Những năm qua, Hội LHPN huyện Duy Xuyên luôn chú trọng đầu tư, ươm mầm và hỗ trợ cho những ý tưởng khởi nghiệp trong phụ nữ. Đến nay, nhiều mô hình đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gắn nghề truyền thống với du lịch
Du khách trải nghiệm món mỳ Quảng tại mô hình của chị Võ Thị An. Ảnh: NVCC
Lò mỳ của gia đình chị Võ Thị An ở thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh duy trì hơn 20 năm nay. Những năm qua, chị An tráng mỳ và bán sỉ mỳ ký cho các quán mỳ Quảng trên địa bàn xã. Tháng 7.2010, làng Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh) được UBND tỉnh công nhận là làng du lịch sinh thái cộng đồng. Cùng với đó, cầu Cẩm Kim được khánh thành đã rút ngắn đoạn đường đi từ Hội An đến Duy Vinh nên du khách đến tham quan các địa điểm ở xã Duy Vinh cũng tăng cao trong thời gian gần đây.
Chị An cho biết, chính vì Duy Vinh ngày càng đông du khách nên chị đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp là phát triển nghề tráng mỳ truyền thống gia đình gắn với du lịch trải nghiệm. Tức là dựa trên những xu thế phát triển du lịch cộng đồng hiện nay, trên cơ sở sẵn có về cơ sở vật chất và vốn nghề truyền thống của gia đình để phát triển kinh tế.
“Cụ thể là ngoài bán mỳ ký như thường ngày thì tôi liên kết với các công ty lữ hành, làm hợp đồng tour hướng dẫn, trải nghiệm tráng mỳ và nấu mỳ Quảng cho du khách. Sau đó, chính du khách sẽ thưởng thức tô mỳ do mình nấu” - chị An nói.
Mô hình gắn nghề truyền thống với du lịch của chị An được du khách đánh giá cao. Ảnh: NVCC
Thời gian qua, chị An đã tiến hành thử nghiệm một số tour với các đoàn khách du lịch tham quan Duy Vinh với hình thức trải nghiệm cùng nghề tráng mỳ. Tour thành công và được các doanh nghiệp lữ hành cũng như du khách đánh giá cao. Ước tính mỗi ngày cơ sở của chị An đón khoảng 40 - 50 khách, thu mỗi người 30 nghìn đồng/tô mỳ Quảng và tiền tham gia trải nghiệm, mỗi tháng chị An thu nhập 15 - 20 triệu đồng.
Bà Phan Thị Lanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Vinh cho biết, trên địa bàn mỗi ngày có khoảng 100 - 150 lượt khách đến tham quan, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề truyền thống. “Chính vì vậy, mô hình của chị An sẽ là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Nếu phát triển, có thể liên kết với nhiều lò mỳ khác tại địa phương, tạo nên chuỗi làng nghề truyền thống để quảng bá cho du khách, góp phần cùng địa phương phát triển ngành nghề du lịch dịch vụ” - bà Lanh nói.
Khởi dậy khả năng sáng tạo
Mô hình “Phát triển nghề tráng mỳ truyền thống gia đình gắn với du lịch trải nghiệm” của chị Võ Thị An đã đoạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Hội LHPN huyện Duy Xuyên vừa tổ chức. Đây là cuộc thi nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Duy Xuyên, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Tham gia cuộc thi còn có các dự án được đánh giá cao như “Khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, gắn với du lịch trải nghiệm làng nghề Mà Châu”; ý tưởng dự án “Làng du lịch cộng đồng Duy Phước”; ý tưởng “Sản phẩm nông nghiệp sạch thân thiện môi trường trên vùng đất bạc màu”...
Bà Trần Thị Minh Yến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên cho biết, cuộc thi chỉ là một trong rất nhiều hoạt động khơi dậy, khuyến khích, hỗ trợ cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo mà Hội LHPN huyện thực hiện trong thời gian qua. Hội và các cơ sở hội đã tập trung triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đồng thời tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ làm kinh tế, giải quyết việc làm.
“Nhiều ý tưởng khởi nghiệp sẽ hoặc đang đi vào hoạt động sẽ được Hội LHPN huyện đặc biệt quan tâm trong thời gian đến. Đồng thời cũng vận động, khuyến khích hội viên tiếp tục khởi nghiệp sáng tạo bằng những ý tưởng khả thi và gần gũi nhất để mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện” - bà Yến cho biết thêm.
PHAN VINH