A+ A A-

Dự án nuôi tôm lót bạt tập trung ở Duy Xuyên: Tìm hướng đi phù hợp

        Trước tình trạng hàng loạt ao nuôi tôm lót bạt tập trung bị bỏ hoang, chính quyền huyện Duy Xuyên đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào thuê mặt nước, đầu tư sản xuất...

          Nhiều ao nuôi tôm lót bạt tập trung ở xã Duy Vinh bị bỏ hoang trong hơn 4 tháng qua.Ảnh: T.S

Nhiều ao nuôi tôm lót bạt tập trung ở xã Duy Vinh bị bỏ hoang trong hơn 4 tháng qua.Ảnh: T.S         

           Chưa phát huy hiệu quả

          Chúng tôi có mặt tại khu vực bãi Hà Đước (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh) và đội 8 (thôn Triều Châu, xã Duy Phước). Đây là nơi thời gian qua các ngành, đơn vị liên quan ở huyện Duy Xuyên tiến hành cải tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án nuôi tôm lót bạt theo hướng công nghiệp. Theo quan sát của phóng viên, hiện hầu hết ao nuôi tôm đang bị cây mai dương xâm chiếm, một số hồ xuất hiện dấu hiệu sạt lở, hệ thống tiêu dẫn nước hoen gỉ, ngập tràn rác thải. Ông Nguyễn Cang – một người dân ở thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh) cho hay, thời điểm cuối năm 2017, mưa lớn kèm theo nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến một số ao nuôi bị xói lở và một vài đường ống dẫn nước nằm trơ trọi, rất dễ bị vỡ nát. Ông Cang cho biết thêm: “Cách đây hơn 4 tháng, dự án nuôi tôm lót bạt này được xây dựng hoàn thành nhưng thời gian qua hầu hết người dân chỉ đến khảo sát chứ chưa đăng ký tham gia đấu giá nhận ao nuôi để đầu tư sản xuất. Theo tôi, chủ đầu tư cần phải điều chỉnh bờ ao cao hơn hiện tại và đắp đất ngăn các ao nuôi một cách phù hợp. Ngoài ra, cần hạ giá cho thuê diện tích mặt nước. Có như vậy, người dân mới yên tâm tham gia phát triển nghề nuôi tôm”.

          Theo ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, giữa năm 2016 UBND huyện Duy Xuyên tiến hành cải tạo mặt bằng và đầu tư xây dựng dự án nuôi tôm lót bạt tập trung theo hướng công nghiệp. Đến tháng 10.2017, các hạng mục của dự án được thi công hoàn thành và những đơn vị liên quan bắt tay vào việc tổ chức đấu giá cho thuê diện tích ao nuôi. Tuy nhiên, thời điểm đó thường xảy ra lũ lụt nên người dân chưa tham gia đấu giá. Ông Sành nói: “Lâu nay, phần lớn người dân ở xã Duy Vinh chủ yếu nuôi tôm theo hình thức quảng canh, còn nuôi lót bạt chỉ có vài hộ tham gia. Khi dự án hoàn thành, người dân vẫn chưa mặn mà vì vùng này thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, bạt trải hồ dễ bị cuốn trôi, rách nát dẫn tới nguồn kinh phí bỏ ra khắc phục khá lớn. Trong khi đó, người dân cũng cho rằng giá cho thuê diện tích ao nuôi với mức 10.000 đồng/m2 do UBND huyện Duy Xuyên đưa ra là tương đối cao”.

          Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính & kế hoạch huyện Duy Xuyên cho hay, tổng kinh phí đầu tư dự án này là 8,5 tỷ đồng, bao gồm 38 ao nuôi với diện tích hơn 94.000m2 cùng nhiều ao lắng, ao thải, đường giao thông, đê bao, cấp thoát nước, khu hậu cần, cây xanh, hệ thống điện… Ông Hải nói: “Đây là dự án UBND huyện Duy Xuyên chủ động ứng trước kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện, sau đó tiến hành thu hồi vốn thông qua việc cho người dân thuê diện tích ao nuôi. Mục tiêu cuối cùng là tạo thuận lợi cho người nuôi tôm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”. Trong khi đó, theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, địa phương hiện có 116ha ao nuôi tôm, tập trung nhiều nhất ở xã Duy Vinh. Tuy nhiên, hầu hết diện tích ao nuôi đều bố trí manh mún, phân tán nhỏ lẻ, hạ tầng yếu kém nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh. Vì vậy, việc phát triển mô hình nuôi tôm lót bạt theo hướng tập trung, công nghiệp là yêu cầu tất yếu. Ông Năm nói: “Do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là tâm lý e sợ, chưa quen với hình thức sản xuất tập trung theo hướng VietGAP. Từ đó, dẫn đến việc người dân chưa mặn mà tham gia đấu giá nhận ao trong dự án”. 

