Ở Quảng Nam có một dãy núi đặc biệt, thời trước được phong là chủ sơn, liệt vào điển thờ; thời nay lại được xem là ngọn núi “lung linh”, khi cao khi thấp khi gần khi xa luôn thay đổi theo bốn mùa của trời đất. Đó chính là dãy Hòn Tàu, mà người trước gọi là Tào Sơn.
Phần chạy về phía nam của dãy Hòn Tàu. Ảnh: LÊ THÍ
Ngọn “chủ sơn” của Quảng Nam
Hòn Tàu là tên một hệ thống núi có diện tích hơn 100km2 nằm ở 3 huyện Duy Xuyên, Quế Sơn và Nông Sơn, gồm nhiều ngọn núi khác nhau trong đó đỉnh cao nhất cao 953m. Theo các nhà địa lý thời phong kiến thì: “Núi chia làm 3 chi, chi giữa là núi Tào Sơn, là sống chính của núi, hình thể cao dốc, sức khỏe thế to làm trấn sơn của một phương; tiếp liền phía tây nam là núi Tụ Tự, núi Lộ Phi, núi Trà Kiệu, núi Thổ Châu, núi Thạch Mặc; một chi ở phía nam có núi Tự Cốc, núi Xà Thành, đến xã Hương Quế huyện Quế Sơn làm núi Quế Sơn; một chi ở phía bắc làm thành núi Thông Sơn, núi Hàm Long, núi Chiêm Sơn. Phía đông rời ra làm đèo Hàm Long, rồi núi Bảo Châu. Lại về phía nam la liệt những núi nhỏ hình dạng khác nhau gọi là núi Tượng Lĩnh, núi Dương Sơn, núi Nại Sơn, núi Hương Phúc…” (Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, 2005, trang 349). Trên Hòn Tàu nằm giữa 2 huyện Nông Sơn và Quế Sơn có ngọn núi cao nhất đó là đỉnh Ấn Sơn mà dân gian thường gọi là núi Chúa, cao 953m. Gọi là Ấn Sơn vì “hình thể cao vót, đỉnh núi như hình cái ấn vuông sắc đỏ”. Gọi là núi Chúa vì “trên núi có đền thờ bà chúa Ngọc Tiên nương”.
Tên gọi núi Tàu đã có từ lâu do núi có hình dạng như một đầu tàu. Điều này đã được Cao Xuân Dục khẳng định trong Đại Nam địa dư ước biên (Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2010): “Nay xem núi non thì có Tào Sơn, tục gọi là núi Tàu… trông về phía tây như hình đầu tàu…”. Núi Tàu vào năm 1849 dưới thời Tự Đức mới đổi thành Tào Sơn. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Năm Tự Đức thứ 3 đổi tên như hiện nay, phong làm danh sơn, liệt vào điển thờ…” (trang 349). Ngày nay bên cạnh những tên gọi cũ Hòn Tàu còn được nhắc đến thường xuyên với những địa danh mới nổi tiếng Nhà Muỗi, Cù Hang, Mặt Rạng... (đỉnh núi), Trầm Xác Máu, Bà Sáu, Hóc Xôi, Mũi Thuyền… (hang núi).
Vị trí chiến lược về quân sự
Những nhà quân sự tìm thấy ở Hòn Tàu một vị thế chiến lược quan trọng. Đứng trên Hòn Tàu có thể quan sát cả một vùng rộng lớn của Quảng Nam, từ của biển Đà Nẵng đến cửa biển Đại Áp (Núi Thành). Núi thuận lợi cho cả phòng thủ và tấn công. Hương Quế, một chi của hệ Hòn Tàu về phía nam thời nào cũng là nơi đóng quân để quản lý không chỉ con đường bắc - nam nối Điện Bàn (phía bắc) với Thăng Hoa (phía nam) mà còn giữa đông với tây (tỉnh lộ 611, nối Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn với Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước…).
Trong phong trào Nghĩa hội, Nguyễn Duy Hiệu từng định chọn vùng chân Hòn Tàu (Quế Hiệp) làm căn cứ Tân Tỉnh, nhưng rồi đổi ý chuyển Hòn Tàu làm “bình phong” nên dời căn cứ sang vùng Trung Lộc, phía sau núi cho kín đáo và vững chãi hơn. Dưới chân Hòn Tàu hiện nay ở làng Nghi Sơn xã Quế Hiệp vẫn còn địa danh Dốc Đồn, ghi dấu ngôi đồn đóng quân của Nghĩa hội Quảng Nam năm nào.
Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, Hòn Tàu với rừng rậm, địa thế hiểm trở, nhiều hang động có sức chứa hàng ngàn người đã trở thành một căn cứ quan trọng. Đây là cơ quan đầu não của Xứ ủy Trung kỳ (trước 1945), Đặc khu Quảng Đà (1967 - 195). Nơi đây một thời tập trung cả bệnh viện, kho bạc, nhà in, trường học… Những di tích về Đặc khu ủy Quảng Đà đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2012.
“ngũ long tranh châu”
Quanh Hòn Tàu là một vùng “nhân kiệt”. Vì vậy nhiều nhà phong thủy đã phong cho hệ thống núi này là “ngũ long tranh châu”. Trung tâm Hòn Tàu như một hạt minh châu, tỏa ra 5 hướng là 5 con rồng. Con rồng thứ nhất chạy về hướng bắc với các núi Hàm Long, Chiêm Sơn là nơi yên nghỉ của các bà hoàng hậu Mạc Thị Giai, Đoàn Quý Phi… góp phần hưng khởi cho triều Nguyễn suốt gần 150 năm.
Về phía tây bắc có dãy Trạch Long, là dãy núi đá trông như những chiếc vảy đen trên mình con rồng, nơi được chọn làm “tường phát địa” cho dòng tộc của Mạc Cảnh Huống, một khai quốc công thần của thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Con rồng thứ ba chạy về phía tây với các ngọn Yên Sơ, Chinh Sơn, Phú Cốc, Gia Cát, Hòn Ngang… được xem là linh địa cho “nhị kiệt Quế Sơn” với hai vị phó bảng Nguyễn Đình Hiến (Trung Lộc - Nông Sơn), Nguyễn Mậu Hoán (Gia Cát - Hiệp Đức).
Con rồng thứ tư ở về phía đông nam với nhiều dãy đồi thấp lượn phía Quế Hiệp, Quế Cường, Quế Phú với các núi Hương Phúc, Hương Quế… đã được các tộc Trần (Trần Văn Chơn), Phạm (Phạm Nhữ Dực, Phạm Nhữ Tăng) và Nguyễn (Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Ngọc Thanh) - những vị “tiền hiền” của vùng nam Quảng Nam, chọn làm quê hương thứ hai của mình ở xứ Đàng Trong. Mộ của Phạm Nhữ Tăng, nằm dưới chân núi Hương Quế tương truyền do quan Thái lý của nhà Lê chọn được xem là ngôi mộ “đơn phượng hàm thư” làm cho tộc Phạm nổi tiếng với câu ca: “Bao giờ núi Quế hết cây, Bàu Sanh hết nước họ này hết quan”.
Và cuối cùng các dãy núi chạy về hướng nam như Tượng Lĩnh (Quế Thuận), Dương Sơn (Quế Châu), Nại Sơn (Phú Thọ)… được người trước gắn với sự thành đạt của tộc Lương (các cử nhân Lương Quý Di, Lương Trọng Tuân, Lương Trọng Hối…) và tộc Phan (cử nhân Phan Văn Thuật, Phan Vĩnh, tiến sĩ “ngũ phụng tề phi Phan Quang).
Chuyện dân gian muôn thuở vẫn thường có thêm chút màu sắc của tâm linh. Tuy nhiên điều ấy không làm mất bản chất của dãy núi, chỉ thêm sự lung linh của nó trong tâm hồn nhiều thế hệ người dân xứ Quảng. Trong tác phẩm Vùng chân Hòn Tàu (Nxb Quân đội Nhân dân, 1978), nhà văn Thái Bá Lợi đã viết: “Hòn Tàu trông giống một chiến hạm lớn đang lao về phía Đà Nẵng… Mùa xuân nó gần hơn một chút, mùa hạ nó cao hơn một chút, mùa thu nó thấp hơn một chút, mùa đông nó xa hơn một chút…”. Ngày nay, nhìn dãy núi “ngũ long tranh châu”, nhiều người vẫn tự hỏi không hiểu có phải thế núi này đã làm nên nhiều “hào kiệt” cho vùng chung quanh núi hay chính những hào kiệt này đã góp phần làm cho Hòn Tàu lung linh hơn, khi cao khi thấp khi gần khi xa theo bốn mùa của trời đất!
LÊ THÍ