A+ A A-

Loay hoay phát triển làng du lịch

       Một “cú hích” từ du lịch đang là điều các địa phương mong đợi để phát triển kinh tế. Nhưng liệu có phải cứ tận dụng cảnh quan và ồ ạt dựng nên nhiều sản phẩm du lịch, là thành công? Phát triển nên những ngôi làng du lịch thu hút du khách, cần nhiều thứ hơn, bắt đầu từ sự chuẩn bị…

          CHƯA ĐÚNG HƯỚNG

          Việc phát triển vội vã, không khảo sát thị trường khách, không theo quy hoạch đã khiến nhiều làng quê “vỡ mộng” với giấc mơ du lịch.

          “Ngắc ngoải” những làng du lịch

          Dự án làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đến nay vẫn là câu chuyện buồn chưa có hồi kết. Đã hơn 4 năm kể từ ngày khai trương làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên), ước mơ về một điểm đến hấp dẫn bên ngoài di sản thu hút đông đảo du khách tham quan, lưu trú vẫn chưa thành hiện thực. Những tấm bảng chỉ dẫn vào làng cũng đã xám cũ, như khao khát của người dân về giấc mơ du lịch đã bị xói mòn. Ông Võ Văn Xoa - Tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn cho biết, khách tới làng ngày càng vắng, từ đầu năm đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tỉnh, huyện không hỗ trợ gì, kể cả doanh nghiệp cũng không, chủ yếu làng vẫn tự thân vận động tìm khách từ cách đưa thông tin lên facebook. “Khi nào có khách thì hoạt động còn không thì bà con cũng phải lo bươn chải việc khác. Mình là nông dân nên chẳng biết kế hoạch, định hướng, quảng bá gì cả, cơ bản vẫn mong có khách thôi. Dự án đã cho mình cái cần câu rồi bây giờ tự đi câu thôi, chứ chẳng biết trông chờ vào ai” - ông Xoa nói.

        Trái ngược với làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) dù có khách nhưng vẫn “chết”. Sự nghịch lý chủ yếu do làng chưa thể xây dựng được cơ chế quản lý khai thác chặt chẽ, nhất là sự phối hợp với doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến. Khách tham quan làng không theo tour tuyến quy định, kể cả phí tham quan vào các hộ nghề cũng tùy tiện. Theo ông Khương Văn Hưu - Trưởng ban điều hành làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, khách đến làng rất nhiều nhưng cộng đồng không thu được đồng nào, một số hộ may mắn có khách ghé thăm hoặc thuê chèo thuyền thúng tham quan rừng dừa nhưng số tiền nhận được quá ít nên không thể trích lại cho làng. “Bây giờ rừng dừa đã giao cho công ty tư nhân quản lý, mỗi khi có khách thì họ thuê dân chèo chở khách tham quan rừng dừa, nhưng tiền công trả thì chỉ 15 – 20 nghìn/chuyến. Rồi khách vào xem dệt chiếu cói nhà dân họ cũng chỉ trả chừng đó tiền, nếu mình đòi cao hơn thì họ không đến nữa. Nói chung các công ty lữ hành hưởng hết, đa số người dân chẳng được gì, ngoài mấy nhà nấu ăn hay dạy nấu ăn thỉnh thoảng có khách có thu nhập nhưng số này không nhiều” - ông Hưu nói.

       Làng Trà Nhiêu bao năm nay vẫn... đợi khách. Ảnh: Q.L

Làng Trà Nhiêu bao năm nay vẫn... đợi khách. Ảnh: Q.L     

        Người dân không hưởng lợi, không có nguồn lực đầu tư nên cơ sở hạ tầng tại làng đã bắt đầu xuống cấp. Đặc biệt, chiếc cầu tre bắc ngang qua rừng dừa phục vụ khách tham quan, nhiều đoạn đã mục gãy rất nguy hiểm nhưng vẫn không được sửa sang thay thế, còn dưới nước rác thải rất nhiều nhưng không có người thu dọn. Ông Hưu cho rằng, mong muốn của làng là tất cả đơn vị lữ hành đến Trà Nhiêu đều phải có trách nhiệm với cộng đồng vì thực tế bao năm qua người dân không có nguồn thu gì đáng kể từ du lịch. “Trong khi làng vận động dân cắt chè tàu, dọn cỏ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… còn các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan làng miễn phí, nếu có trả tiền thì cũng vài nghìn như bố thí nên dân rất buồn” - ông Hưu bức xúc.