          Tháo gỡ bằng cách nào?

          Trước một số ý kiến cho rằng giá khởi điểm cho thuê diện tích ao nuôi tôm của dự án tương đối cao, ngày 23.2 vừa qua UBND huyện Duy Xuyên đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-UBND về việc phê duyệt lại phương án và giá khởi điểm đấu giá cho thuê diện tích ao nuôi. Theo đó, giá khởi điểm được điều chỉnh hạ xuống còn 6.500 đồng/m2, thời hạn cho thuê là 10 năm. Người trúng đấu giá nộp tiền 2 lần cho thời hạn 10 năm. Trong Quyết định số 1068, UBND huyện Duy Xuyên cũng giao UBND xã Duy Vinh - cơ quan thường trực Hội đồng đấu giá chủ trì, phối hợp với UBND xã Duy Phước và các ngành liên quan của huyện tiến hành lập đầy đủ các thủ tục để tổ chức đấu giá đúng theo quy định trong quý I.2018. Theo ông Nguyễn Cang, các khu vực của dự án được quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo những yếu tố cần thiết cho việc phát triển nghề nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước cần hỗ trợ người dân trong việc kiểm soát chất lượng nguồn nước bởi đây là yếu tố quyết định đến sự thành công. Ông Cang chia sẻ thêm: “Do thời điểm UBND huyện Duy Xuyên đưa ra đấu giá lần đầu gặp thời tiết bất lợi, nhất là mưa lũ liên tiếp xảy ra. Mặt khác, lúc đó giá khởi điểm cho thuê ao nuôi ở mức cao, trong khi đó người dân muốn triển khai nuôi tôm buộc phải đầu tư thêm một số tiền không nhỏ cho việc cải tạo ao nuôi, mua sắm máy móc, thuê nhân công, mua con giống… nên nhiều hộ dân không có khả năng đầu tư. Bây giờ, chính quyền huyện Duy Xuyên quyết định hạ giá cho thuê ao nên tôi và một số hộ dân ở địa phương thấy phù hợp. Hiện tại, tôi đã đăng ký tham gia đấu giá 5 ao nuôi và nếu thuận lợi thì vụ 2 năm 2018 này sẽ bắt đầu thả con giống”.

          Qua tìm hiểu, đến thời điểm này đã có 12 hộ dân ở xã Duy Vinh đăng ký tham gia đấu giá thuê 17.000m2 ao nuôi tôm tại dự án trên. Hiện nay, chính quyền địa phương đang thuê nhân công đào gốc cây mai dương mọc xung quanh ao tôm và tiến hành kiểm tra, khắc phục các điểm sạt lở, hư hỏng, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho người dân triển khai sản xuất. Ông Văn Bá Năm cho biết, thời gian tới ngành chuyên môn của huyện sẽ tổ chức các khóa tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm lót bạt theo hướng VietGAP cho người dân. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho các hộ nuôi tôm trong vấn đề chọn mua và kiểm định chất lượng con giống. “Chúng tôi đang tập trung cho dự án này. Dự kiến, đến cuối quý I.2018 sẽ có 50% ao nuôi tôm của dự án được người dân thuê. Khi dự án mang lại thành công, chính quyền huyện sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết và đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa ra 2 xã khác là Duy Thành và Duy Nghĩa. Đây được xem là hướng đi phù hợp so với yêu cầu thực tiễn hiện nay” - ông Năm nói.

VĂN SỰ - PHI THÀNH

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19837713
Hôm nay
Hôm qua
20275
12811