Dịp nghỉ lễ 2.9 vừa rồi, lên xã Duy Phú (Duy Xuyên) có chút việc riêng, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Bảy Nhuận Sơn. Nghe hỏi tình hình sản xuất nông nghiệp, anh Bảy hồ hởi kể về mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa canh tác kém hiệu quả. Theo anh Bảy, gia đình anh có 5 sào ruộng lúa nằm ở khu vực trũng thấp, do đất đai không màu mỡ và các loại sâu bệnh nguy hiểm thường xuyên bùng phát nên lâu nay vụ nào năng suất cũng đạt thấp. Không chỉ vậy, vì địa hình quá khó khăn nên việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ khâu làm đất, thu hoạch không thể thực hiện được khiến anh phải sản xuất bằng thủ công dẫn đến tốn rất nhiều công lao động.
Cách đây hơn 3 năm, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, anh Bảy tiến hành cải tạo toàn bộ số diện tích đất lúa vừa nêu để chuyển sang trồng sen chuyên canh và thực tế cho thấy hướng này mang lại nguồn thu nhập tương đối cao. Anh Bảy nói: “Từ giữa đến cuối tháng Giêng âm lịch là thời điểm rất thích hợp để xuống giống sen. Gần 4 tháng sau, cây sen bắt đầu cho thu hoạch lứa đài đầu tiên và kéo dài đến hết tháng 9 dương lịch. Chú Tư mi biết không, sen là loại cây rất dễ trồng, không cần dùng thuốc kích thích cũng như thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư thấp và ít tốn công chăm sóc, trong khi đó sản phẩm lại được thị trường tiêu thụ mạnh. Đầu năm 2015 đến nay, bình quân mỗi mùa tui hái được 700kg hạt sen tươi từ 5 sào ruộng ấy. Bán sỉ ngay tại nhà cho tư thương với giá 1kg là 30 nghìn đồng thì tổng giá trị đạt 21 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với trước đây gieo sạ lúa, đó là chưa kể khoản thu 15 - 20 triệu đồng từ việc thả nuôi cá tràu, cá rô, ốc bươu đen trên ruộng sen”.
Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho hay, năm 2013 một số nông dân trong xã tiến hành chuyển đổi thí điểm 6ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Thấy giá trị kinh tế mang lại cao nên thời gian qua nhà nông trên địa bàn tích cực đầu tư nhân rộng mô hình này và đến nay toàn xã đã có 28,2ha đất lúa thường cho năng suất thấp được chuyển sang trồng sen theo phương thức chuyên canh kết hợp với nuôi cá nước ngọt và ốc bươu. Số diện tích nêu trên tập trung ở quê của anh Bảy và 4 thôn khác gồm Mỹ Sơn, Bàn Sơn, Chánh Sơn, Trung Sơn. Bình quân mỗi vụ, 1ha đất canh tác lúa chuyển sang trồng sen và thả nuôi các loại cá, ốc cho người dân mức thu nhập 75 - 85 triệu đồng, cao hơn 50 - 55 triệu đồng so với trồng lúa. Hiện UBND xã Duy Phú tiếp tục lập phương án để vận động nhà nông chuyển thêm 10ha đất lúa nằm ở vùng thấp trũng và thường sản xuất kém hiệu quả sang trồng sen, trong đó thôn Mỹ Sơn chiếm phần lớn diện tích.
TƯ RUỘNG