Trước tình hình nhiều loại sâu bệnh gây hại trên những cánh đồng lúa hè thu, huyện Duy Xuyên đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm giúp nhà nông phòng trừ hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại…
Ông Đinh Xuân Ánh ở thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn) phải gấp gáp mang bình bơm phun thuốc trừ bệnh khô vằn và rầy nâu cho 4 sào lúa hè thu của ông đang bước vào giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ bông. Bởi mấy ngày nay một số loại sâu bệnh bùng phát mạnh, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt gạo. “Hiện tại, thời tiết tương đối thuận lợi cho rầy nâu, bệnh khô vằn phát sinh bởi ban ngày trời nắng nóng, còn chiều tối lại hay có mưa dông. Nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, chắc chắn rầy nâu và bệnh khô vằn sẽ gây hại trên diện rộng” - ông Ánh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó ban nông nghiệp xã Duy Sơn, vụ này nông dân toàn xã gieo sạ 464ha lúa hè thu. Qua thống kê cho thấy, những ngày qua tại địa phương đã có ít nhất 200 sào lúa bị nhiễm nặng rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, chủ yếu tập trung ở các cánh đồng Gò Vàng, Bàu Họ, Đồng Cả…
Hiện nay, bà con nông dân ở các nơi khác của huyện Duy Xuyên cũng đang tích cực thăm đồng, xác định mức độ sâu bệnh gây hại trên ruộng lúa để phun thuốc phòng trừ đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nguyễn Hưng - Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Duy Xuyên cho biết, hè thu năm nay nông dân trên địa bàn huyện sản xuất tổng cộng 3.641ha lúa, chủ yếu là các giống Xi23, Đài thơm 8, BC15, Nhị ưu 838, HT1. Đến thời điểm này, hầu hết cánh đồng lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng - trổ bông. Tuy nhiên, thời tiết trong những ngày qua nắng mưa xen kẽ đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa khiến sâu bệnh phát sinh, gây hại mạnh. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 386ha lúa bị các loại sâu bệnh tấn công. Trong đó, rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện với mật độ bình quân 500 - 700 con/m2, nơi cao lên đến 7.000 con/m2, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Phú, Duy Tân, Duy Sơn, Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh. Ngoài ra, nhiều cánh đồng lúa cũng đang bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ hại 10 - 20%, nơi cao 50%; bọ xít đen xuất hiện trên ruộng với mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, cá biệt có vài vùng lên đến 50 con/m2.
Bên cạnh đó, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, bệnh thối thân cũng gây hại trên một số chân ruộng gieo sạ bằng giống lúa TBR225, VN121, HT1. Trước tình hình này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Duy Xuyên đã nhanh chóng phối hợp với 2 địa phương trọng điểm là Duy Sơn và Duy Trung huy động hàng chục máy bơm, tổ chức 2 đợt ra quân phun thuốc tập trung nhằm cắt đứt cầu nối các loại dịch hại. Ngoài ra, đơn vị còn mở các lớp tập huấn cho hơn 500 nông dân để hướng dẫn chi tiết cách phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao nhất. UBND huyện Duy Xuyên vừa có Công điện số 02/CĐ-UBND yêu cầu các ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải thường xuyên phối hợp kiểm tra đồng ruộng, tích cực đôn đốc, hỗ trợ nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng trừ, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch...
HOÀI NHI