Những ngày này, nông dân trên địa bàn Duy Xuyên tập trung thu hoạch rộ vụ ớt đông xuân 2019 - 2020. Trong khi ở nhiều nơi giá ớt rớt thê thảm, thậm chí tư thương không muốn thu mua thì người dân Duy Xuyên lại phấn khởi vì đầu ra của nông sản ổn định nhờ liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo phương thức bao tiêu sản phẩm.
Nhờ liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đông xuân này người dân thôn Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) yên tâm về chuyện đầu ra của cây ớt. Ảnh: HOÀI NHI
Đảm bảo đầu ra sản phẩm
Đông xuân này, ông Nguyễn Kỳ ở thôn Lệ Bắc (Duy Châu, Duy Xuyên) canh tác 2 sào ớt, thời gian qua ruộng ớt phát triển tốt và đạt năng suất không dưới 1,6 tấn quả tươi/sào.
Ông Kỳ bộc bạch: “Liên kết sản xuất với doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, nhất là không phải lo chuyện đầu ra của sản phẩm. Hiện nay, tôi thu hoạch ớt bán cho Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng với mức giá bình quân 5.000 đồng/kg, dự tính vụ này sẽ thu về ít nhất 16 triệu đồng từ 2 sào ớt, trừ chi phí chắc sẽ lãi ròng 10 triệu đồng”.
Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân 2019 – 2020 này, địa phương thu hút 10 doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra các loại nông sản cho nông dân với diện tích gần 250ha như lúa, ớt, đậu xanh... Bình quân 1ha đất liên kết sản xuất nông sản mang lại cho nhà nông từ 75 - 200 triệu đồng/vụ. Theo ông Ánh, các mô hình liên kết sản xuất hiện nay đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, giúp người nông dân yên tâm đầu tư chăm sóc cây trồng, cho ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Đây chính là xu hướng tất yếu để tạo dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Không chỉ ông Nguyễn Kỳ, nhiều hộ dân khác liên kết trồng ớt với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng cũng rất phấn khởi vì họ thu hoạch bao nhiêu ớt thì Hợp tác xã Nông nghiệp Lệ Bắc đại diện đứng ra thu mua hết sản phẩm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp, nếu giá ớt trên thị trường tăng sẽ tiến hành thu mua theo giá thị trường, còn khi giá ớt trên thị trường tụt giảm mạnh, hợp tác xã vẫn thu mua với giá sàn thấp nhất là 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Nhàn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng cho biết, vụ này đơn vị liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Lệ Bắc tổ chức cho nông dân xã Duy Châu sản xuất 35ha ớt theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
“Hiện nay, hàng hóa nông sản xuất đi các nước rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công ty vẫn tiến hành thu mua ớt của nông dân. Đặc biệt, mua đến đâu, doanh nghiệp thanh toán tiền mặt cho nhà nông đến đó theo đúng cam kết trong hợp đồng” – ông Nhàn nói.
Ông Ngô Đình Lục – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên cho hay, Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng về đầu tư, hợp tác làm ăn tại địa phương từ mấy năm nay. Công ty đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ xây dựng nhà làm việc, nhà xưởng, khu chế biến cùng một số hạng mục khác để phục vụ việc sản xuất – kinh doanh.
Doanh nghiệp “khát” vốn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc tập trung thu mua 35ha ớt của người dân trên địa bàn xã Duy Châu theo đúng hợp đồng đã ký kết từ đầu vụ, thời điểm này Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng còn tiến hành thu mua nông sản ở những xã lân cận thuộc các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và một số tỉnh thành trong khu vực miền Trung với diện tích lên đến 70 - 80ha, trữ lượng thu mua dự kiến đạt khoảng 3.000 - 4.000 tấn ớt quả tươi, cao gấp 2 - 3 lần so với vụ đông xuân năm trước. Tuy nhiên, trở lực lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp này là rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ phía các ngân hàng.
Ông Nguyễn Nhàn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng cho biết, do thời gian qua đơn vị đã đầu tư số tiền khá lớn để xây dựng hệ thống nhà kho, nhà làm việc cùng nhiều công trình phụ trợ khác và năm nay công ty thu mua nông sản với số lượng gấp đôi so với năm 2019 nên doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn.
“Trước tình hình này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với đại diện một ngân hàng đóng chân trên địa bàn Duy Xuyên xin vay khoảng 2 tỷ đồng để có tiền thu mua sản phẩm ớt cho nông dân nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Lý do ngân hàng không chịu cho vay là tài sản của công ty như nhà xưởng, nhà làm việc và các công trình khác gắn liền trên đất doanh nghiệp thuê có thời hạn chứ không phải đất sử dụng lâu dài có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp và hội nông dân thời gian tới quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được các kênh vốn vay ưu đãi. Từ đó, công ty chủ động nguồn lực tài chính thu mua sản phẩm phục vụ khâu chế biến xuất khẩu và thanh toán sòng phẳng chuyện tiền nong cho nông dân” – ông Nhàn nói.
HOÀI NHI