Thời gian qua, nhiều tri thức trẻ ở huyện Duy Xuyên sau khi tốt nghiệp đại học lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp từ nông nghiệp, với quyết tâm làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Đa dạng mô hình
Mô hình trồng hoa của anh Huỳnh Tấn Đồng, xã Duy Trung
Cách đây tròn 8 năm, anh Văn Phú Quang (thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Vừa ra trường, anh tìm được việc làm phù hợp với mức lương khá ổn định. Thế nhưng chỉ 3 năm sau vì hoàn cảnh gia đình, anh Quang rời bỏ công việc hiện tại và trở về quê nhà thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu, đó là phát triển chăn nuôi. Điều lạ là nếu các mô hình chăn nuôi trên địa bàn chọn địa điểm cao ráo hoặc mảnh vườn rộng thoáng thì anh Quang xây nhà cao tầng để nuôi gà. Lúc ban đầu gặp muôn vàn khó khăn, nào là vốn, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đầu ra sản phẩm nhưng với bản lĩnh vững vàng, chịu khó học hỏi kiến thức kĩ thuật, tìm kiếm thị trường nên đến nay, anh Quang bước đầu tạo dựng cho mình cơ ngơi khang trang. “Hiện tại, tôi đang nuôi 2.000-3.000 gà thịt, mỗi lần xuất bán dao động 500-1.000 con. Bình quân mỗi năm tôi thu về 900 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí cho lãi ròng 300 triệu đồng. Ngoài ra, để chủ động con giống, tôi nuôi thêm 300 gà đẻ. Có thể khẳng định, nhờ đầu tư xây dựng nhà cao tầng nên hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt, góp phần tạo nên thành công như ngày hôm nay”-anh Quang nói. Trong khi đó, đang theo đuổi con đường làm du lịch, Nguyễn Thị Y (trú tại thôn An Lương, xã Duy Hải) đột ngột rẽ hướng nghiên cứu về nông nghiệp sạch. Cô gái trẻ quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh diện rộng, những mong thực hiện hóa giấc mơ đem đến bữa ăn “sạch” cho mọi nhà. Bước đầu, Y bỏ ra nguồn vốn 900 triệu đồng làm khu sản xuất rau 1.200m2 khép kín bởi màng lưới chống côn trùng, hạn chế ánh nắng trực tiếp. Riêng mô hình và một số thiết bị trồng rau, Y chọn công nghệ của Israel nhằm giúp rau hấp thụ dinh dưỡng tốt để sinh trưởng. Hệ thống tưới nước tự động điều chỉnh theo nhiệt độ bên ngoài. Nguồn nước tưới cho rau được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng. Với khả năng giao tiếp tốt cùng với sự am hiểu nhiều thứ tiếng, Y liên hệ trực tiếp đến các đại lý chuyên bán hạt giống ở nước Nhật, Ý, Hà Lan để đặt mua. Hiện nay bình quân mỗi ngày, trang trại của Y cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn tại TP.Hội An lên đến hơn 50kg, giá bán từ 50.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại. Không chỉ thế, nhiều người từ TP.Đà Nẵng vào mua rau với số lượng khá lớn.
Trang trại trồng nấm của anh Hồ Thanh Vỹ
Đó mới chỉ là 2 trong số khá nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp ở huyện Duy Xuyên. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Công – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên cho biết, trên địa bàn hiện có khá nhiều mô hình khởi nghiệp của nông dân trẻ, có tri thức, niềm đam mê và bước đầu mang lại thành công như mô hình chăn nuôi heo khép kín của anh Võ Ngọc Sơn (xã Duy Tân), nuôi gà thịt và gà đẻ trứng của anh Nguyễn Công Chức (xã Duy Tân), trồng hoa kết hợp ươm cây giống lâm nghiệp của anh Huỳnh Tấn Đồng (xã Duy Trung), mô hình nuôi tôm Vietgap của anh Nguyễn Cang (xã Duy Vinh)…Ông Công nói: “Các mô hình khởi nghiệp tạo ra những gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế nông nghiệp của huyện nhưng vẫn chưa đủ sức lan tỏa, xoay chuyển mạnh mẽ để góp phần phát triển bền vững nền kinh tế vốn chịu nhiều rủi ro”.
Nhiều vướng mắc
Từng là một kỹ sư cầu đường với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng nhưng Võ Ngọc Sơn lại từ bỏ TP.Hồ Chí Minh để về quê lập trang trại trang chăn nuôi heo. Thực tế cho thấy, anh khá thành công với mô hình này. Sơn chia sẻ: “Dù có một số thành công nhất định nhưng tôi vẫn đang gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư. Bởi hiện nay, tôi đang nuôi 600 con heo hái, 6.000 heo thịt và 18.000 con gà đẻ trứng với số vốn lưu động 18 tỷ đồng. Nếu bây giờ, tôi đi vay tiền thì ngân hàng không thể chấp nhận với lý do không đủ tài sản thế chấp. Vì vậy bản thân rất mong chính quyền địa phương và phía ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận nguồn vốn, yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô trang trại và phát triển bền vững hơn”.
