Trong số các văn thần tham gia biên soạn bộ sử biên niên Đại Nam thực lục (ghi chép việc từ thời các chúa Nguyễn đến gần cuối triều Nguyễn) có ông Hồ Trung Lượng, một tiến sĩ Nho học quê ở huyện Duy Xuyên - người được truyền tụng là bậc khoa bảng Quảng Nam có xu hướng Duy tân...
Từ thư tịch hiện còn
Sách “Quốc triều hương khoa lục” ghi danh sách những người đỗ cử nhân năm Thành Thái thứ 3 (Tân Mão - 1891) ở vị thứ 12 có ông Hồ Trung Lượng với những chi tiết như sau: “người xã An Dưỡng tỉnh Quảng Nam, thi đậu tiến sĩ năm Nhâm Thìn - 1892”.
Bộ Đại Nam thực lục (ĐNTL) đã ghi tên ông Hồ Trung Lượng hai lần tham gia biên soạn: Lần đầu (1894) tham gia soạn phần Đệ tứ kỷ, chép việc từ khi vua Thiệu Trị băng hà (tháng 12 năm 1847) đến năm Tự Đức thứ 36 (1883). Trong lần chép sử này, ông đang giữ chức Thị giảng tại Hàn lâm viện, được giao nhiệm vụ tham gia “biên tu”. Lần thứ hai ông cũng tham gia soạn phần Đệ ngũ kỷ và Đệ lục kỷ, chép việc từ tháng 11 năm Quý Mùi - 1883 đến tháng 12 năm Mậu Tý - 1888, tức bao gồm các việc của triều đình nhà Nguyễn từ niên hiệu Tự Đức thứ 36 đến quãng ngắn thời 3 vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc rồi đến niên hiệu Hàm Nghi và kết thúc ở niên hiệu Đồng Khánh thứ 3. Trong lần thứ hai này, tên ông Hồ Trung Lượng được ghi với hàm Hàn lâm viện Thị độc, tham gia soạn sách cũng với nhiệm vụ “biên tu”. Biên tu là chức quan thuộc Hàn lâm viện, hàm Chánh thất phẩm, được giao việc chép sử; nhiệm vụ quan trọng này thường giao cho những người có học vấn cao, kiến thức rộng.
Đến các tư liệu thu thập từ Duy Xuyên
Nhiều người làm sử ở Quảng Nam - Đà Nẵng về sau đã đến vùng xã An Dưỡng xưa (sau thuộc thôn Mậu Hòa xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) tìm hiểu qua hậu duệ của tiến sĩ Hồ Trung Lượng đã đưa ra nhiều thông tin. Tác giả Nguyễn Thị Tuyết đã tập hợp, tìm hiểu thêm và đã công bố những thông tin thêm về ông tiến sĩ này trong bài viết trên trang http://duyxuyenrt.vn/tin-tc/dat-va-nguoi/592-tin-s-h-trung-lng.html. Bài viết này đã cung cấp nhiều chi tiết về gốc gác, dòng dõi họ Hồ ở Duy Xuyên, về gia thế gia cảnh, về việc học hành, về hoạn lộ cũng như hành trình làm quan rồi xin từ quan về quê nhà dạy học. Đây là một hệ thống tư liệu phong phú nhất được biết về cuộc đời và hành trạng của tiến sĩ Hồ Trung Lượng mà chính sử không thấy ghi.
So với những tổng hợp và công bố của tác giả Nguyễn Thị Tuyết nêu trên thì những ghi chép của ông Nguyễn Q.Thắng về tiểu sử Hồ Trung Lượng trong cuốn “Quảng Nam Đất nước & Nhân vật I.II” (NXB Văn hóa Thông tin, tháng 8.2001) ít chi tiết hơn. Nhưng ông Thắng đã nêu ra được năm sinh (Canh Thân - 1860) và năm mất (Nhâm Ngọ - 1942) của Hồ Trung Lượng - mà ông gọi là “Danh thần, Nhà giáo dục” này. Các chi tiết như “Thuở nhỏ ông (Lượng) học trường Giáo Duy Xuyên, trường Đốc Quảng Nam. Năm Tân Mão (1891) đỗ cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, năm sau 1892 đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn lúc 32 tuổi… Sơ bổ Thừa biện Bộ Lễ tại Huế, năm 1894 giữ chức Tri phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1902 thăng Đốc học Bình Định, sau chuyển về Huế giữ chức Thị lang Bộ Lễ. Năm 1916 sau biến cố Duy Tân khởi nghĩa, ông xin về hưu với hàm Tham tri. Sau khi về hưu được phong hàm Thượng thư” (sách đã dẫn trang 372) đã được nhiều bài viết về tiến sĩ Hồ Trung Lượng dẫn lại.
