Khu vực rừng đầu nguồn xã
Duy Sơn (Duy Xuyên) gần đây luôn tái diễn tình trạng đốt rừng để trồng rừng và
trở thành “lãnh địa nóng”, không thể “làm nguội” được trong một sớm một chiều...
Xóa bỏ rừng dự án
Mặc bộ đồ bạc màu, tay cầm rựa, theo sau người
thợ sơn tràng, chúng tôi bí mật thâm nhập rừng đầu nguồn Duy Sơn nhằm tìm hiểu
về tình trạng phá rừng nơi đây. Từ đầu dốc Động Bông vào bìa rừng Đồng Lớn, Hố
Lội là đồi keo hơn một năm tuổi và các loại cây khác vừa tái sinh. Tiến sâu vào
rừng, chúng tôi thấy ngổn ngang cây gỗ với đường kính 20 - 50cm bị chặt ngang
đốt cháy sém. Anh C. - một người dân địa phương biết rõ chủ nhân của từng
khoảnh rừng; thậm chí anh còn biết danh tính các cán bộ xã có rừng ở đây. Theo
anh C. mấy năm nay vì tranh giành đất rừng, giữa cán bộ xã và người dân có rừng
ở Đồng Lớn thường xảy ra xung đột về lợi ích. Phần lớn diện tích “đất rừng
khủng” ở Đồng Lớn đều đã được thiết kế trồng rừng theo các chương trình PAM
1780, 4304, dự án JBIC trước đây và sau này là 661. Tuy nhiên, rừng trồng với
chức năng phòng hộ kém hiệu quả, triển khai tràn lan, trong khi khâu kiểm tra,
quản lý rất lỏng lẻo nên người dân, kể cả một số cán bộ đã lợi dụng lấn chiếm
trồng rừng. “Những khoảnh rừng hỗn giao giữa cây sao đen và keo, nhiều người
không thương tiếc lén lút đốt trắng để phi tang hiện trường. Dọn thực bì xong,
đến mùa họ lên canh tác. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp dân trồng cây dưới tán
rừng đã bị chính quyền phá nhổ ngay” - anh C. tiết lộ.
Từ năm 2004, thông qua nguồn vốn vay của Ngân
hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (dự án JBIC) địa phương đã trồng hơn 600ha tại
khu vực rừng đầu nguồn Duy Sơn. Trong đó, tại khu vực Đá An trồng xen kẽ giữa
cây sao đen và keo hơn 196ha; còn lại là trồng mỗi loại sao đen. Trước đây,
theo thiết kế, người dân trồng 2 hàng cây keo phải xen vào 1 hàng sao đen. Khi
khai thác, người trồng chỉ được hưởng phần cây keo, tuyệt đối giữ lại rừng sao
đen làm “lá chắn” phòng hộ. Thế nhưng, tại Đồng Lớn, rừng sao đen đã bị xóa sổ
nhiều năm nay, chỉ còn mọc rải rác. Những quả đồi bát úp với trùng điệp rừng
cây tự nhiên giờ đã bị thay thế bằng những cây keo với mật độ dày đặc. Để chiếm
đất sản xuất một cách nhanh nhất, nhiều đối tượng táo bạo đốt trắng rừng, vì
vậy mà nhiều vạt rừng phủ xanh bỗng chốc cháy đen. Nhiều trường hợp lén lút đốt
rừng, nhưng cũng có nhóm hộ liều lĩnh công khai hủy hoại luôn cả rừng dự án
JBIC. Điển hình tháng 9 vừa qua, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương
đã phát hiện nhóm hộ bà Lương Thị Mỹ (thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn) đã tự ý xử lý
thực bì và đốt cháy toàn bộ 15,9ha cây bản địa và rừng phòng hộ. Vụ việc này
đang được các ngành chức năng vào cuộc xử lý.