          Xác định thị trường khách

          Làng Trà Nhiêu hay Mỹ Sơn chỉ là một trong những thất bại của cách làm du lịch vội vã, không bám sát thị trường, không tìm hiểu nắm bắt tâm lý khách. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, lý do khiến Trà Nhiêu, Mỹ Sơn chưa như mong muốn, đầu tiên do năng lực tổ chức cộng đồng chưa cao, nhất là năng lực tổ chức, huy động cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch, và sau cùng là chưa xây dựng được sản phẩm tốt. “Chúng ta hay nói đến vấn đề quy hoạch, nhưng quy hoạch cũng chỉ nói thế thôi, cái quan trọng nhất quyết định sản phẩm vẫn chính là thị trường. Anh quy hoạch nhưng không định ra được thị trường, không định ra được sản phẩm thì không ổn. Phải xác định sản phẩm đó phục vụ thị trường nào. Còn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chỉ là hỗ trợ. Hỗ trợ về chính sách, an ninh trật tự…, quan trọng nhất vẫn là người dân và doanh nghiệp chứ không thể trông đợi hoàn toàn vào vai trò nhà nước. Nhà nước chỉ đóng vai trò “bà đỡ” chứ không thể bảo khách du lịch phải đi đến chỗ này hay đến chỗ khác được, nên sản phẩm và thị trường mới là yếu tố quyết định” - ông Hài phân tích.

         Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đang dần thưa vắng khách. Ảnh: V.Lộc

Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đang dần thưa vắng khách. Ảnh: V.Lộ       

        Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn hay Trà Nhiêu không như kỳ vọng là ngay từ đầu đã không xác định được thị trường khách và sản phẩm đặc trưng của làng có thể hút khách. Bên cạnh đó, các làng đã không có sự kết nối vững chắc với doanh nghiệp lữ hành - đối tác đóng vai trò cầu nối đưa khách đến. Ông Đinh Hài cho rằng, điều này đang dần thay đổi khi một vài doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào Trà Nhiêu và Mỹ Sơn. Đặc biệt, Trà Nhiêu đang có cơ hội mới khi được doanh nghiệp tích cực xúc tiến đầu tư. Theo ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality, hiện tại ông cùng nhóm bạn của mình làm giấy chứng nhận đầu tư vào Trà Nhiêu theo mô hình làng du lịch sinh thái, nhằm tái hiện làng quê sinh thái với các chương trình tour trải nghiệm tại rừng dừa cũng như xây dựng một resort mang phong cách làng quê cao cấp. “Sau khi quy hoạch, giải tỏa xong sẽ đưa người dân vào lại sinh sống làm việc bên trong, khách sẽ trải nghiệm văn hóa sống của người dân cùng với trải nghiệm rừng dừa, kết hợp những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Dự kiến năm 2018 sẽ triển khai thi công trên diện tích hơn 30ha, kinh phí đầu tư 90 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2019 sẽ bắt đầu đưa tour trải nghiệm vào, tiếp sau là lưu trú, rồi đến các chương trình sự kiện chợ quê…, dành cho đối tượng khách cao cấp” - ông Thanh cho biết.     

     Những ngôi làng đã được định danh, còn chật vật tìm lối đi. Trong khi đó, hàng loạt sản phẩm du lịch vừa khai trương trong dịp Festival Di sản Quảng Nam, vẫn chưa có tín hiệu mới.

LÊ QUÂN - VĨNH LỘC

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19660954
Hôm nay
Hôm qua
2102
12560