 năm”.Ông Nguyễn Quang Mạnh nhìn nhận, qua 5 năm thực hiện “tam nông” gắn với xây dựng NTM, bên cạnh những kết quả đáng mừng, Duy Xuyên vẫn còn đối mặt với nhiều trở lực, nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, mức độ cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn thấp. Ông Mạnh nói: “Mặc dù tỉnh và huyện đã có nhiều cơ chế khuyến khích nhưng việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn còn nhiều hạn chế. Một số hợp tác xã chưa phát huy tốt vai trò bà đỡ, hỗ trợ nông dân trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Các ngành nghề nông thôn phát triển chậm, thiếu chú trọng xây dựng thương hiệu, sản phẩm nổi bật mang tính hàng hóa. Ngoài ra, hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất và dân sinh dù được cải thiện nhưng không đồng bộ. Nhiều địa phương tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chưa gắn với phát triển sản xuất…”.
HOÀI NHI