Tôi lang thang ven sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên), rồi ngồi dưới những rặng tre kẽo kẹt, nghe bà con ở đây nói chuyện về loài cá mòi.
Người dân chèo thuyền đánh cá mòi trên sông Thu Bồn. Ảnh: XUÂN THỌ
1. Đã bước vào tuổi 80, nhưng bà Hồ Thị Hoa vẫn còn rất khỏe. Bà cầm chèo, bơi thuyền ngược nước để đến nơi mà với kinh nghiệm của mình, bà tin chắc rằng cá mòi sẽ dính lưới. Đó là quãng sông nước đục và dòng nước chảy hơi mạnh. “Nước đục, cá sẽ không thấy lưới để mà tránh đi. Còn nước hơi chảy mạnh thì cá dễ bị dính lưới hơn” - bà Hoa giải thích. Tầm 15 phút sau khi bơi thuyền ngược nước, chúng tôi đến được nơi mà bà Hoa muốn đến. Ước chừng quãng sông ấy rộng hơn cả trăm mét, tôi dò hỏi độ sâu, bà Hoa nói chừng 5 - 15m. Trong lúc bà Hoa thả lưới, tôi mới để ý rằng bờ sông bên phía xã Duy Tân vẫn còn “ngon lành” do được bảo vệ bởi hàng tre sát mép sông. Còn bờ bên phía Đại Lộc, thì sạt lở tan tành, bờ sông chỏng chơ.
“Bọn mi lên hôm ni là… trật bài. Cái đám đàn ông, thanh niên kéo nhau đi Trà My hết rồi, lên ấy đua thuyền” - bà Hoa nói, kiểu như muốn giải thích sự hoang vắng của dòng sông Thu Bồn hôm ấy, trong khi vẫn tiếp tục thả lưới. Ở phía đuôi thuyền, chị Hồ Thị Mận, cháu nội bà Hoa, tiếp lời: “Chứ không là họ đi đông vui lắm. Bữa ni một mình nội vẫn đi dù biết không được nhiều nhặn gì”. Nhà bà Hoa sát mép sông, làng dựa vào sông mà sống ngay từ thời khởi thủy. Bà sinh ra, từ tấm bé cũng học cách người lớn bám sông mà mưu sinh. Hành trình đời người, bà cùng chồng lênh đênh sông nước kiếm cái nuôi con. Mùa cá mòi chỉ kéo dài từ tháng Giêng cho đến hết tháng Ba âm lịch, họa hoằn lắm thì thêm được chút đầu tháng Tư. Rồi thôi. Rồi thuyền xuôi thuyền ngược với những loài cá khác, như thể “giết” thời gian để đợi đến mùa cá mòi năm tới.
Biết sức mình tuổi già, bà Hoa không dám thả hết, mà chỉ áng chừng hai phần ba chiều dài của lưới. Đó cũng là lúc chiếc thuyền bị nước cuốn trôi đi một đoạn khá xa so với ban đầu. Chị Mận cố nguẩy nguẩy chèo như để “neo” thuyền lại. Ở mũi thuyền, bà Hoa liên tục lấy chèo gõ vào mạn thuyền. “Để bọn hắn sợ, chạy tứ tung rồi dính lưới” - bà cười móm mém. Rồi tiếp tục: “Bọn tui không chỉ sống bằng nghề đánh cá mòi, mà còn nhiều loại cá nữa. Nhưng vẫn thích “bọn hắn” hơn vì giá cao và thịt ăn rất ngon”. Nói đoạn, bà giục chị Mận thu lưới. Lần ấy, chỉ được vài con cá mòi - quá ít đối với những người làm nghề, nhưng với bà Hoa, nhiêu đó đủ cho một ngày ăn và thỏa nỗi niềm với sông. “Mỗi ngày ra đó, đánh mấy bận lưới, kiếm mấy con cá, là sướng rơn người”. Âu cũng dễ hiểu, vì bà chỉ còn sống với tuổi già, sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ với con cái.
Mặc dù tuổi 80, nhưng bà Hoa vẫn đi thả lưới để đánh cá mòi. Ảnh: XUÂN THỌ
2. Ông Nguyễn Hội, 63 tuổi, là người đàn ông duy nhất mà tôi gặp trên sông Thu hôm ấy. Ông đi đánh cá mòi cùng với vợ mình là bà Phạm Thị Bốn, kém ông 2 tuổi. Ở Duy Tân, có rất nhiều vợ chồng như thế. Hai vợ chồng ông đi từ bốn giờ sáng, đánh lưới đến bảy, tám giờ sáng thì ghé vô chợ Thu Bồn ăn sáng rồi ra đánh tiếp, đến gần trưa mới về hẳn. Quá nửa đời người của ông, chỉ có lênh đênh với con thuyền nhỏ ngược xuôi dòng Thu Bồn. Kinh nghiệm đánh cá mòi, ông có đầy, vậy mà “truy” tận ngọn nguồn gốc rễ, ông chịu. “Chỉ biết rằng cá mòi có khắp sông Thu Bồn. Nhưng cũng không hiểu vì sao, đoạn chảy qua xã Duy Tân là cá mòi nhiều nhất. Nên nhiều khi nghe nói cá mòi, là họ định danh ngay xã Duy Tân” – ông Hội nói.