Trong khi đó, hơn 2 năm qua, mô hình trồng nấm rơm của anh Lê Văn Nho ở xã Duy Phước bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao đời sống gia đình. “Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với trang trại của tôi là thiếu quỹ đất. Bởi sắp tới đây, tôi phải di dời trang trại trồng nấm để nhường đất thi công đường giao thông nông thôn, trong khi đó địa phương vẫn chưa thể bố trí nơi khác”- anh Nho chia sẻ. Có thể thấy, vấn đề khởi nghiệp không phải câu chuyện đơn giản, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp vốn đầy khó khăn và gặp nhiều rủi ro. Nhiều nông dân trẻ cho rằng, khởi nghiệp trong lĩnh vực này thành công cần phải hội đủ các yếu tố về kiến thức, đất đai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Cùng với đó, cần sự đồng hành của Nhà nước, nhà khoa học. Tuy nhiên để hoàn chỉnh các yêu cầu này là điều không hề dễ dàng, nhất là trong quá trình vận hành mô hình. Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin Khoa học Công nghệ Quảng Nam nhìn nhận, nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở Duy Xuyên đang tập trung chăm sóc đàn vật nuôi khỏe mạnh chứ chưa chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường – một yếu tố cực kì quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững. Cạnh đó, người dân và chủ trang trại rất ít sản xuất phân hữu cơ hay phân vi sinh, từng bước thay thế phân hóa học để góp phần phát triển nông nghiệp sạch, an toàn. Còn ông Vũ Văn Thẩm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, thời gian qua, các cơ quan chức năng ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nhưng rất khó tiếp cận, giống như bỏ hạt bắp vào chai thủy tinh mà con gà chỉ biết đi xung quanh, không biết lấy bằng cách nào. Đó là chưa kể việc nông dân đang mất đất sản xuất để nhường cho các dự án thương mại – dịch vụ hấp dẫn. Đặc biệt, các địa phương thiếu cơ sở chế biến, bảo quản hàng hóa nông sản…
Thúc đẩy khởi nghiệp
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo tỉnh cho rằng, hiện nay khởi nghiệp nông nghiệp đang là xu hướng của nhiều người trẻ. Bởi chưa bao giờ câu chuyện bữa cơm sạch lại nhức nhối như hiện nay, khi mà người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn để tìm được những mặt hàng đảm bảo chất lượng. Đây chính là lý do vì sao nông nghiệp là lĩnh vực đang được nhiều bạn trẻ chú ý và chọn cho mình con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khởi nghiệp ban đầu nên đầu tư ít vốn, bắt đầu từ câu chuyện nhỏ đến lớn. Đồng thời phải có sự liên kết, ví dụ như trang trại anh Võ Ngọc Sơn có trồng 5ha sen thì tại sao không liên kết với HTX Thu Bồn đang chế biến trà thảo mộc lá sen. Theo ông Vũ Văn Thẩm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, những nông dân trẻ ở Duy Xuyên có sự dũng cảm, quyết liệt, sáng tạo khi dám từ bỏ nơi phồn hoa phố thị để về quê lập nghiệp. Các bạn có tri thức, ham học hỏi là tiền đề quan trọng tạo nên thành công, góp phần phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, tạo ra chuỗi giá trị lớn. Ông Thẩm nói: “Hội Nông dân tỉnh luôn đồng hành, kết nối và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bạn vay vốn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Riêng đối với Duy Xuyên, chúng tôi sẵn sàng bố trí 4 tỷ đồng vốn ưu đãi để thanh niên vay đầu tư phát triển kinh tế”. Ông Nguyễn Công Dũng – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, muốn khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ phải thay đổi tư duy, không đi theo lối mòn và thích nghi trong môi trường lớn. Sản xuất phải gắn với thị trường và thị trường phải đi tiên phong. Đặc biệt huyện Duy Xuyên có định hướng làm nông nghiệp hướng đến phục vụ du lịch, phục vụ xuất khẩu. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ đầu tư hạ tầng, thủ tục đất đai, chuyển giao công nghiệp và có cơ chế hỗ trợ linh hoạt, nhất là về vốn.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, khởi nghiệp từ nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, nông dân trẻ ở Duy Xuyên cần trau dồi kinh nghiệm, học hỏi người đi trước, nghiên cứu kỹ thị trường, biết ứng dụng khoa học công nghệ, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Phải thực sự đam mê nông nghiệp, theo đuổi lâu dài và tìm được đồng đội trước khi chọn loại hình khởi nghiệp, bởi muốn đi nhanh thì đi một mình, còn đi xa phải đi cùng nhau. Mặt khác, nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ thanh niên trên con đường khởi nghiệp…
Phi Thành