A+ A A-

Câu thơ tâm huyết gửi lại mai sau

        Nhân 100 năm ngày sinh nhà thơ Hồ Thấu (1918 - 2018), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật và Trường Chính trị thành phố vừa tổ chức buổi lễ tưởng niệm và giới thiệu sách “Hồ Thấu - nhà thơ, người trí thức cách mạng” (Nxb Đà Nẵng, 2018). Tham dự, có nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cùng các thành viên gia đình thân nhân nhà thơ Hồ Thấu.

          Nhà trí thức cách mạng

         Buổi Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà thÆ¡ Hồ Thấu. Ảnh: T.T.S

Buổi Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hồ Thấu. Ảnh: T.T.S             

         Nhà giáo, nhà thơ Hồ Thấu, sinh năm 1918 tại làng Trung Thái (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) trong một gia đình khoa bảng. Các anh trai của ông là Hồ Phùng, Hồ Nghinh (sau này là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng), Hồ Tống và em trai Hồ Liên (tức Hoàng Bích Sơn – một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của nước ta) là những người có tư chất thông minh, học giỏi. Đặc biệt, các ông Hồ Nghinh, Hồ Liên là những trí thức yêu nước, là những nhà giáo vừa dạy kiến thức vừa truyền bá tư tưởng yêu nước cho các thế hệ học trò, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Tập sách “Hồ Thấu - nhà thơ, người trí thức cách mạng”.

Tập sách “Hồ Thấu - nhà thơ, người trí thức cách mạng”.         

        Vốn ham học, lại thông minh, sau khi đỗ tiểu học Pháp - Việt tại Hội An, Hồ Thấu vào học tại trường Quốc học Quy Nhơn. Năm 1936, ông thi đỗ thành chung, học ban chuyên khoa tú tài tại trường Quốc học Huế, cùng khóa với Tố Hữu. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Hồ Thấu về lại quê vận động mở trường dạy học. Với chí hướng đem tri thức của mình truyền thụ cho con em quê hương mở mang dân trí, góp phần đưa xã hội tiến lên, năm 1941, Hồ Thấu cùng anh mình là Hồ Nghinh vận động xây dựng trường tiểu học tư thục Tân Tân, với chủ trương giáo dục tương đối toàn diện, có thư viện, sân thể dục thể thao, giáo viên giảng dạy gồm những thanh niên trí thức hấp thụ tư tưởng tiến bộ.

         Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Hồ Thấu đã có nhiều cống hiến cho cách mạng, ông từng giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tỉnh Quảng Nam ngay sau Cách mạng tháng tám 1945. Giữa lúc tài năng đang được phát huy và góp phần vào những thắng lợi bước đầu của quân và dân Quảng Nam sau hai năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì ông lâm bệnh - căn bệnh “tứ chứng nan y” lao phổi. Lúc bấy giờ chưa có thuốc đặc trị, phần vì điều kiện cuộc sống trong kháng chiến vô cùng khó khăn, vào những ngày cuối tháng 12.1949, Hồ Thấu ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn. Trước khi chết ông đã viết bài Gửi Kỳ, trong đó có những câu được nhiều người truyền tụng: “Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua”.

          Nhà thơ Lê Đào (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng)  - một người học trò của thi sĩ Hồ Thấu đã rưng rưng nước mắt kể lại: “Ông có 4 điều đặc biệt: là con nhà quan nhưng tính cách nhà dân, người nhỏ nhưng cái bóng thì rộng lớn, tưởng là cao xa nhưng lại rất gần gũi, sức yếu nhưng gan bền… Nhân cách cao đẹp, trí tuệ hơn người, Hồ Thấu là một nhà giáo mẫu mực tự mày mò học tập nghiên cứu truyền thụ kiến thức cho nhiều thế hệ thanh niên. Ông cũng là con người giàu chí khí, sớm giác ngộ đến với cách mạng với một niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc”.

          Nhà thơ tài hoa

          Nhà thơ Lê Đào nhấn mạnh: “Ông là nhà giáo, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị. Nhưng sự nghiệp lâu dài và sâu sắc nhất là thơ. Theo tôi, thơ của ông thuộc trường phái trữ tình cách mạng và nhân đạo”.
Thật vậy, cho đến hiện nay, số lượng di cảo của Hồ Thấu là không nhiều. Bạn ông, nhà thơ Khôi Anh Phạm Văn Kỳ trước kia đã sưu tầm và hợp thành tập Thơ Hồ Thấu, chưa kịp xuất bản thì ông Kỳ mất, tập bản thảo từ đó cũng bị thất lạc. Tuy nhiên, những bài thơ của ông để lại đều được Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Tế Hanh… tán thưởng. Khương Hữu Dụng nhận xét: “Chỉ với một bài, thậm chí với một câu thơ hay như thế cũng đủ là một nhà thơ, một sự nghiệp”. Thời còn tuổi học sinh trường Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận đã viết về Hồ Thấu: “Nhớ Hồ Thấu là người cùng thế hệ với tôi, thế hệ đi vào đời thơ giữa cao trào “thơ mới” những năm 30 của thế kỷ. Anh Thấu và tôi đều học trường Quốc học Huế, tôi lớp trước, anh lớp sau. Lúc ở trường tôi đã nghe nhiều bạn nhắc đến thơ anh, nhưng thơ anh ít đăng báo nên chưa được phổ biến rộng rãi”. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cho rằng: “Nhà thơ Hồ Thấu, nhà thơ huyền thoại của tuổi thơ tôi. Thời đó, trong kháng chiến chống Pháp, tên tuổi anh, thơ anh được nhân dân đất Quảng truyền tụng”.

