A+ A A-

50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 3)

       Đặc khu ủy Quảng Đà được thành lập trong bối cảnh nhiều thách thức, không chỉ ở mặt trận quân sự. Vận động nhân dân tham gia đấu tranh chính trị, chống lại mọi thủ đoạn của địch, vạch ra nhiều quyết sách đẩy mạnh phong trào… được Đặc khu ủy lãnh đạo và phát động đã tạo ra khí thế mạnh mẽ cho toàn mặt trận Quảng Đà thời ấy.

        Lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tại hội thảo khoa học “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà”. Ảnh: QUỐC TUẤN 

ãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tại hội thảo khoa học “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà”. Ảnh: QUỐC TUẤN         

         Đấu tranh chính trị ở miền Nam nói chung đã xuất hiện từ trước năm 1960 với nhiệm vụ chủ yếu là đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống khủng bố. Nhưng từ năm 1965, khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tình hình bắt đầu thay đổi. Trước chuyển biến đó, đến năm 1967, sự ra đời và nhanh chóng nắm bắt tình thế của Đặc khu ủy Quảng Đà đã thực sự là đòn bẩy, tạo bước ngoặt đưa phong trào trở nên quy củ, rầm rộ, giành thế chủ động trên mặt trận đấu tranh chính trị.

          Quyết định táo bạo

          Nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - ông Trần Thận cho hay, tháng 10.1968, Đặc khu ủy Quảng Đà lần đầu tiên tổ chức hội nghị đấu tranh chính trị toàn đặc khu để tổng kết và khen thưởng phong trào năm 1968. Lúc bấy giờ đang là Phó Bí thư Đặc khu ủy được giao chủ trì hội nghị này - ông Trần Thận kể, nghị quyết đầu tiên của hội nghị đã thông qua một nội dung quan trọng, trong đó có việc thành lập Ban chính trị đến cấp quận, huyện và các Ban chỉ huy đấu tranh chính trị ở cấp xã. “Đặc khu ủy Quảng Đà cực kỳ coi trọng mặt trận đấu tranh chính trị. Từ đó đã phân tích, đánh giá đúng tình hình, tính toán những bước đi tiếp theo khi địch bị sa lầy trên mặt trận vũ trang” - ông Trần Thận nhớ lại.

          Ông Nguyễn Tấn Thọ - nguyên cán bộ Ban đấu tranh chính trị Quảng Đà kể, Ban đấu tranh chính trị của đặc khu vào thời điểm tháng 10.1968 chỉ có 7 đồng chí. Đến cuối tháng 12.1973, lực lượng đã tăng lên 50 đồng chí để làm công tác tham mưu chỉ đạo và phục vụ cho phong trào đấu tranh chính trị của đặc khu. Một quyết định táo bạo của Đặc khu ủy Quảng Đà thời đó là thành lập Chi bộ 2, khi Điều lệ Đảng chưa có quy định này. Từ Chi bộ 2 đầu tiên được thành lập ở Điện Bàn vào năm 1968, chỉ sau một thời gian ngắn toàn đặc khu đã có 33 Chi bộ 2 với phần lớn là đảng viên nữ hoạt động hợp pháp và độc lập, trở thành cánh tay đắc lực trong phong trào đấu tranh chính trị. Quyết định táo bạo này đã phần nào làm thay đổi cục diện đấu tranh chính trị ở Quảng Đà. Ngọn lửa tranh đấu vẫn mạnh mẽ cháy lên cả trong những nơi bị địch chiếm đóng, khủng bố ác liệt. Từ đó, phong trào ngày càng lan rộng, tạo khí thế mới cho đấu tranh, kêu gọi và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.

          Ông Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà chia sẻ, trong công tác đấu tranh chính trị, Đặc khu ủy đã tăng cường cán bộ chủ chốt của Ban đấu tranh chính trị vào vùng địch, đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng, lực lượng đấu tranh chính trị. Bộ máy lãnh đạo đấu tranh chính trị, bao gồm cả cán bộ hợp pháp và bất hợp pháp, được tổ chức chặt chẽ. Nhờ đó, ở nhiều địa phương ngay trong lòng địch như tại Hội An, TP.Đà Nẵng, phong trào đấu tranh chính trị lan tỏa với quy mô lớn. Trình độ tổ chức, năng lực chỉ huy của lực lượng đấu tranh cũng dần dần được nâng cao. Đặc biệt, ở các vùng cơ sở cách mạng của Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, người dân rất ủng hộ cách mạng, luôn sẵn sàng tham gia đấu tranh dưới sự tổ chức của các Ban chỉ huy đấu tranh chính trị cấp xã…