“Mà năm ni mới có cá mòi lại, chớ hai, ba năm nay “bọn hắn” bỏ đi đâu mất tiêu, chắc do mấy thủy điện trên kia chia cắt mất đường đi của chúng” - ông Hội nói. Cuối năm, vào mùa mưa lũ, cá mòi theo thượng nguồn xuống sông, đổ ra cửa biển. Để rồi sau tết, trong tiết trời hửng ấm của xuân, chúng lại ngược nước, tìm về thượng nguồn để sinh sản. Rồi… tá túc thêm vài tháng nữa, trước khi bị cơn mưa lũ kế tiếp cuốn trôi về phía biển. Cuộc đời của chúng, là chuỗi lặp lại như thế. “Mà kể cũng lạ, cá mòi là cá sông, là cá nước ngọt, không biết sao lại sống được ở vùng cửa sông giáp biển trước khi trở ngược lên đây để sinh đẻ” - ông Hội thắc mắc.
Tôi mang điều khúc mắc ấy của ông, để đi hỏi một số người mà tôi nghĩ rằng họ có thể giải thích được. Nhưng ở Quảng Nam, không có cơ quan nào nghiên cứu kỹ vấn đề này. Họ còn đùa tôi: “Hay là vô Viện Hải dương học Nha Trang đi, chắc chắn họ có nghiên cứu!”. Rồi gửi cho tôi đường dẫn đến trang Bách khoa toàn thư mở wikipedia.org phiên bản tiếng Việt, ở đó, có thể nhặt nhạnh ra được những thông tin như thế này: Cá mòi thuộc họ cá trích, có thân dài, hình bầu dục. Vào mùa sinh sản, cá mòi thường di chuyển từng đợt tập trung rất nhiều và nó trở thành “hiện tượng tự nhiên”. Trên thế giới, hiện tượng tự nhiên ấy thường xảy ra từ khoảng tháng 5 đến tháng 7 hằng năm. Còn ở Việt Nam, theo lịch âm là từ tháng Giêng đến tháng Tư. Điều này cũng trùng khớp với những gì xảy ra trên sông Thu Bồn. “Cũng vì có quan hệ mật thiết với biển như thế, nên mặc dù dưới đó biển động, nhưng trên này cũng không có cá. Nắng với chút gió nồm là cá nhiều nhất” - ông Hội hé lộ kinh nghiệm của mình.
Ngày hôm ấy, vợ chồng ông Hội đánh được vài chục ký cá mòi, giá lúc ấy là 40 nghìn đồng một ký. “Như thế là… quá ngon!” - ông Hội cười khà. Đang định hỏi bán bao lâu mới hết, thì đứa con gái của ông Hội trên bờ với xuống, nói là đã có người điện đặt mua. Thậm chí, họ còn đặt nhiều hơn những gì vợ chồng ông Hội thu được. “Nhưng em không dám nhận vì đâu biết ba má đi được nhiều hay ít đâu” - chị này giải thích. Tôi chỉ tay về phía giữa sông, nơi có mấy cọc tre nhô lên. Cơ chừng hiểu điều tôi thắc mắc, ông Hội đáp liền: “À, cái nớ là cài nòi, họ dựng lên để bắt cá mòi”. Biết tôi vẫn chưa hiểu hết, ông giải thích: “Cái nòi được cắm tre làm theo hình xoắn ốc, thường đặt ở vị trí nước chảy, cá mòi vào mà không thể ra được. Khi mô cần bắt cá, chỉ cần lấy vợt xúc lên mà thôi”. Trên sông Thu, ngoài cá mòi đem lại giá trị kinh tế cao, thì còn có cá dềnh. Tuy nhiên, cá dềnh không được ưu đãi như cá mòi.
3. Nghe phong thanh cá mòi được chế biến làm thức ăn dâng cúng Bà Thu Bồn nhân dịp lễ hội, tôi tò mò đi hỏi, thì té ra… trật lất! Ông Thái Văn Lịch, 87 tuổi, người giữ sắc phong Bà Thu Bồn cười khà khà cho cái sự nhầm lẫn của lớp trẻ. “Không có mô. Chỉ là mùa cá mòi trùng thời điểm Lễ hội Bà Thu Bồn thôi, chứ cá mòi chưa bao giờ là món dâng cúng lên Bà cả”. Nhưng vào mùa Lễ hội Bà Thu Bồn, người dân Duy Tân, với tấm lòng cởi mở của mình, đã làm các món ăn từ cá mòi để đãi du khách gần xa. “Dần dà, bọn tui còn tặng cá mòi cho họ nữa, như một đặc sản của quê này” - ông Lịch nói thêm.
Cá mòi bây giờ được chế biến thành nhiều món, mà món nào cũng ngon, cũng làm đắm lòng du khách. Nhưng trong ký ức của mình, ông Lịch nhớ nhất là món cá mòi nướng giòn cùng với chén mắm ớt tỏi. “Lúc thịt cá chín, còn nong nóng, mình bẻ ra, thơm phức. Chấm miếng nước mắm ớt tỏi, là sạch bách nồi cơm” - ông Lịch nhớ lại. Trong lúc tôi còn đang ừng ực nơi cổ họng vì… thèm, thì ông tiếp tục: “Đã nhất là hồi còn thanh niên, ngồi lai rai với mấy anh em dưới rặng tre sát mép sông, nhắm mồi cá mòi, thiệt không gì đã bằng”. Vì cá mòi nhiều xương, nên việc chế biến cần tỉ mỉ, nhất là mỗi khi cho con nít hay người già ăn. Vì lẽ đó, trước đây bóc tách thịt để giã nhuyễn, thì nay chỉ cần làm sạch cá, là bỏ vào máy xay nhuyễn thành chả, rồi chiên giòn để ăn.
Mùa cá mòi ngược nước, làm chuyến ngược lên Duy Tân, mới hay, té ra đôi khi chỉ một loài cá thôi, mà có khi ngồi hàng ngày dài nơi mép sông Thu Bồn, cũng không hết chuyện!
Ký của XUÂN THỌ