Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khởi nghiệp (KN) năm 2019 được xác định, đó là UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) địa phương.
Năm 2018, Duy Xuyên là địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng HSTKN cấp huyện với việc thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ hoạt động KN đổi mới sáng tạo và phê duyệt Kế hoạch thực hiện HSTKN đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2025. Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, để xây dựng thành công HSTKN của địa phương, huyện xác định cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự nhìn nhận khách quan về KN và sự nhất quán về quan điểm đối với KN sáng tạo. Đồng thời huyện cũng quan tâm đến việc xây dựng và phát triển mạng lưới câu lạc bộ KN sáng tạo, xây dựng không gian làm việc chung và vận động hình thành, phát triển Quỹ hỗ trợ KN sáng tạo tại địa phương.
Bên cạnh các địa phương đã mạnh dạn trong xây dựng HSTKN thì còn nhiều huyện, thị xã chưa quan tâm đến vấn đề này. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, để việc xây dựng HSTKN sáng tạo cấp huyện được đẩy nhanh thì UBND các địa phương phải sớm thành lập bộ phận, tổ giúp việc về KN, hình thành câu lạc bộ KN của địa phương, cử cán bộ đi đào tạo về công tác hỗ trợ KN… “UBND cấp huyện cứ nói KN nhưng không có bộ phận tham mưu, “tác nghiệp” trực tiếp, cụ thể thì cũng chịu. Nhiệm vụ này phải giao trách nhiệm cho phòng ban và con người cụ thể am hiểu về vấn đề KN đã qua đào tạo chuyên sâu” - ông Tân nói.
Để HSTKN “có sức sống”
Ông Phạm Ngọc Sinh - Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ hoạt động KN sáng tạo tỉnh cho rằng, việc xây dựng và ban hành HSTKN cấp huyện cần xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo; mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp… Đồng thời phải đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực KN đổi mới sáng tạo cho cán bộ; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tạo đàm chuyên sâu về KN...
Ông Lê Minh Nhựt (quản lý dự án phát triển HSTKN địa phương - Star-up Vietnam Foundation - SVF) cho rằng, HSTKN địa phương phải do cộng đồng doanh nghiệp KN và do chính người địa phương dẫn dắt. Một HSTKN địa phương được định vị “có sức sống” khi thường xuyên có nhiều hoạt động được kích hoạt từ bất kỳ ai/thành phần nào trong cộng đồng KN. Điều này là quan trọng bởi chỉ có những doanh nhân KN làm chương trình mới có thể hiểu và xây dựng các nội dung chương trình phù hợp. Mặc khác, khi HSTKN địa phương được dẫn dắt bởi các doanh nhân KN kết nối tích cực sẽ là tác nhân truyền cảm hứng, lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động trong toàn bộ cộng đồng KN và tạo nên một HSTKN phát triển bền vững”.
Bên cạnh yếu tố là doanh nghiệp KN dẫn dắt thì một nhân tố quyết định quan trọng cho một HSTKN có sức sống là hoạt động cố vấn KN (Mentoring). Thực tế cho thấy tại các địa phương hiện nay, khái niệm cố vấn KN vẫn còn khá mới mẻ, có thể khái niệm cố vấn (Mentor) được hiểu nhầm lẫn với tư vấn (Advisor) và đào tạo (Trainer)…; hoặc gặp khó khăn trong việc kết nối những người có chuyên môn, kinh nghiệm từ mạng lưới doanh nghiệp lớn tham gia đồng hành với người trẻ KN, cũng như sự thiếu tính cam kết dẫn đến việc duy trì mối quan hệ cố vấn KN tại các địa phương còn nhiều trở ngại. Ông Nhựt cho biết, trong thời gian đầu khi tiếp cận với KN địa phương, SVF tổ chức các chương trình tập huấn kỹ năng cố vấn KN hướng đến các chuyên gia, người có kinh nghiệm quản lý và kinh doanh lâu năm nhằm giúp cho các cố vấn tiềm năng hiểu rõ vai trò và tham gia các hoạt động cố vấn KN hiệu quả. Ngoài ra, các yếu tố truyền thông, định vị hình ảnh KN địa phương... cũng được nhấn mạnh sẽ góp phần làm cho HSTKN địa phương có sức sống hơn.
VINH ANH