Dù tập trung nguồn lực đầu tư nhưng hạ tầng giao thông (HTGT) trên địa bàn huyện Duy Xuyên vẫn còn tồn tại với các hạng mục xuống cấp hoặc chưa được xây dựng, cần sớm kiện toàn.
Trên công trường thi công cầu Hà Tân mới. Ảnh: C.T
Nỗ lực đầu tư
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động của Công ty CP Đạt Phương bắt tay ngay vào thực hiện các hạng mục trên công trường xây dựng cầu Hà Tân, thuộc địa phận xã Duy Vinh (Duy Xuyên).
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Duy Xuyên (chủ đầu tư) - ông Đặng Hữu Phúc cho hay, cầu Hà Tân mới được khởi công xây dựng vào ngày 31.10.2019, thời hạn hợp đồng 18 tháng. Tổng mức đầu tư công trình gần 50 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ 35 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện. Cầu Hà Tân mới này sẽ thay thế cho cầu cũ xuống cấp, lại bị sự cố lún ở vị trí trụ số 9 và số 13 vào mùa mưa bão năm 2017 khiến cho nhịp có thể bị rơi bất cứ lúc nào.
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), chính quyền cấm không cho lưu thông qua cầu. Đồng thời, địa phương hướng dẫn người dân đi vòng, rồi làm cầu tạm bắc qua sông Bàn Thạch cách đó một khoảng xa nhằm đảm bảo lưu thông an toàn.
Tại công trường xây dựng cầu Hà Tân mới, đến giữa tháng 2 này, nhà thầu Đạt Phương đã thi công được 1 mố, 1 trụ, đúc xong 9/21 dầm cầu và đang chuẩn bị lao dầm cho 1 nhịp… Giá trị khối lượng thực hiện đạt 30%, trong tổng giá trị xây lắp 42 tỷ đồng.
Kỹ sư Chu Văn Tiên - Chỉ huy công trường Công ty CP Đạt Phương chia sẻ, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, quyết tâm đưa công trình cầu Hà Tân có tổng chiều dài 566,46m (phần cầu dài 237,36m, khổ rộng 7m; đường dẫn dài 329,1m, mặt cắt ngang rộng 7,5m) vào sử dụng trước mùa mưa năm nay.
Cầu Hà Tân hoàn thành không chỉ đảm bảo lưu thông thuận lợi cho người dân xã Duy Vinh và xã Cẩm Kim (TP.Hội An) đến trung tâm Duy Xuyên, mà còn góp phần hoàn thiện HTGT liên vùng nối huyện Duy Xuyên với TP.Hội An, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đặng Hữu Phúc cho hay, năm nay Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Quỹ đất huyện Duy Xuyên được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư xây dựng đường ĐH3.DX, đoạn dài khoảng 1,8km với tổng mức 14,9 tỷ đồng. Công trình có quy mô mặt cắt rộng 13,5m (mặt đường rộng 9,5m, lề mỗi bên 2m), đoạn qua khu dân cư có mương thoát nước dọc. Vẫn trên tuyến ĐH3.DX, năm 2020 địa phương sẽ nâng cấp, mở rộng tiếp 1,3km theo Đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH (giai đoạn 2015 - 2020) của tỉnh. Quy mô thực hiện rộng 13,5m, trong đó mặt đường bê tông nhựa rộng 9,5m với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng (huyện bố trí kinh phí cho phần mở rộng ngoài đề án - PV). Cũng từ đề án, huyện tiếp tục nâng cấp, mở rộng 2,2km chiều dài tuyến ĐH21.DX (tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng) và 0,4km tuyến ĐH8.DX (kinh phí 2 tỷ đồng); kết cấu mặt đường bê tông xi măng cả 2 tuyến rộng 5,5m.
Nhiều trăn trở
Nhiều năm qua, người dân thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu gặp khó khăn trong lưu thông bởi điểm nghẽn tại đoạn đường bê tông băng tràn lòng sông nối quốc lộ (QL) 14H vào thôn. Đến mùa mưa bão, lũ lụt chưa đến mức báo động 2 thì đoạn đường này ngập sâu, người dân phải sử dụng đò ngang nên nguy cơ mất ATGT rất cao. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều mong muốn được đầu tư xây dựng một cây cầu để đảm bảo đi lại an toàn, thuận lợi.
Ngày 14.12.2018, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam kiến nghị bổ sung vào Hợp phần cầu - Dự án LRAMP xây dựng cầu Lệ Bắc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Bên cạnh đó, tuyến QL14H đi qua địa bàn huyện Duy Xuyên vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Do nâng lên từ tuyến ĐT610 nên mặt cắt ngang đường chưa có sự thay đổi tích cực, nhiều vị trí thường xuyên bị nước băng qua vào mùa mưa lũ. Thời gian gần đây, nền và bề mặt đường bên trái tuyến đoạn từ thị trấn Nam Phước hướng lên phía tây bị sụt lún, nứt nẻ nhiều vị trí. Nguyên nhân chủ yếu do xe tải vận chuyển vật liệu vượt quá tải trọng với mật độ dày đặc. Thực tế vừa nêu khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến càng cao, nhất là vào giờ cao điểm có lưu lượng xe cộ lưu thông đông đúc với hàng nghìn công nhân từ các nhà máy, xí nghiệp đi lại, học sinh đến trường. Do vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm quá tải trọng, quá thành thùng cho phép, gây ô nhiễm môi trường… Về phía địa phương, huyện sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư, sửa chữa lớn những đoạn đường bị xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo ATGT.
Công Tú