A+ A A-

Ngọt vị sông quê

Quê tôi là nơi gương mặt sông áp vào lòng biển mênh mông sóng, chất đậm ngọt phù sa được đẫm vị mặn mòi, tan hòa bao nhung nhớ. Cá tôm, thủy sản nơi đây được thỏa sức vẫy vùng với những tháng ngày sông rộng bến dài trời lồng lộng nên chăng cũng mẩy thơm, chắc mẩm hơn nhiều đoạn khúc khác trên dòng chảy dằng dặc Thu Bồn. Vùng giao hòa phồn thịnh ấy, dân gian vẫn gọi là vùng nước pha. Ngày tràn nắng giữa độ tàn trăng, theo con nước ròng là mùa của ghẹ nước pha gọi mời nhắc nhở.

Vùng hạ lưu nơi sông Thu Bồn sắp hòa vào biển.
Vùng hạ lưu nơi sông Thu Bồn sắp hòa vào biển.

Vì đã ngọt thịt nên ghẹ sông cũng chẳng câu nệ cầu kỳ cách chế biến. Muốn nhâm nhi chơi bời thì đem hấp với vài lát gừng xắt mỏng hoặc rang me, nướng than. Còn như muốn ấm lòng no bụng thì món canh ghẹ rau bồ ngót dùng với cơm nóng là một tuyệt chiêu của các bà nội trợ vùng sông nước quê tôi... Để rồi, những đứa con dù có đi đến chốn nào, thưởng thức những của ngon vật lạ nào, lòng vẫn khắc khoải nhớ bát canh ghẹ thơm mát mẹ nấu buổi trưa hè, không thể nhạt nhòa lẫn vào đâu được, không thể kiềm lòng được để cứ phải xuýt xoa khoe kể cùng bạn bè.

Thường thì mẹ tôi phải ra chợ từ buổi tinh mơ để có thể chọn được những con ghẹ tươi roi rói và chắc mình nhất, đem về tẩm ướp cho bữa trưa thật vừa theo khẩu vị của cả nhà. Ghẹ nấu canh rau, vùng biển nào cũng chuộng, nhưng kiểu cách chế biến có nhiều sự khác biệt tùy từng phong vị, thói quen. Cầu kỳ theo kiểu của người miền Bắc thì giã nhuyễn ghẹ rồi lọc lấy phần thịt làm riêu. Nếu người nấu khéo léo, nồi canh rau sẽ có nguyên một tảng riêu mềm mịn nổi trên mặt, trông rất hấp dẫn. Người miền Trung quê tôi thì thích thả nguyên con ghẹ vào nồi canh, vừa nhanh gọn, lại vừa bắt mắt với sắc đỏ rực lên đầy cảm xúc của những chiếc càng to khỏe. Cách này gọi là nấu gọng. Trong số những thức rau có sẵn của vườn nhà, bồ ngót được coi như “duyên số trời ban” cho nồi canh gọng có vị ngọt lừ đến ám ảnh vị giác. Thêm một bí kíp nữa, điều này đã được người dân quê tôi rỉ tai nhau từ bao đời rồi chẳng rõ, đó là dùng củ nén đập dập và chút nước mắm để ướp cho ghẹ thấm tháp. Phải là củ nén mới gọi ra được thứ hương vị đặc trưng quyến rũ của món ăn, còn nếu thay bằng hành hay tỏi thì canh vẫn ngon, nước vẫn ngọt đấy nhưng thiếu đi chất vị gây thèm. Khi từng con ghẹ được lăn trong đáy nồi láng dầu đã nóng già cho se lại, cả một gian bếp bỗng sực nức hương thơm ngào ngạt đến nao lòng. Tiếp đó là rau ngót. Thả vào nồi từng nắm rau đã được rửa sạch và vò nhẹ, dùng đũa đảo đều để rau ngấm với phần nước ít ỏi từ ghẹ tiết ra. Đậy vung nồi và giữ ngọn lửa liu riu chừng vài phút, chờ đến khi ghẹ chuyển hẳn sang màu đỏ gạch thì ta cho nước nóng vào, đun sôi với lửa vừa. Nồi canh sôi được tầm hai phút là lúc rau chín mềm, hương tỏa lan ngây ngất. Nêm thêm một muỗng nhỏ nước mắm trước khi tắt bếp để canh được đậm đà, hoàn hảo.

Bát canh ghẹ nấu rau bồ ngót bày ra trước mắt thật là trọn vẹn sắc vị, đến khi thưởng thức thì mọi giác quan đều được nếm trải rõ ràng nên không dễ gì lãng quên. Với những người con vùng biển như tôi, đó còn là cả tuổi thơ nồng hơi ấm mẹ, là quê hương đậm ngọt phù sa, mặn mòi vị muối, nơi những con người thật thà chất phác bao đời vẫn miệt mài gieo tình yêu vào lòng sông mặt biển, thủy chung, hồn hậu đến thương  là thương.

THÁI THỊ LIỄU CHI

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19803088
Hôm nay
Hôm qua
7209
10160