A+ A A-

Qua căn cứ Hòn Tàu...

          Hoa sen nở giữa cánh đồng Trà Lý (thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, Duy Xuyên), dù đã độ cuối mùa. Ngước nhìn lên Hòn Tàu, ngút ngát một màu xanh. Nơi này, đi qua bao nhiêu bom đạn của chiến tranh, vẫn xanh mê mải đến thế, như một niềm tin không bao giờ tắt dành cho quê hương, cho cách mạng…

         Thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), vùng đất nơi người dân kiên cường bám trụ theo cách mạng. Ảnh: T.C

Thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), vùng đất nơi người dân kiên cường bám trụ theo cách mạng. Ảnh: T.C         

       1. Con đường dẫn lên Khu di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu đã thành hình. Lối đi len lỏi giữa cánh rừng. Đứng trên đỉnh nhìn xuống, là mênh mang đồng bằng phía dưới. Nhà bia di tích đã nghi ngút khói hương. Những ngày này, đơn vị thi công đang gấp rút triển khai các hạng mục cuối cùng, sẵn sàng cho ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà. Đó cũng là mong chờ đến khắc khoải của bao người từng gắn bó thân thuộc với từng hang đá, góc núi nơi này.

        Bác sĩ Nguyễn Như Lễ, từng là người sát cánh bên ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, đã không ít lần trở lại Hòn Tàu. Nhưng ông vẫn bồi hồi đợi ngày kỷ niệm, đợi cuộc trùng phùng ở nơi đã một thời gắn bó máu xương vùng căn cứ. “Hòn Tàu là căn cứ tuyệt vời. Rừng che bộ đội, che cả chúng tôi khỏi trùng trùng đạn bom Mỹ ngụy. Trong chiến tranh, phía trước là ác liệt, phía sau là gian khổ. Chính nơi này đã bảo bọc cách mạng, như một mái nhà chung cho hàng nghìn người chiến đấu và chiến thắng” - bác sĩ Lễ nói. Chúng tôi nhìn trong mắt ông, cảm giác sự chờ đợi như gói ghém bao ký ức và cả niềm tự hào về một thời oanh liệt ở cứ địa xưa, nay lại dâng trào trong lòng một người cũ của Hòn Tà

          Bồi hồi, là cảm giác chung của bao người đã một thời gắn bó với Hòn Tàu như bác sĩ Lễ. Về lại Hòn Tàu, không chỉ để gặp cảnh cũ, người xưa. Vì đâu đó, còn cả những kỷ niệm với đất và người quanh vùng linh địa. “Đi đâu cũng phải có dân”, lời khẳng định của bác sĩ Nguyễn Như Lễ qua bao năm tháng cống hiến cho cách mạng Quảng Đà, như một đúc kết chung của người làm cách mạng. “Đi đâu cũng phải có dân”, lời khẳng định của bác sĩ Nguyễn Như Lễ qua bao năm tháng cống hiến như một đúc kết chung của người làm cách mạng. Dân dẫn đường, chỉ chỗ đặt hầm làm nơi cứu thương, cho lương thực. Và tiên quyết, là giữ bí mật tuyệt đối cho cách mạng. Vì thế, có một căn cứ khác ngoài Hòn Tàu, vững chãi và an toàn không kém, đó là “căn cứ lòng dân”.Dân dẫn đường, chỉ chỗ đặt hầm làm nơi cứu thương, cho lương thực. Và tiên quyết, là giữ bí mật tuyệt đối cho cách mạng. Vì thế, có một căn cứ khác ngoài Hòn Tàu, vững chãi và an toàn không kém, đó là “căn cứ lòng dân”. Dân Quế Hiệp (Quế Sơn), dân Duy Sơn (Duy Xuyên)… cùng hàng nghìn, hàng vạn người dân làm cơ sở cách mạng. Nhiều phen nguy cấp, địch vây ráp, càn quét, dân vẫn tận tình che giấu, bảo vệ cán bộ bằng mọi giá. Ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà kể lại, một lần trên đường đi họp, đang trú nhờ nhà một cơ sở cách mạng ở Hòa Mỹ (Quế Sơn) thì bị lộ. Ông tháo nuột lạt, xẻ vách trốn ra ngoài. Lần tìm trong trí nhớ, ông đến nhà một cơ sở khác, được người dân chỉ dẫn chỗ ẩn nấp. Tháng 10 âm lịch, đang mùa nấu mía đường, chủ nhà mang vô buồng nơi ông nằm một bát đường non trộn trứng gà. Bát đường non ấy là kỷ niệm theo ông suốt những năm tháng chiến đấu, như một ân tình không thể quên của người dân với cách mạng, với người cán bộ, giữa sự khủng bố, bắt bớ ráo riết của địch.

