Thay vì xuất bán vải lụa thô như những năm
trước, Hợp tác xã (HTX) Tơ lụa Mã Châu đang tạo những mặt hàng cụ thể để bán ra
thị trường nhằm từng bước xây dựng thương hiệu lụa Mã Châu.
Làng dệt Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp, thị
trấn Nam Phước (Duy Xuyên) hiện còn khoảng 400 hộ dân gắn bó với nghề dệt nhưng
chỉ duy nhất HTX Tơ lụa Mã Châu còn giữ được dệt lụa tơ tằm nguyên thủy. Hiện
HTX chỉ còn 10 xã viên và 20 lao động tham gia. Theo những xã viên tâm huyết
với nghề, để dệt được lụa tơ tằm truyền thống phải cần người có tay nghề từ 30
năm trở lên. Bên cạnh chi phí đầu vào cao, vải lụa xuất bán ra các thành phố
như Hà Nội, Hồ Chí Minh thường bị ép giá nên HTX gặp không ít khó khăn. Một thực
tế khác là các doanh nghiệp sau khi mua vải lụa Mã Châu sẽ gia công và biến đổi
thành sản phẩm của họ, do đó lụa Mã Châu không còn giữ được tên tuổi trên thị
trường.
Để thay đổi tình trạng đó, từ đầu năm 2014,
HTX đã làm hồ sơ trình lên Sở Khoa học - công nghệ đăng ký thương hiệu tơ lụa
Mã Châu, đồng thời không xuất bán vải lụa thô mà tập trung gia công, may cắt
thành những sản phẩm cụ thể, hình thành cửa hàng bán lẻ, cung cấp trực tiếp sản
phẩm đến tay người tiêu dùng. Ông Trần Hữu Phương - người chịu trách nhiệm
thiết kế, kỹ thuật cho biết, sau khi ươm tơ, HTX tiến hành nhuộm, sau đó dệt
lụa và chuyển thẳng vải lụa đi gia công để tạo ra những mẫu mã mới, phục vụ nhu
cầu mua sắm của người dân. “Các sản phẩm mới của chúng tôi đang bán ra chủ yếu
là quần áo, giày dép, túi xách, khăn choàng… có giá thành từ vài trăm đến hàng
triệu đồng tùy theo lượng tơ và kỹ thuật dệt. Tuy vẫn chờ thương hiệu lụa Mã
Châu được cơ quan có thẩm quyền công nhận nhưng một số sản phẩm đã được chúng
tôi gắn logo “MA CHAU SILK” để khách hàng nhận diện được tơ lụa Mã Châu chính
hiệu. Sắp tới chúng tôi sẽ thêu dệt những biểu tượng Mỹ Sơn, Hội An, cũng như
các hoa văn đẹp, lạ cùng logo lụa Mã Châu lên sản phẩm để lụa Mã Châu khẳng
định thương hiệu riêng của mình”- ông Phương cho biết. So với xuất bán vải lụa
thô thì giá trị sản phẩm qua gia công cho giá trị tăng gấp chục lần, nhiều
người đã đến cửa hàng tại HTX để tham quan và mua sắm, hứa hẹn sản phẩm lụa Mã
Châu sẽ hấp dẫn được người tiêu dùng.
Theo ông Trần Hưng Nghĩa - Chủ nhiệm HTX Tơ
lụa Mã Châu thì diện tích trồng dâu của HTX còn 1 héc ta, do đó nguồn tơ tằm
chủ yếu lấy từ Lâm Đồng với giá tơ chưa nhuộm dao động từ 1,3 triệu đồng/kg.
Định hướng của HTX là tập trung hình thành mẫu mã, từng bước phát triển chuỗi
cửa hàng bán lẻ. “Hiện nay chúng tôi chỉ có một cửa hàng tại HTX, trên phương
án tiếp theo sẽ phát triển 2 cửa hàng bán lẻ ở Hội An và Mỹ Sơn để khai thác
lợi nhuận từ du lịch. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà HTX vướng phải là thiếu
nguồn vốn”- ông Nghĩa nói. Được biết, tổng số vốn của HTX duy trì sản xuất chỉ
có 3 tỷ đồng, máy móc lại cũ kỹ nên HTX không đủ điều kiện thế chấp để vay ngân
hàng, việc tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi cũng gặp trở ngại do thủ tục vay vốn
khó khăn. Để có được nguồn vốn, nhiều xã viên đang phải cầm cố sổ đỏ để HTX
tiếp tục hoạt động. Cũng theo ông Nghĩa, việc hướng sản phẩm lụa Mã Châu đến
với người tiêu dùng đang có những tín hiệu khả quan, nhưng để phát triển mạnh
thì HTX cần phải gây dựng được dây chuyền khép kín từ trồng dâu, ươm tơ, dệt
lụa, gia công sản phẩm. Mục tiêu là tạo ra lợi nhuận cho HTX và đưa sản phẩm
mang thương hiệu lụa Mã Châu đến với người dân.
Ông Trần Thi - Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên nhận định,
phát triển thương hiệu lụa Mã Châu là cần thiết khi nhãn hiệu sản phẩm bị nhập
nhằng như hiện nay, góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề, đồng thời tạo lợi thế
cạnh tranh bền vững với các sản phẩm lụa khác. “Những năm qua từ chương trình
khuyến công, huyện Duy Xuyên đã có nhiều hỗ trợ giúp HTX tơ lụa Mã Châu duy trì
sản xuất. Năm 2013, 81 triệu đồng từ nguồn vốn của Liên minh HTX tỉnh được cấp
về để làng dệt Mã Châu mua máy móc thiết bị và tổ chức tập huấn cho lao động.
Hy vọng việc thay đổi hình thức kinh doanh, hướng thẳng sản phẩm đến người tiêu
dùng sẽ tạo bước đà mới để HTX có cơ hội phát triển”- ông Thi nói.
DUY THÁI
;