          Linh hoạt ứng biến

          Trên mặt trận Quảng Đà, vùng cát Điện Bàn giáp ranh Đà Nẵng và Hội An nên là một trong những điểm “nóng” mà địch quyết khống chế. Năm 1967, địch đưa lữ đoàn Rồng Xanh (Nam Triều Tiên) vào đóng tại Lai Nghi tiến hành càn quét, sát hại đồng bào ở Điện Dương, Điện Nam… Sau đó, do nằm trong vùng thiết lập hàng rào điện tử McNamara nên vùng cát Điện Bàn nhất là khu vực Điện Nam dần trở nên bị cô lập, “trắng” dân, khiến liên lạc từ vùng tự do đi vùng đông Điện Bàn, khu 3 Hòa Vang và quận 3 Đà Nẵng có nguy cơ bị chia cắt. Lập tức, Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ đạo Huyện ủy Điện Bàn và Ban đấu tranh chính trị đặc khu đưa Phó Bí thư Huyện ủy cùng nhiều cán bộ xuống đứng chân ngay tại Điện Nam cùng nhân dân đấu tranh giành lại thế hợp pháp, tránh dồn dân, lấn đất. Sau gần 2 năm, quân Nam Triều Tiên đã phải để người dân địa phương về lại làng cũ làm ăn hợp pháp, trở thành chỗ dựa tin cậy, đùm bọc phong trào cách mạng hoạt động sôi nổi trở lại.

          Tại Duy Xuyên, cuộc đấu tranh chống dồn dân lập khu tập trung của địch tại khu tập trung Nổng Bà Tình cũng là điển hình tiêu biểu cho phong trào đấu tranh chính trị ở địa phương. Tại đây, địch dùng chiêu bài mời một người con liệt sĩ quân Giải phóng ở Đà Nẵng về làm quản lý khu dồn, khéo léo dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và tinh thần khiến một bộ phận người dân địa phương dao động tâm lý. Ông Nguyễn Tấn Thọ kể lại, để ổn định tư tưởng người dân, ông Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà giai đoạn đó đã cấp tốc viết một lá thư gửi nhân dân huyện Duy Xuyên với nội dung đại khái là “con gà được cho ăn đầy đủ nhưng gần nồi nước sôi; con hạc tuy không lương nhưng được tự do bay khắp trời đất”. Sự vận động kịp thời của cách mạng đã phát huy tác dụng. Nhờ đó, đồng bào tại đây dần tìm về làm ăn, sản xuất tại làng mạc quê hương, lấp đầy các vùng “trắng” dân, giúp giữ thế cho phong trào cách mạng. Ở Duy Sơn (Duy Xuyên), dù địch tìm mọi cách dụ dỗ, khủng bố, đẩy dân về các khu dồn Trà Kiệu, nhưng nhờ sự kiên trì hoạt động của cán bộ Ban đấu tranh chính trị, người dân kiên quyết trở lại khu sản xuất, từ đó tìm cách tiếp tế lương thực, thông tin tình hình cho cách mạng. Nhiều gia đình rời khỏi khu dồn, rồi đưa người thân, bà con về vùng giải phóng để sản xuất và chiến đấu. Phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh ở đây diễn ra thường xuyên, đập tan các mưu đồ của địch.

          Sôi nổi ở nội thành

          Ở nội thành Đà Nẵng, các cuộc đấu tranh chính trị diễn ra dồn dập với quy mô lớn lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chỉ trong tháng 5.1970 đã có tới 4 cuộc đấu tranh chính trị lớn được phát động tại Đà Nẵng. Nhân ngày Quốc tế lao động, ngày 1.5.1970, với khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, hơn 15.000 công nhân, lao động Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà đã xuống đường biểu tình. Đến ngày 17.5.1970, sự kiện càng diễn ra rầm rộ hơn khi có tới 35.000 công nhân dùng hơn 1.000 phương tiện xe cộ các loại diễu hành lấy lý do nhân ngày Phật đản, nhưng thực chất là kỷ niệm 80 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một ngày sau (18.5.1970), có đến hàng vạn người tiếp tục xuống đường đấu tranh đòi hòa bình.

          Các phong trào đấu tranh chính trị chống bắt lính, đôn quân để “thay màu da trên xác chết” cho Mỹ, chống quân sự hóa học đường, chống cuộc bầu cử tổng thống năm 1971 của Nguyễn Văn Thiệu… cũng liên tục nổ ra ở Đà Nẵng. Đến tháng 3.1972, Đặc khu ủy Quảng Đà tiếp tục đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị công khai, hợp pháp từ đó đánh bại các chương trình “quét và giữ Đà Nẵng”, “bình định nông thôn” của địch. Những phong trào này khiến nội bộ vùng địch chiếm đóng thường xuyên bất ổn; ngược lại, khí thế đấu tranh chính trị của ta nâng cao trong mọi tầng lớp người dân. Từ những thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chính trị, cách mạng có thêm bước đà thuận lợi, góp phần không nhỏ để mặt trận Quảng Đà cùng cả nước đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Từ đó, đi đến bước ngoặt lịch sử của cuộc chiến: ký kết Hiệp định Paris công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19803332
Hôm nay
Hôm qua
7453
10160