Thi hữu quán - đó là tên của quán cà phê mà cũng là một thư quán thơ mộng
- nằm ở thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Trần Phước Ninh (giữa) và trẻ em đọc sách tại Thi hữu quán - Ảnh: Quang Cân
13 tuổi, từ một cậu
học trò Trường THPT Sào Nam lành lặn, chỉ sau cơn bạo bệnh, Trần Phước Ninh trở
thành người có đôi chân không cân xứng, đôi tay lèo khoèo và khuôn miệng méo đi
khiến Ninh phát âm từ nào cũng không tròn vành rõ chữ. Năm 24 tuổi, nghĩ mình
vô dụng, xin phép mẹ, Ninh mang theo một túi xách, đón xe vào TP.HCM
tìm kế sinh nhai.
Tại TP.HCM, sư Thích
Nhuận Tâm - trụ trì chùa Lá (Q.Gò Vấp), cưu mang để Ninh có điều kiện đi
bán vé số. Cơ cực ở TP.HCM 10 năm, Ninh quay về Đà Nẵng tiếp tục bán vé số.
Sau gần 20 năm mưu sinh, gia tài giá trị của anh là những bài thơ được đăng
trên nhiều báo. Mang gia tài ấy, Ninh quay về quê mẹ mở quán mang tên Gió Lùa
để bán cà phê.
Khách của quán là
nông dân và những người yêu văn chương như Ninh. Một lần, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê
Hải kể anh em văn nghệ yêu thơ Ninh thấy mẹ Ninh - cụ bà còng lưng - bẻ
từng cọng vách tre rách làm củi đun mới vận động xây cho một căn nhà
mang tên “Thi hữu quán”.
Song quán ấy chỉ giàu
văn chương nên thỉnh thoảng một vài nhà hảo tâm ở khắp nơi có hỗ trợ Trần Phước
Ninh “từ một máy tính xách tay, cả nghìn tập vở, có khi là tiền hỗ trợ...”.
Thật ngạc nhiên, tất cả những tấm lòng, của cải ấy, Ninh lại gom góp và chia sẻ
với những hoàn cảnh nghèo khó quanh mình.
Trần Phước Ninh tâm
sự: “Suốt bao nhiêu năm nay, mình đón nhận rất nhiều tấm chân tình của nhiều
người có khi chẳng quen. Biết là họ kỳ vọng ở mình nhiều lắm, nên mình cũng
muốn được chia sẻ”. Hình thức của sự chia sẻ ấy là nhiều chuyến đi từ thiện ở
nhiều xã của huyện Duy Xuyên.
Và cụ thể nhất là lập
quán sách mở cửa thường xuyên cho bạn đọc hoàn toàn miễn phí. Ban đầu cho đọc
tại Thi hữu quán, sau đó anh làm thẻ thư viện cho bạn đọc mang về, vài hôm sau
lại đem trả. Từ quản thư, chọn lọc sách, phân loại đến làm thẻ, đánh dấu,
chuyển đổi sách đều một tay anh làm.
Ban đầu, từ khoảng
100 đầu sách, nay sau sáu tháng hoạt động, thư viện miễn phí của Ninh đã tăng
lên gần 4.000 đầu sách ở nhiều thể loại, quán sách của Ninh gần như là một thư
viện tổng hợp. Chính vì sự phong phú này, cô Trương Mỹ Nga, quản thủ thư viện
của Trường THPT Sào Nam, huyện Duy Xuyên, sẵn lòng giúp đỡ chuyên nghiệp hơn
trong khâu quản lý bằng tinh thần tự nguyện. Nhiều kiện sách ở khắp nơi cũng
được chuyển đến để tài trợ cho thư viện của Ninh.
Hè về, thư viện miễn
phí Thi hữu quán ngày một đông. Người đến tặng sách, kẻ đến đọc sách, mượn về.
Ai cũng mong thư quán này ngày một phát triển, nhiều sách hơn, nhiều tấm lòng
hơn.
Riêng người chủ quán
40 tuổi bộc bạch giản dị: “Chân thành cảm ơn những tấm lòng phương xa đã giúp
đỡ những đứa trẻ ở quê nghèo này được đến với thế giới rộng lớn từ trang sách,
gieo cho các em thói quen đọc sách ngay từ lúc nhỏ”.
Nguyễn Lương Hiệu