Mạnh ai nấy chiếm
Rừng đầu nguồn xã Duy Sơn thuộc địa phận thôn
Chánh Lộc trước đây có nhiều dự án phủ xanh đất trống đồi trọc. Riêng tại khu
vực Đồng Lớn, chủ rừng gồm Cơ quan Quân sự huyện Duy Xuyên, Văn phòng UBND
huyện, Văn phòng Huyện ủy Duy Xuyên và người dân địa phương. Gần đây, lượng đơn
thư, khiếu nại lên chính quyền chất chồng từ việc tranh chấp đất rừng. Phức tạp
đến nỗi nhiều vụ phải đưa ra tòa phân xử. Điều đáng nói, chính quyền địa phương
buông lỏng công tác quản lý nên nơi đây đã trở thành “điểm nóng” lấn chiếm đất
rừng dai dẳng. Người dân có nhu cầu về đất trồng rừng, trong khi
nhiều cán bộ huyện, xã có đất rừng được giao lại không canh tác thường xuyên,
quản lý không chặt. Hậu quả là, người dân lợi dụng lấn chiếm. Mặt khác, dự án
trồng rừng kém hiệu quả nên tạo điều kiện cho nhiều người đứng ra trồng rừng,
trong đó có nhiều cán bộ địa phương. Tại nhiều vạt rừng Đồng Lớn, Hố Lội, nhiều
cán bộ xã có rừng. Theo nguồn tin của chúng tôi, phần lớn cán bộ sở hữu đất
rừng đều không dám ra mặt, chỉ để cho người thân trực tiếp tham gia với tư cách
hợp pháp. Chẳng hạn như đất rừng của vợ ông Trần Văn Khiêm (nguyên Bí thư Đảng
ủy xã Duy Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên, nay đã nghỉ
hưu), người thân của Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã… Chỉ có Bí thư
Đảng ủy xã Trần Văn Đồng là danh chính ngôn thuận sở hữu 12ha rừng tham gia
trồng từ năm 1996. Thấy cán bộ thuê người vào phát rừng, lần lượt sở hữu những
“miếng rừng ngon”, người dân cũng làm theo, hễ có cơ hội là tranh thủ phát
trồng rừng trái phép.
Nhiều người dân bức xúc cho rằng, chính quyền sở
tại đã “phân biệt đối xử” khi cấp bìa đỏ, tại các lô đất trồng rừng liền kề, có
hộ, nhóm hộ được cấp bìa đỏ, nhưng cũng không ít trường hợp bị từ chối. Theo
cán bộ địa chính xã, đến nay địa phương cấp 627 bìa đỏ cho 433 hộ có đất sản
xuất lâm nghiệp theo tỷ lệ bản đồ 1/10.000. Bí thư Đảng ủy xã Duy Sơn Trần Văn
Đồng giải thích rằng, đất rừng ở đầu dốc Động Bông vào Đồng Lớn đều không xét
cấp bìa đỏ được do nằm ở khu vực đầu nguồn. Trước đây, có một đơn vị đến đo
đạc, kiểm tra từng hộ có đất trồng rừng cụ thể nhưng khi tỉnh chủ trương rà
soát 3 loại rừng nên khu vực đầu nguồn đã không cấp bìa đỏ được. Nhưng người
dân thì cho rằng, đất đã được cán bộ đến đo đạc nên ngộ nhận là… của mình. Ông
Đồng cũng thừa nhận cán bộ địa phương có phát đất trồng rừng, nhưng chỉ là rừng
phân tán. “Tình trạng người dân lấn đất trồng rừng vô cùng phức tạp, địa phương
rất lúng túng giải quyết. Cả xã có hơn 5.000ha đất rừng nhưng chỉ bố trí 2 cán
bộ lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng, quản sao nổi” - ông Đồng nói. Còn
ông Phạm Đắc Hùng - cán bộ lâm nghiệp xã lắc đầu: “Chúng tôi bất lực trước nạn
xâm lấn đất rừng trái phép. Khu vực Đồng Lớn, cả cán bộ và người dân đều trồng
rừng. Tranh chấp, kiện tụng liên quan đến rừng cứ kéo dài liên miên”. Nếu các
cơ quan chức năng của huyện Duy Xuyên và chính quyền xã Duy Sơn không có biện
pháp quyết liệt, thì những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn sẽ bị tàn phá càng
nghiêm trọng hơn.
TRẦN HỮU