Với tầm quan trọng ngày càng cao của thông tin đối ngoại, cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế của Việt Nam, công tác thông tin đối ngoại đã và đang nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Nhiều chủ trương, chính sách và quy định về thông tin đối ngoại đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành nhằm định hướng cũng như quản lý, nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết tình hình thế giới, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26 về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, theo đó, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”. Bộ Chính trị khóa XI ra Kết luận số 16 về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài”. Để tăng cường công tác thông tin đối ngoại, góp phần phục vụ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, ngày 19/2/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTGTW về việc hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại, trong đó nhấn mạnh công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung:
Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thông tin đối ngoại nêu trong Kết luận 16 của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020"; "Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020" và Nghị định số 72 về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên cơ sở quán triệt đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, cơ chế chỉ đạo, phối hợp từ Trung ương tới địa phương; chú trọng nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương thức tuyên truyền; tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài theo phương châm "Chính xác, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng".
Đẩy mạnh tuyên truyền ra thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài về đường lối, quan điểm, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam được nêu trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước; quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng; lập trường, quan điểm chính nghĩa của Việt Nam về lãnh thổ, bảo vệ độc lập chủ quyền, về vấn đề Biển Đông; nâng cao một bước hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, quảng bá phải góp phần thúc đẩy đầu tư, du lịch và tăng sức lan tỏa hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền về hội nhập quốc tế, cung cấp kịp thời thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về thuận lợi và thách thức của việc tham gia Cộng đồng ASEAN, các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tăng cường nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, nhất là trong vấn đề biên giới, biển, đảo, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và những vấn đề quan trọng khác.
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng tài liệu, cung cấp kiến thức về thông tin, tuyên truyền đối ngoại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên trách thông tin đối ngoại của các ban, bộ, ngành, cơ quan báo chí... Tập trung vào những vấn đề thiết thực, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau.
Phát huy tốt hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan thông tấn, báo chí trong triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại. Lựa chọn, xác định một số cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực để tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính, con người. Tận dụng tốt các kênh song phương và đa phương để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong các vấn đề quan trọng của đất nước.
Hoàng Thơ biên soạn