A+ A A-

Kinh tế trang trại và gia trại ở Duy Xuyên

         Thiếu quỹ đất, khó tiếp cận nguồn vốn vay, giá cả thị trường bấp bênh… khiến nhiều doanh nghiệp và các chủ trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Duy Xuyên lâm vào tình cảnh khó khăn.

         Trang trại chăn nuôi heo kết hợp nuôi cá trê với quy mô lớn của ông Võ Ngọc Sơn (xã Duy Tân) cho hiệu quả kinh tế khả quan. Ảnh: HOÀI NHI

Trang trại chăn nuôi heo kết hợp nuôi cá trê với quy mô lớn của ông Võ Ngọc Sơn (xã Duy Tân) cho hiệu quả kinh tế khả quan. Ảnh: HOÀI NHI           Nhiều khó khăn

         Tháng 10.2015, ông Trần Xuân ở thôn Thi Thại (xã Duy Thành) đầu tư 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 20 con heo giống về thả nuôi. Từ bầy heo nái ấy, năm 2016 ông Xuân xuất bán hơn 350 con heo con, thu về gần 60 triệu đồng. Tuy nhiên, đầu năm 2017 đến nay giá heo con trên thị trường tụt giảm mạnh, chỉ còn 50 - 60 nghìn đồng/con khiến ông thua lỗ nặng. Ông Xuân nói: “Hiện tại, tôi vẫn duy trì đàn heo nái 20 con đó nhưng nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Theo dự tính, nếu bây giờ bán hết số heo trong chuồng thì 3 năm nay tôi lỗ hơn 140 triệu đồng”.

          Đến thời điểm này, Duy Xuyên có 14 trang trại đạt chuẩn theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 27 (ngày 13.4.2011) của Bộ NN&PTNT. Thời gian qua, tổng kinh phí đầu tư của số trang trại vừa nêu khoảng 88 tỷ đồng, trong đó vốn vay chỉ 2,6 tỷ đồng. Được biết, hiện 10 doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển trang trại nuôi heo, bò sữa, cây ăn quả, sản xuất giống cây công nghệ cao… đang chờ cấp có thẩm quyền cấp phép, tập trung tại các xã Duy Phú, Duy Châu, Duy Hòa, Duy Thu.Trong khi đó, trang trại trồng nấm của ông Nguyễn Đình Hiếu ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn) lại gặp khó về mặt bằng. Ông Hiếu cho hay, cách đây 7 năm, ông thuê nhà xưởng của Hợp tác xã Duy Sơn để lập trang trại trồng nấm với diện tích 1.000m2. Hàng năm, ông thu về hơn 150 triệu đồng từ tiền bán nấm và sau khi trừ các khoản chi phí thì còn lại lãi ròng 100 triệu đồng. “Tuy thời gian qua mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất là Hợp tác xã Duy Sơn chỉ ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng từng năm một nên khó có thể yên tâm đầu tư cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, tôi mong chính quyền các cấp bố trí cho thuê một khu đất rộng hơn và ký hợp đồng với thời hạn lâu dài để gia đình mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất” - ông Hiếu nói.

          Theo ông Ngô Đình Phú - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên, gần đây người dân đã mạnh dạn đầu tư những mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển kinh tế trang trại và gia trại đang đứng trước nhiều lực cản. Trước hết là nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng thương mại để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển lĩnh vực này còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong khi đó, những kênh vốn hỗ trợ theo các cơ chế, chính sách của Nhà nước lại khó tiếp cận, hoặc nếu có tiếp cận được thì hạn mức cho vay ưu đãi không đáp ứng nhu cầu phát triển của một trang trại đúng theo tiêu chí quy định nên chưa động viên, khuyến khích đại bộ phận nhân dân tham gia xây dựng mô hình.

         Mới đây, tại diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo huyện Duy Xuyên với các doanh nghiệp, chủ trang trại và gia trại trên địa bàn, nhiều ý kiến cho rằng việc xét cấp giao đất, cho thuê đất đối với người dân có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra chậm, kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, quy trình, thủ tục hành chính để tiến hành xây dựng một trang trại còn quá nhiêu khê, phức tạp làm nản lòng nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Nhiều hộ có đủ năng lực về tài chính, lao động, công nghệ, trình độ quản lý… có nhu cầu xây dựng trang trại nhưng không có đất. Hơn nữa, vấn đề xử lý môi trường của các trang trại còn nhiều điều đáng bàn, nhất là chăn nuôi heo thịt với quy mô lớn.

          Tìm cách tháo gỡ

          Ông Trần Xuân - chủ trang trại chăn nuôi heo giống ở xã Duy Thành cho rằng, để phát triển bền vững mô hình kinh tế trang trại và gia trại thì Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhất là trong những thời điểm giá cả thị trường tụt giảm mạnh. Cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay và điều quan trọng nữa là phải đóng vai trò cầu nối, liên kết giữa doanh nghiệp với người chăn nuôi nhằm đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm, tránh tình trạng bị tư thương ép giá.

       Theo ông Ngô Đình Phú, những năm tới Duy Xuyên sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn liền với định hướng và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, nhà đầu tư tiếp cận được những nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán sản xuất. Ông Phú nói: “Thời gian đến, địa phương sẽ ưu tiên khuyến khích phát triển các trang trại nuôi trồng thủy sản, trang trại trồng trọt, trồng cây dược liệu, sản xuất cây giống lâm nghiệp công nghệ cao… có sự liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, kiên quyết xử lý, thu hồi diện tích các trang trại đã được giao, thuê đất nhưng nhiều năm liền làm ăn không có hiệu quả, hoạt động sai mục tiêu dự án ”.

          Ông Nguyễn Công Dũng – Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, muốn lĩnh vực này mang lại thành công lớn, trước hết phải triển khai bài bản công tác quy hoạch đất đai. Cạnh đó, tăng cường việc liên kết với doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ông Dũng nói: “Chính quyền huyện Duy Xuyên sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại phát triển như giải quyết rốt ráo các thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ví dụ, vừa qua mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi cá nước ngọt ở xã Duy Thu cần xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống điện thì địa phương sẵn sàng đáp ứng”.

HOÀI NHI

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19835486
Hôm nay
Hôm qua
18048
12811