          “Còn dân kẻ đón người đưa/ Hết dân đi sớm về trưa… như con chồn”. Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà đọc câu vè vui mà cán bộ thời ấy vẫn truyền tai nhau khi ở trên Hòn Tàu. Giữa trùng trùng đạn bom, pháo kích, chốt gác “dày như mía”, những cơ sở cách mạng trong lòng dân vẫn vững vàng. Vừa che giấu, bảo vệ cho cán bộ, vừa tìm cách thông tin tình hình địch, tiếp tế lương thực cho căn cứ. Những con đường từ Hòn Tàu đi vùng đông Duy Xuyên, qua Điện Bàn, lên Đại Lộc luôn được giữ. “Thời đó, mỗi người dân là một dũng sĩ cách mạng. Không chỉ sản xuất, cất giấu và tìm cách chi viện lương thực cho bộ đội, cho cách mạng, không ít người là du kích địa phương trực tiếp cầm súng chiến đấu với địch. Sắn khoai, rau quả, từng hạt lúa chắt chiu để dành cho cán bộ, cho bộ đội ở Hòn Tàu. Có đợt, hàng chục nữ dân công vận tải gạo lên mặt trận bị phục kích, hy sinh hơn mười người… Không bao giờ kể hết công lao của người dân với Đảng, với cách mạng” - Đại tá Lê Công Thạnh bùi ngùi nhớ lại.

       Thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), vùng đất nơi người dân kiên cường bám trụ theo cách mạng. Ảnh: T.C  

         Ông Võ Đoàn, một trong những cơ sở của Đặc khu ủy Quảng Đà tại Duy Sơn những năm thành lập đặc khu. Ảnh: T.C

         2. Thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn), nơi có cánh đồng Trà Lý cũ nằm yên bình nép dưới chân Hòn Tàu. Một thời giành dân, giữ đất, cây lúa, cây bắp lớn lên ở nơi này đều sớt lại cho cách mạng. Ông Võ Đoàn ở thôn Chánh Lộc từng là một trong những cơ sở cũ của cách mạng, nơi mà mỗi dịp đi công tác, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Trần Thận thường ghé qua, được ông nuôi ăn, cất giấu. Tuổi tác không làm ông quên lãng những chuyện xưa. Theo cách mạng từ tuổi đôi mươi, đến khi núi Hòn Tàu thành nơi đóng chân của Đặc khu ủy, cả gia đình ông theo vào vùng giải phóng, là cánh đồng sát chân núi Hòn Tàu này. Địch khủng bố, đe dọa, bao phen pháo kích, bom bầy, nhiều cơ sở như nhà ông Đoàn vẫn kiên quyết bám trụ. Họ kiên gan như cây cỏ ở Hòn Tàu, bị vạt trụi sau trận bom cày rồi lại lên xanh. Mà không chỉ dân Trà Lý. Địch dồn dân xuống Trà Kiệu, bà con tranh thủ lúc đi sản xuất để gặp gỡ, cung cấp thông tin cho cán bộ nắm tình hình. Lon gạo, bao sắn gửi lại nơi đầu hồi để tối đến, du kích, bộ đội từ trên núi xuống lấy về nuôi đơn vị. “Dân ở vùng này cả đời theo Đảng, theo cách mạng. Dù có khó khăn, gian khổ vẫn một lòng như vậy. Lúc địch điên cuồng bố ráp nhất, lúc cuộc chiến đấu căng thẳng nhất, cả vùng Trà Lý gần như trắng cây cối, nhưng dân vẫn ở lại với cách mạng đến cùng” - ông Võ Đoàn kể. Tóc đã trắng màu thế kỷ, sự minh mẫn cũng không còn theo tuổi tác, vậy mà phần ký ức về cách mạng, về Hòn Tàu được gọi tên như một niềm tự hào không bao giờ tắt trong ông Đoàn.

       Một người khác, là ông Phạm Hữu Phước (thôn Phú Nham Tây, xã Duy Sơn), người từng cầm súng chiến đấu suốt dọc các cánh rừng ở chân núi Hòn Tàu. Ông Phước và những người đồng đội, như một chốt gác nơi cửa rừng, đánh bật không ít đợt càn của địch vào căn cứ, cùng bộ đội chiến đấu giữ từng hang đá. Những hồi ức, giờ vun đắp thành niềm tự hào về quê hương, về vùng linh địa của cách mạng đến ngày độc lập…

          Chúng tôi đi qua những hồ sen, qua bãi bờ Trà Lý, con nước dưới chân đập như tấm gương soi nền trời trong. Vẫn thấy những đóa sen bung mình sót lại, như níu lấy chút hương cuối mùa. Màu xanh vươn mình trên khắp đất Duy Sơn. Là những đồng sen rộng ở Trà Lý, những diện tích lúa năng suất cao khắp các cánh đồng. Là cây keo lá tràm, loài cây mang lại giá trị kinh tế cao cho vùng đất cách mạng. Dự án đầu tư, phục dựng di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu được triển khai, đánh thức niềm tự hào của vùng “đất đỏ” - nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nơi tìm về của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ thời gian khó, và cả kỳ vọng đầu tư, phát triển du lịch cho địa phương. Phía núi, những ước mơ đang thành hình…

Ghi chép của
THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19803274
Hôm nay
Hôm qua
7395
10160