Theo đuổi niềm đam mê lao động sản xuất với mô hình trồng trái cây sạch, anh thanh niên Nguyễn Tấn Sinh thôn Thuận An xã Duy Nghĩa đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng trái cây sạch bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan.
Bằng niềm đam mê, dám nghĩ dám làm, tinh thần xung kích và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Nguyễn Tấn Sinh tự tìm tòi học hỏi qua sách báo, tham gia các hội trồng trọt trên các trang mạng xã hội về nhiều mô hình trồng trọt, sản xuất trái cây sạch, tìm hiểu đặc tính, cách chăm sóc từng loại cây trồng, kết nối nhập các loại cây giống từ Bến Tre về trồng như ổi lê Đài Loan, ổi Nữ Hoàng, bưởi da xanh ruột hồng, bơ 034, na Thái, chanh, xoài Đài Loan, dừa Xiêm lùn về trồng trên diện tích gần 5000 m2 của gia đình. Đặc biệt, giống ổi lê Đài Loan đến nay đã cho kết quả thu hoạch. Anh Sinh cho biết, giống ổi lê Đài Loan từ ngày trồng đến thu hoạch là 9 tháng, đây là lứa ổi đầu tiên được thu hoạch, mỗi quả trọng lượng trung bình 300 gram đến 400 gram, có quả nặng đến 600gram, quả ổi rất ngọt, thơm ngon được bán với giá 30.000 đồng/ 1 ký. Có được kết quả như hôm nay, anh Sinh kỳ công chăm sóc, bằng kỹ thuật khống chế chiều cao của cây, chỉ để cây cao tầm một mét trở xuống, việc bấm cành tạo tán không cho cây quá cao sẽ dễ bọc trái và thu hoạch sau này, tạo nhiều nhánh để cây tập trung dinh dưỡng sẽ cho ra nhiều trái, khoảng cách giữa các gốc ổi là 2,5m x 2,5m, bấm bỏ bớt quả trên cây, chỉ để mỗi cây tầm 5 đến 7 quả tùy theo cây tạo nhiều nhánh để cây tập trung dinh dưỡng sẽ cho ra nhiều trái quanh năm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan xung quanh vườn, chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, vẻ mặt niềm nở, anh Sinh hồ hởi cho biết thêm: “Thường thì 3 tháng sẽ bón phân chuồng, bánh dầu một lần, dùng thân cây chuối ủ xung quanh gốc tạo kali sẽ giúp trái ngọt hơn. Bên cạnh đó, chế độ nước tưới phải thường xuyên. Tập trung theo dõi phòng bệnh rầy, rệp cho cây bằng dung dịch tỏi, ớt, gừng ngâm rượu, tuyệt đối nói không với hóa chất hữu cơ”. Sinh ấp ủ nhiều ước mơ, dự định trong tương lai sẽ mở rộng sản xuất sau này sẽ thiết kế lại vườn tược để đón bạn bè, anh em và du khách đến tham quan và trải nghiệm. Ngoài ra, Sinh sẽ ra trại giống Đà Nẵng học hỏi thêm về giống cá để thả nuôi với diện tích 500 m2 trong vườn đã được đào, sẵn sàng chuẩn bị cho một hướng đi mới bên cạnh vườn trái cây sạch.
Anh Trần Y Khoa, Bí thư đoàn xã Duy Nghĩa cho biết: “Với tấm lòng và nhiệt huyết trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên địa phương, qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng cát Duy Nghĩa. Mô hình kinh tế vườn của anh Nguyễn Tấn Sinh với những nỗ lực bước đầu trên bước đường khởi nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mở ra một hướng mới trong việc kết nối định hình các tour du lịch sau này gắn với các sản phẩm sạch của địa phương sẽ góp phần khuyến khích thanh niên nông thôn tự tin tìm kiếm cơ hội lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương”.
Hy vọng, mô hình khởi nghiệp từ trái cây sạch của anh Nguyễn Tấn Sinh sẽ nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương để có thêm thật nhiều bạn trẻ làm kinh tế giỏi, xung kích tham gia phát triển kinh tế xã hội gắn bó và xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Hồ Hằng