Và câu chuyện “Trân trọng tư tưởng Duy tân”
Trong sách của mình, ông Nguyễn Q.Thắng kể câu chuyện có liên quan đến ông Hồ Trung Lượng như sau: “Năm 1905, khi còn làm Đốc học Bình Định, nhân một khóa khảo hạch chuẩn bị cho kỳ thi Hương khoa Bính Ngọ (1906) tại trường Đốc Bình Định do ông (Hồ Trung Lượng - NV chú thích) làm chủ khảo. Trong kỳ hạch này Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng sáng tác bài thơ “Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn lương ngọc” làm vang động cả trong toàn quốc cả về chính trị, văn hóa, cảnh tỉnh giới sĩ phu trong học giới rất mạnh. Tuy ông (Lượng) biết rõ tác giả bài thơ và bài phú là ba nhà chí sĩ trên, nhưng ông không hề báo với quan lại Nam triều và thực dân hồi ấy. Việc này ông chỉ tiết lộ với bạn đồng hương là tiến sĩ Phan Quang mà thôi” (sđd, tr 372-373). Câu chuyện lý thú này được dẫn lại trong nhiều bài viết có liên quan đến ông Hồ Trung Lượng. Những chi tiết chép trong đoạn đã dẫn trên có chỗ hơi khác nhưng không mâu thuẫn với những gì do chính cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại trong cuốn “Huỳnh Thúc Kháng niên phổ” (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội tái bản tháng 12 năm 2000).
Các bài thơ lưu lại
Không kể đến các câu đối mang tính chất xã giao đối với một vài người có thành tích đỗ tú tài Tây học hoặc chữa bệnh công hiệu ở vùng đất Duy Xuyên đương thời (mà tác giả Nguyễn Thị Tuyết đã dẫn) và không kể đến tác phẩm có tên “Giác thế tính bất khả lục” mang ký hiệu (VHv.1102) mà Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội giới thiệu tên sách trên trang http://www.hannom.org.vn/default.asp?catID=246&c=72, đến nay, chưa tìm thấy thêm tác phẩm nào của tiến sĩ Hồ Trung Lượng - ngoài sáu bài thơ vịnh về thần tích “thần nữ thôn Phiếm Ái” được ghi thêm vào trong bản “Thần nữ linh ứng truyện” của nho sĩ Nguyễn Bội Bửu còn lưu nơi “Miếu Bà Chợ Được” ở thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình. Trong bản truyện chữ Nho này, nho sĩ ấy đã trang trọng ghi danh ông Hồ Trung Lượng với dòng sau “Khải Định tứ niên, thập nhị nguyệt, thập lục nhật: Tứ Nhâm Thìn khoa, Đồng tam giáp tiến sĩ cáo thụ Gia Thiện đại phu, Học bộ Thị lang trí sĩ Nam Xuyên Hồ Mộng húy Lượng phụng duyệt chính”. Xin dịch là: “Năm Khải Định thứ tư (1919), tháng mười hai, ngày mười sáu: Người giúp phụng duyệt (văn bản này) là ngài Thị lang bộ Học (đã nghỉ việc quan) ở Nam Xuyên, họ Hồ (chữ lót là Mộng?), tên húy là Lượng, đỗ Đồng tiến sĩ Đệ tam giáp khoa Nhâm Thìn - 1892, từng được triều đình phong tước Gia Thiện đại phu”.
Qua nội dung lời ghi danh trên có thể biết ông Hồ Trung Lượng cáo quan về ở ẩn (trí sĩ) tại quê nhà vùng Nam Phước - Duy Xuyên (Nam Xuyên) vào thời điểm đương làm Thị Lang Bộ Học (trước năm 1919) và phải là người được trọng vọng nhất mới được mời duyệt chính một văn bản thờ tự tín ngưỡng quan trọng của địa phương.
Dù cần phải thu thập thêm nhưng với tư liệu ít ỏi cũng đã cho biết: Tiến sĩ Hồ Trung Lượng thi đỗ học vị rất cao thời Nho học; từng làm quan chép sử của triều Nguyễn; từng thấu hiểu và ủng hộ tư tưởng Duy tân vào đầu thế kỷ 20; cáo quan sớm về ở ẩn có thể do chán nản thời cuộc; được trọng vọng về văn tài và nhân cách.
PHÚ BÌNH