Ở làng quê nghèo đầy nắng gió và cát trắng có một phụ nữ
nghèo giàu lòng nhân ái. Hàng chục năm nay, chị một mình lặn lội làm thuê, buôn
bưng, bán gánh nuôi đứa con tật nguyền và chăm sóc một người đàn ông nghèo mù
lòa, không nơi nương tựa.
Chị Chấn chăm sóc cụ Lượm
Đó là nghĩa
cử đẹp của chị Nguyễn Thị Chấn (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) được
người dân và chính quyền ví như người phụ nữ nghèo tử tế hiếm hoi.
Chị nói như
chuyện bình thường, hồn nhiên và không chút sắp đặt khi kể về cuộc sống của
mình. Tôi nghĩ đến chuyện làm phước ở đời, nhón tay giúp người khó như là thiên
tính trời cho ở cái gọi là người. “Thì mình ráng thêm một bước, một tay thôi,
khổ thì cũng đã khổ rồi” - lời chị lọt giữa nắng gắt đầu hạ. Tôi nghĩ đến đoạn
đường chị đã và đang đi, ráng tìm một chữ nào đó diễn tả cho đủ, nhưng không
nghĩ ra được.
Mười năm
trước, một hôm chị Chấn qua thăm nhà ông Nguyễn Văn Lượm cách nhà chị một căn
khi ông đang nấu cơm chiều. Ngạc nhiên khi thấy rác, lá dương liễu khô rớt đầy
trong nồi cơm. “Răng rứa bác?”. Trả lời câu hỏi của chị là giọng người già yếu
ớt: “Bác có thấy chi mô”. Ông Lượm sinh năm 1918. Vợ mất cũng chừng được 10
năm. Có đứa con trai bị câm, hàng ngày dẫn ông đi xin rồi cũng mất vì bệnh. Ông
bị mù từ nhỏ. Thân thiết chẳng còn ai. Lần đó làm chị suy nghĩ nhiều về người
đàn ông mù, sống một mình. Rồi chị quyết định nấu ăn giúp ông ngày 3 bữa. Và
thế là chị bắt đầu ngày tháng chị vướng nghiệp… tử tế. Sáng-trưa-tối, ngày
nắng-ngày mưa chị lo cơm nước cho ông. Người già nên cáu kỉnh, phải chiều. Ông
yêu cầu, không ăn cơm được thì phải nấu cháo. “Chị đi chợ về là quăng xe đạp
mang bánh, chè qua cho ông ăn nửa buổi, không thì ông nhắc. Mưa gió nửa đêm gà
gáy cũng phải nấu cháo đưa qua. Mà đâu chỉ mỗi chuyện ăn uống, lại phải gánh
nước tắm rửa cho ông vì nhà cụ Lượm không có nước, người già nằm một chỗ, không
chủ động được khâu vệ sinh cá nhân, có bữa đi làm về mệt quá, mà cụ Lượm đi vệ
sinh đầy giường, chị nổi điên với chính mình, nghĩ răng số mình lạ ri? Chẳng bà
con thân thuộc, làm không công, hàng xóm nhiều người nói răng chị ngu rứa, chừ
đi ở thuê ngó nhà chăm người già con nít, bét cũng 3 triệu mỗi tháng, còn mình
mua đồ ăn cho ổng từ tiền túi, rứa mà không bỏ được”. “Chị thu nhập bao
nhiêu/tháng?”. “Có thu nhập chi mô, sáng lấy mấy chục bánh mỳ ở tiệm ra chợ Nồi
Rang bán, trả tiền gốc cho chủ tiệm rồi còn lời được mấy chục ngàn, đủ mua cá
mắm cho chị và con trai cùng ông. Làm chi có tiền hả em!” - chị tâm sự.
Tôi đi cùng
chị qua chỗ cụ Lượm. Ông bị mù, đã 98 tuổi, yếu lắm rồi nhưng nói năng còn tỉnh
táo, rằng nhờ nó chứ không thì tui chết lâu rồi. Còn chị vừa lau mặt cho ông,
vừa nhẹ nhàng rằng ổng nói con giúp ông, sau này ông chết phù hộ cho con, chị
cũng nghĩ vậy, nên cứ giúp, hạn hẹp tính tới tính lui làm chi, ở đời làm người
không thể khác. Chị nói: “Cụ Lượm hưởng chế độ người đơn thân già yếu mỗi tháng
được hơn trăm ngàn, tiền đó tộc họ giữ để lo hậu sự cho ổng về sau, chứ chị
không biết đến, kệ, trời thương cho mình khỏe mạnh là được rồi, ông cụ già yếu
lại nghèo thân cô thế cô, mình không giúp thì ai làm…”. Chị Chấn lau chiếc khăn
ướt làm khuôn mặt đầy nếp nhăn của cụ Lượm dãn ra thư thái. Đôi bàn tay già nua
dường như cố gắng nắm lấy bàn tay đen đúa của chị Chấn thật chặt. Mấp máy thật
lâu nhưng không thốt lên lời.
Chị nuôi đứa
con trai đã trưởng thành nhưng bị liệt nửa người, phải lo tắm rửa ăn uống cho
con. Nỗi khổ chồng chất. Tôi nghĩ đến đức hy sinh vì người khác, như nghiệp dĩ,
như phận phải vậy, nhưng cũng nghĩ tâm đức ở người đàn bà vùng cát này lớn hơn
cái gọi là định phận trời bắt làm phúc, bởi chị nếu muốn là quay lưng ông già
Lượm ngay. “Bỏ ông cụ một mình thì cũng chẳng ai trách chi chị, nhưng không
được, lỡ cụ Lượm có bề gì thì mình đau đớn lắm. Ổng bị lở tai, kêu y tá chích
thuốc họ cũng sợ lây không làm, chị mua bông băng về tự tay làm sạch vết
thương”. “Chị lo nhất điều chi?”. “Không ở chung, sợ ông cụ già yếu nửa đêm có
chuyện gì xảy ra mình không biết…”.
Cơn gió mùa
hè lồng qua mái hiên rách nát đẩy câu chuyện đứt quãng, mang theo những khó
nhọc nhưng tắm mát tâm hồn người phụ nữ nghèo tử tế này.
MỘC MIÊN - CHÂU NGUYỄN