A+ A A-

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

           Về chủ thể tham gia hội nhập, nhà nước là một nhân tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Nhà nước đóng vai trò rất lớn, vừa dẫn dắt tiến trình đàm phán, vừa hỗ trợ các chủ thể khác cùng tham gia các cuộc chơi ở khu vực và toàn cầu, nhưng nhà nước không thể bao sân, làm thay cho các chủ thể khác trong xã hội.

          Hội nhập quốc tế toàn diện là sự hội nhập của toàn xã hội vào cộng đồng quốc tế, trong đó doanh nghiệp và đội ngũ doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt. Người dân sẽ được đặt vào vị trí trung tâm trong tiến trình hội nhập. Trong hội nhập quốc tế, nhiều địa phương sẽ được “cởi trói”, sẽ có cơ hội phát huy tất cả các thế mạnh của mình trong quá trình phát triển. Các đoàn thể xã hội, các hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ… cũng sẽ có nhiều cơ hội được tham gia vào các công việc hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, tìm kiếm nguồn lực phục vụ phát triển.

          Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đã gia nhập nhiều tổ chức, diễn đàn ở khu vực và trên thế giới. Với việc Việt Nam vừa cùng 11 nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và tới cuối năm nay sẽ hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột (cộng đồng Chính trị-An ninh; cộng đồng kinh tế và cộng đồng Văn hóa- Xã hội), nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN, hội nhập quốc tế hiện nay không còn là một chủ trương chính sách trên bàn đàm phán hay trong các văn kiện của Đảng, mà đã trở thành một thực tiễn không thể phủ nhận, tạo ra những sức ép rất lớn, buộc các chủ thể phải có những hành động, biện pháp kịp thời để thích nghi và hội nhập thành công.

          Muốn vậy, trước hết mỗi bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp, xã hội cần chủ động nắm bắt thông tin, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt cơ hội, hiểu rõ thế mạnh của bản thân cũng như những thách thức đặt ra trong tiến trình hội nhập.

          Các bộ, ngành và chính quyền các cấp, trên cơ sở lĩnh vực mình phụ trách, cần chủ động rà soát lại toàn bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm những vấn đề này là phù hợp với các cam kết quốc tế. Cần đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, chuyển hoàn toàn từ cơ chế xin - cho sang cơ chế phục vụ doanh nghiệp, người dân, lấy hiệu quả làm thước đo thành công của hội nhập. 

          Cần đẩy mạnh xây dựng các cơ chế cảnh báo sớm, các diễn đàn đối thoại, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các đoàn thể xã hội, đẩy mạnh tham vấn, tập huấn, tuyên truyền để đảm bảo mỗi chủ thể khi tham gia hội nhập đều có những khả năng tối thiểu về con người, về thể chế, ngoại ngữ. 

          Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cần gấp rút chuẩn hóa các tiêu chí, nội dung giảng dạy hướng tới công nhận lẫn nhau và để đào tạo ra những lực lượng lao động có tay nghề, đáp ứng cả về chuyên môn và ngoại ngữ. Giáo dục và đào tạo sẽ là nhân tố quyết định hiệu quả và sự thành công của tiến trình hội nhập ở nước ta hiện nay và trong tương lai.

          Với các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về môi trường kinh doanh, quyền tiếp cận vốn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ; khuyến khích các doanh nghiệp tạo sân chơi mới, xây dựng sự liên kết theo ngành, theo lĩnh vực, với các doanh nghiệp, bạn hàng, đối tác bên ngoài; phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp.

          Với các tổ chức đoàn thể xã hội, cần chủ động, sáng tạo, nhất là trong nắm bắt thông tin, tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực hội nhập, liên kết để cùng hỗ trợ nhau tham gia các diễn đàn khu vực và toàn cầu.

          Quá trình hội nhập ngày càng diễn ra sâu rộng, người dân sẽ là những đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Hàng hóa, dịch vụ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, phong phú hợp cả về chất lượng, số lượng với giá cả phù hợp và cạnh tranh hơn. Sự công nhận lẫn nhau và sự kết nối về con người, đào tạo, hạn tầng cơ sở, kinh tế… sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong mọi mặt của đời sống xã hội. 

          Bên cạnh đó, tiếng nói của người dân cũng cần được tôn trọng. Cần tạo ra những cơ chế để người dân có thể tham gia vào các tiến trình hợp tác, phản biện xã hội, đóng góp cho nhà nước trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách.

          Nói tóm lại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp, nhưng là một tiến trình mang lại nhiều lợi ích to lớn cho mọi chủ thể trong xã hội. Đó là quá trình “cởi trói” về thể chế, giải phóng về cơ hội và nguồn lực. Hội nhập quốc tế toàn diện không thể có sự dàn đều, mà có thể cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể nào có năng lực, có thế mạnh, biết nắm bắt cơ hội vươn lên phát triển trước và lôi kéo các thành phần khác trong xã hội theo sau. 

          Nguyên tắc quan trọng nhất của hội nhập quốc tế là xây dựng chuẩn và thực hành theo chuẩn; chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa để phát triển là một xu thế tất yếu. Bí quyết thành công chính là nằm ở cách nắm bắt và vận dụng sáng tạo nguyên tắc này      

Hoàng Thơ biên soạn

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797740
Hôm nay
Hôm qua
1861
10160