Thời gian qua, anh Lê Văn An ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) mạnh dạn áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất giúp nâng cao năng suất nghề dệt chiếu truyền thống.
hân xưởng dệt chiếu cói của anh An. Ảnh: Hồ Hằng
Theo anh An, những năm gần đây, các sản phẩm thủ công không thể cạnh tranh được với sản phẩm từ máy móc công nghiệp. Nhiều gia đình không còn mặn mà với nghề dệt chiếu truyền thống vì vất vả nhưng nguồn thu nhập không đáng kể. Trước thực trạng đó, anh An bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy dệt chiếu. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm sử dụng máy nên sản phẩm làm ra chưa đẹp, nhiều khi máy bị trục trặc, không biết cách sửa chữa. không nản chí, anh tự mày mò học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên đã vận hành máy thông suốt. Anh An chia sẻ: “So với dệt thủ công thì dệt chiếu bằng máy có ưu điểm là nhanh hơn rất nhiều, chất lượng chiếu đồng đều và có thể đáp ứng được những hợp đồng mua chiếu thành phẩm với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Trung bình một ngày máy có thể dệt được 5 - 6 đôi chiếu. Tuy nhiên, muốn có được một chiếc chiếu đẹp, dù dệt máy hay dệt tay, trước tiên phải chọn ra được những mớ cói đẹp, không sâu, không nấm, đủ độ dài, các sợi đều nhau. Đồng thời khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh tế, sao cho các đường kẻ mép, bắt biên gọn gàng”.
Nhờ nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của khách hàng và thường xuyên cải tiến mẫu mã nên những lá chiếu do gia đình anh An dệt được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hiện nay, cơ sở sản xuất chiếu cói của anh An tạo việc làm thường xuyên cho 12 - 16 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Dương Thị Hiền, một lao động tại xưởng dệt, nói: “Vừa làm nghề nông, tranh thủ làm việc nhà, thời gian còn lại tôi tham gia dệt chiếu, mỗi tháng cho thu nhập 3,5 triệu đồng, đủ trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình”.
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề truyền thống theo hướng cơ giới hóa, mỗi năm gia đình anh Lê Văn An thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện nay xưởng sản xuất đang hoạt động ổn định nhưng về lâu dài, rất cần sự hỗ trợ để phát triển mô hình cũng như nhân rộng ra địa bàn. “Để duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, rất cần có sự quan tâm của địa phương trong việc hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn và làm giàu từ nghề truyền thống của địa phương” - anh An nói.
HỒ HẰNG