          Sinh thời, trong quá trình vừa dạy học, viết văn, viết kịch, làm thơ và tham gia phong trào cứu nước tại quê nhà, Hồ Thấu đã biến phòng ngủ thành nhà in với phương tiện thô sơ là chiếc máy chữ cũ kỹ để in báo và tài liệu, nhân ra nhiều bản phân phát cho các nơi. Từ nơi ấy, với niềm cảm hứng kỳ diệu của không khí cách mạng tiền khởi nghĩa, ông đã viết bài thơ “Lên đường” như một lời hịch kêu gọi thống thiết: “Kẻ lo chi định mệnh/ Kẻ ôm chi kinh thư/ Kẻ chờ chi ngày lạnh/ Kẻ mơ chi trường tư/ Hãy đứng dậy lên đường/ Nhập vào lòng biển cả/ Đời không còn xa lạ/ Đời chỉ là mến thương”. Bài thơ một thời kỳ được lan truyền như ngọn lửa thắp sáng trái tim bao lớp trai trẻ yêu nước dấn thân.  

          Năm 1946, trong thời gian công tác tại Ủy ban Liên kiểm Việt – Pháp ở Đà Nẵng, ông viết bài thơ “Mùa thơm” như là dấu hỏi về số kiếp nhân sinh và con đường giải thoát những trầm luân khổ nạn con người: “Từ những bao giờ ai đến đây/ Ghi tên vào đá gửi làn mây/ Người đi mấy kiếp luân hồi nhỉ!/ Tên tuổi trơ vơ cát bụi đầy”. Năm 1947, khi nghe tin quê nhà Duy Trinh bị giặc Pháp càn quét, tàn phá, ông viết bài thơ “Quê hương” với những lời ngợi ca khí phách anh hùng, những chiến công của quân dân: “Nằm giữa ba đồn giặc/ Rực rỡ lò hy sinh/ Trên tro hồng máu đọng/Anh hùng lớp lớp sinh/…/ Anh hùng mới mười tuổi/ Du kích trốn mẹ cha/ Đầu bạc không hề cúi/ Chửi giặc chết cười khà”.

          Từ cuối năm 1947, do mắc bệnh phổi ngày một trầm trọng, ông phải điều trị tại bệnh viện dân y Cây Sanh, sau về dưỡng bệnh ở dưỡng đường Quý Phú thuộc xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Hồ Thấu thường viết những bài thơ nhớ cảnh, nhớ người. Và chừng sớm nhận biết mệnh bạc của mình, bên cạnh những bài thơ gửi các bạn thân, vào đầu đông năm 1949, ông để lại bài thơ tuyệt mệnh “Gửi Kỳ” đầy xúc động được nhiều người yêu chuộng, lan truyền cho đến nay.

          Nhân vật Kỳ trong bài thơ “Gửi Kỳ” là bạn thân Hồ Thấu thuở thiếu thời, tên thật là Nguyễn Đình Cừ (người dân quê thương gọi là Ấm Cừ, do ông này là con quan được hưởng chế độ tập ấm). Khi biết tin bạn đau nặng, Ấm Cừ đến thăm thì gặp lúc Hồ Thấu suy kiệt, và Hồ Thấu đã xuất thần đọc lại cho bạn chép những câu thơ trăng trối của mình trước lúc qua đời. Trong đó với những câu thống thiết, bất hủ:

“Kỳ ơi, ta chết rồi đây

Huyệt chờ bên nội kiếp này phụ nhau

Tiệc vui tóc vẫn xanh đầu,

Ga đời còn mấy chuyến tàu nhạt hương.

Nhưng thôi ta ngã giữa đường

Dưới, trên mặt đất sầu thương cũng rồi

Chiến trường ai khóc chia phôi,

Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua”.

          Gần 20 năm trước, trong quá trình nghiên cứu sưu tập tài liệu về Hồ Thấu, nhà thơ Hoàng Minh Nhân đã nêu nhận định về bài thơ này: “Quả sức sáng tạo thi ca của thi sĩ Hồ Thấu là kỳ diệu. Đã hấp hối rồi, không chỉ sống lại, mà còn đủ minh triết, còn đủ sức mạnh xuất thần sáng tác được một bài thơ dài vào loại xuất sắc nhất của thơ ca kháng chiến, giàu âm hưởng trữ tình, lãng mạn cách mạng, hiếm thấy những ngày đầu chống Pháp của thơ ca đất Quảng nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung”.

          Năm tháng trôi qua. Những cuộc chiến nối tiếp nhau rồi cũng kết thúc. Có thể nhiều giá trị, thời thế, tình người thay đổi… Thế nhưng, mỗi lần nghĩ về bao người hy sinh ngã xuống để giành lại cuộc sống an bình hôm nay, hẳn rằng trong tâm hồn của chúng ta vẫn chẳng thế quên được những câu thơ “Gửi Kỳ” của Hồ Thấu với những lời thiết tha tâm huyết nhắn nhủ mai sau...

TRẦN TRUNG SÁNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18625493
Hôm nay
Hôm qua
3103
7558