Sáng ngày 25.1, tại TP.Hội An, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tổ chức hội thảo “Nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa, thổ cẩm Quảng Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT và Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam chủ trì hội thảo.
Nghề dâu tằm, tơ lụa Quảng Nam đang tìm hướng phát triển. Ảnh: LINH QUÂN
Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Nam và phát triển mạnh mẽ sau ngày giải phóng. Trước đây, nghề này đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh như Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc…; giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng nghìn hộ dân.
Thời gian qua, do sự cạnh tranh của thị trường tơ thế giới, thu nhập từ nghề này thấp hơn so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác. Mặt khác, năng suất, chất lượng trồng dâu nuôi tằm còn thấp. Ngành dâu tằm chủ yếu nhập giống dâu, giống tằm; khâu chuyển giao công nghệ kỹ thuật chưa được chú trọng nên năng suất dâu, kén, tơ thấp, giá thành không ổn định. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng giống tằm không chặt chẽ, thiếu những mô hình thâm canh dâu tằm hiệu quả. Phát triển dâu tằm còn mang tính quảng canh, theo phong trào. Vì thế chất lượng tơ kén thấp, giá thành không ổn định, sức cạnh tranh kém, các đơn vị chế biến tơ có thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài. Thực trạng này làm cho ngành dâu tằm phát hiện không ổn định, kém hiệu quả và thiếu bền vững…
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Ảnh: LINH QUÂN
Tại hội thảo, gần 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, làng nghề, doanh nghiệp đã mang đến cái nhìn đa chiều về bức tranh làng nghề dâu tằm, tơ lụa Quảng Nam hiện nay cũng như những hướng đi khả dĩ vực dậy được nghề truyền thống này.
Trong đó, cần chú trọng triển khai công tác quy hoạch xây dựng vùng trồng dâu (liên vùng, liên khoảnh); trên cơ sở thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa ở các vùng ven sông, bãi bồi, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất hàng hoá. Đặc biệt, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp vào đầu tư, kết nối với hộ nông dân, tổ chức đại diện hộ nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) để phát triển vùng nguyên liệu dâu. Nghiên cứu để bổ sung chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực trồng dâu, nuôi tằm.
Tơ lụa vẫn là mặt hàng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: LINH QUÂN
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đến thời điểm hiện tại thị trường tơ lụa đã có dấu hiệu tốt, nhất là một số doanh nghiệp rất tâm huyết và có khả năng kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới để tổ chức lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Do vậy Quảng Nam đang tìm mọi cách phục hưng lại nghề này. “Tỉnh nhận thức được đây là một cơ hội rất lớn để chính quyền cùng với nhân dân, doanh nghiệp liên kết thành chuỗi giá trị để phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm, vì nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa thu nhập rất khá so với mức thu nhập hiện nay, đặc biệt là ở các bãi bồi sông Vu Gia - Thu Bồn nơi có điều kiện canh tác tốt. Cây dâu vừa tạo thu nhập cao nhưng cũng có tác dụng giữ đất, hạn chế xói lở, phục hồi môi trường hệ sinh thái khu vực hai bên sông. Chính vì có những điều kiện, thời cơ thuận lợi để phục hồi lại nghề này nên việc tổ chức hội thảo hôm nay cũng chính là cách gợi mở lên vấn đề, để cùng nhau chia sẻ và tìm hướng cộng tác trong tương lai” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết.
KHÁNH LINH - LÊ QUÂN